Đặc trưng dễ dàng nhận thấy ở các ngôi đền Hindu chính là phần mái đền luôn có một màu đen óng, mượt mà và hình khối dạng tháp vươn lên cao. Phần mái này được lợp bằng lá từ cây cọ. Người dân ở đây có một bí quyết để giữ lá có độ bền hàng trăm năm, càng lâu năm càng đen bóng. Mỗi ngôi đền không chỉ có một tháp mà rất nhiều tháp song song. Phần tháp chỉ để thờ thần linh và bày lễ vật. Khi cúng tế, tín đồ sẽ ngồi, quỳ xung quanh tháp để thực hiện nghi lễ.
Hindu giáo (còn gọi là Ấn Độ giáo) chi phối đến hơn 80% dân số Bali. Kết hợp cả tín ngưỡng địa phương và ảnh hưởng của Ấn Độ giáo từ Đông Nam Á, Nam Á nên Hindu giáo ở Bali thờ cúng từ các vị thần, á thần, các anh hùng, linh hồn tổ tiên, các vị thần nông. Họ tin các vị thần, nữ thần hiện diện trong tất cả mọi thứ - một tảng đá, cái cây, một con dao găm hay tấm vải dệt… Do vậy, mỗi gian thờ ở mỗi ngôi đền lại có hình ảnh, tượng một vị thần hoặc đôi khi đó chỉ là những tảng đá được quấn vải.
Kéo theo đó là sự đa dạng, phong phú về các kiểu hoa văn chạm trổ, phù điêu. Chẳng hạn, chỉ khoảng 100m chiều dài trên bãi biển Salamat Datang ở Kuta có đến ba ngôi đền nằm liền kề. Trong khi hoa văn, phù điêu của đền Pura Dalem Pakendungan chủ yếu là hình các quái thú thì ngôi đền bên cạnh lại thiên về hoa lá, cây cỏ; ngôi đền còn lại thì theo các dạng hình khối. 90% diện tích trên tường, cổng, phần rường cột, phần mái, bệ thờ, các tượng thờ hay tượng trang trí trong các đền thờ đều dày đặc những hoa văn, phù điêu trên đá hoặc trên bề mặt kim loại...
Những kiểu hoa văn, phù điêu đa dạng trên cổng đền |
Rất nhiều ngôi đền ở Bali đã trở thành điểm đến thu hút hàng triệu lượt khách khắp nơi trên thế giới tham quan mỗi năm. Giá vé thăm đền từ 15.000-30.000 rupee/người (tương đương 30.000-60.000đ).
Ngôi đền đầu tiên chúng tôi viếng thăm là Pura Luhur Uluwatu, được xây dựng từ thế kỷ XI. Tuy khá nhỏ nhưng nó lại “gánh” một ý nghĩa to lớn: bảo vệ Bali khỏi những linh hồn ác quỷ. Đền nằm trên một mũi đá nhô ra biển. Mũi đá này kết hợp với hai mũi đá còn lại tạo thành hình một cánh cung sừng sững, thi gan với đất trời và sóng biển. Đứng ở hai bên mũi đều có thể thấy được toàn cảnh của ngôi đền. Vài năm trở lại đây, một con đường dọc theo hai cánh cung đá được xây dựng để du khách có thể dễ dàng thưởng thức phong cảnh hùng vĩ. Hiện khu tháp cổ đóng cửa, không cho du khách đến gần mà chỉ dành cho những nghi lễ đặc biệt.
Đền Pura Luhur Uluwatu |
Đền Pura Ulun Danu Bratan (Pura Bratan), được xây dựng từ năm 1663, gồm nhiều khu nối với nhau, trong đó đền chính nằm sát bên mặt hồ Bratan, dưới chân dãy núi Bedugul. Ngôi đền thờ thần Shiva, vị thần quan trọng của Hindu giáo. Nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, hồ Bratan luôn tạo cho không gian xung quanh đền không khí mát mẻ, trong lành. Mây nước bảng lảng bao quanh trông như tranh thủy mặc.
Đền Pura Ulun Danu Bratan |
Đền trong đá là tên thường gọi của Gunung Kawi, gồm 10 ngôi đền nhỏ được khắc trên hai vách đá đối diện qua một con suối, từ khoảng thế kỷ thứ XI. Đây có lẽ là một ngôi đền lạ lùng và khác biệt nhất. Hàng cây cổ thụ ven suối thả những dây leo đan xen qua tầng lá cho chúng tôi một cảm giác như đang lạc vào chốn thiên thai.
Đền Gunung Kawi |
Đền Tirta Empul gây ấn tượng mạnh cho chúng tôi khi chứng kiến các du khách đủ chủng tộc, đủ lứa tuổi, giới tính cùng thành kính làm lễ, chắp tay cầu nguyện và tắm gội dưới dòng nước thánh.
Đền Tirta Empul |
Hoa văn phù điêu trên cổng đền Tirta Empul |
Ba ngày, thời gian khá ngắn ngủi để chúng tôi có thể cảm nhận trọn vẹn những tầng sâu văn hóa của xứ sở này. Hẹn một ngày trở lại Bali để được trải nghiệm thêm không khí của các lễ hội, các buổi tế lễ, thưởng thức các điệu múa dân gian hay khám phá các làng nghề thủ công mỹ nghệ…
Mâm lễ thờ cúng |
Theo PNO