Cháo ngày nay không chỉ dành cho các bé mà đã trở thành món ăn sáng yêu thích của nhiều người Hà Nội.
1. Cháo sườn
Cháo sườn. Ảnh: flickr |
Phổ biến nhất trong các loại cháo ăn sáng của người Hà Nội có lẽ là món cháo sườn. Do kỹ thuật nấu không đòi hỏi nguyên liệu phức tạp, chủ yếu gồm xương ống và thịt băm nên những quán bán món cháo này có mặt ở hầu hết các khu phố, đặc biệt là nơi đông dân cư và trường học. Cháo sườn truyền thống được nấu từ bột gạo nhằm tạo độ mềm, nhuyễn. Ở nhiều nơi gạo tẻ nguyên hạt cũng được chọn để ninh nhừ, tạo độ sánh, dẻo cho bát cháo.
Thực khách có thể lựa chọn một trong hai hoặc cả hai loại ăn kèm là ruốc và quẩy. Trong hơi nóng bốc lên, từng thìa cháo múc đều quanh bát đưa lên miệng sẽ nhanh chóng tan chảy nơi đầu lưỡi. Cùng với vị đậm đà từ nước hầm xương thịt, ngọt thơm của ruốc sấy và giòn tan của quẩy nóng, món cháo sườn vốn dễ ăn càng trở nên hấp dẫn. Nếu cho rằng món ăn này còn khá đơn điệu thì bạn có thể tìm đến một số biến tấu mới của cháo sườn như thêm trứng vịt lộn (ngõ Huyện), nấu cùng sườn non, sườn sụn (chợ Đồng Xuân) hay cháo sườn niêu (Phan Đình Phùng).
2. Cháo lòng
Cháo lòng. Ảnh: wiki |
Khác với cháo sườn, cháo lòng chủ yếu phục vụ nhu cầu ăn sáng cho thực khách là người lớn. Cháo cũng không nấu từ gạo xay nhuyễn mà thường để nguyên hạt ninh nhừ, nhưng không vì thế mà mất đi độ mềm, mịn, sánh, nhuyễn. Một bát cháo lòng đầy đặn thường có màu nâu của tiết cùng chút dạ dày, gan luộc, lòng non và hành, mùi, húng, ớt đặt ở phía trên.
Tuy nhiên ở một số nơi, các món phủ tạng lợn không luộc trước mà làm sạch, cắt ra cho vào bát rồi trần chín nhờ sức nóng của cháo nên rất giòn và ngọt. Khi ăn, người dùng chỉ việc khuấy đều để cháo quyện cùng lòng, dạ dày, gan, cật... Bỏ thêm vài miếng lòng dồi nếu muốn những hạt cháo trắng ngần có màu nâu tiết đặc trưng. Món ăn dân dã này bạn có thể thưởng thức ở một số quán trên phố Nguyễn Trường Tộ, Lạc Long Quân, Ô Quan Chưởng...
3. Cháo trai
Cháo trai có thể bỏ thêm hành phi để thơm hơn. Ảnh: wordpress |
Ngon, bổ, rẻ và dễ kiếm tìm là cảm nhận của nhiều người về món cháo trai. Tuy nhiên để nấu được nồi cháo trai đúng điệu đòi hỏi người làm phải khéo tay và nhiều công đoạn tỉ mỉ. Trai khi mua về phải ngâm vào nước gạo cho nhả hết đất, sau đó luộc qua tách nước và thịt trai. Phần nước dùng để nấu cháo trong khi đó thịt trai sẽ xào qua rồi mới bỏ vào khi ăn.
Bát cháo trai nóng hổi, thơm vị hành răm từ đáy bát, kèm theo vài miếng quẩy xắt nhỏ khiến người ăn không thể chối từ, đặc biệt là những ngày mưa mát mẻ. Đó là nhờ vị dai giòn sần sật của thịt trai và phần cháo nhuyễn đậm hương quyến rũ. Bạn cũng có thể rắc thêm chút ớt bột để cảm nhận đủ vị cay, ngọt, giòn, bùi. Ngoài khu tập thể Thành Công, Nghĩa Tân, phố Trần Xuân Soạn cũng là địa chỉ cho những người sành món ăn này.
4. Cháo lươn
Cháo lươn. Ảnh: dulich.vn |
Cháo lươn tuy là món đặc sản của Nghệ An nhưng hiện khá phổ biến ở Hà Nội và được nhiều người lựa chọn cho bữa sáng. Nổi tiếng với món ăn này là các quán ở đường Thái Hà, khu vực chợ Nam Đồng hoặc chợ Hàng Da. Ngoài phần cháo với những hạt gạo nở bung, trắng muốt, độ ngon, ngậy của món ăn còn phụ thuộc phần nhiều vào những miếng lươn.
Trong khi nhiều người lựa chọn lươn mềm, vàng óng để tạo sự đồng điệu giữa cháo và thịt thì không ít người lại thích ăn cùng lươn giòn để cảm nhận sự khác biệt trong hương vị. Tuy nhiên dù loại nào, bát cháo lươn vẫn không thể thiếu chút rau răm và thịt lươn phải còn nguyên vẹn, ngấm vị.
5. Cháo đậu cà
Cháo đậu cà. Ảnh: blog |
Tuy ít nơi ở Hà Nội bán món ăn này, nhưng nếu có dịp một lần thưởng thức chắc hẳn bạn sẽ không thể quên hương vị rất riêng. Thay vì ăn cùng thịt, ruốc, quẩy, cháo lại được ăn kèm đậu phụ rán vàng và cà pháo muối vừa tới. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị giòn chua thú vị quyện trong từng hạt cháo chín mềm và đậu phụ thơm béo ngậy. Ở một số hàng còn dùng cháo đậu xanh hoặc cháo trắng thêm ít thịt gà để tăng vị đậm đà món ăn này. Nếu muốn thử, bạn hãy tìm đến phố Tây Sơn, Châu Long hoặc Bạch Mai.
Theo VnExpress