Mưa vừa dứt hạt, mặt trời ló ra rạng rỡ, những kiến trúc thiên về khối vuông bằng đá dẫu có óng lên màu hổ phách dưới ráng chiều vẫn còn nguyên vẻ phòng thủ trầm mặc.
Thành phố phòng thủ
“Vùng đất này lạ quá!”, ai đó thốt lên. Lạ cũng phải, bởi hòn đảo châu Âu này là dải đất Bắc Phi trôi dạt ra giữa vùng biển kín sau cơn địa chấn.
Địa Trung Hải mấy ngàn năm bị các nền văn minh ra sức khống chế, thì Malta ở ngay vị trí trung tâm làm sao thoát khỏi chiến tranh triền miên. Lịch sử Malta là lịch sử tranh đoạt bá quyền, thế nên di sản kiến trúc của đảo là tầng tầng lớp lớp hệ thống phòng vệ.
Đi đâu trên đảo cũng thấy phù hiệu của dòng Hiệp sĩ cứu tế. Trong lịch sử quân sự châu Âu, dòng Hiệp sĩ cứu tế Malta thường được nhắc đến vì sự hào hiệp và thượng võ bậc nhất.
Ngay khi được hoàng đế Karl V của La Mã ban cho quần đảo Malta vào năm 1530, các hiệp sĩ nhanh chóng xây dựng thủ đô Vallette ngay trên Grand Harbour (cảng Lớn) với quần thể đô thị, nhà thờ, dinh thự theo lối kiến trúc baroc kinh điển.
Từ Grand Harbour nhìn ra Địa Trung Hải sẽ thấy ngay Vittoriosa, Cospicua và Senglea - ba thành phố phòng thủ trên mũi đất bao quanh vịnh - cũng là loạt công trình đầu tiên mà các hiệp sĩ xây dựng.
Phải nói là óc thẩm mỹ của các hiệp sĩ không hề thua kém tài năng quân sự. Ba thành phố phòng thủ nhìn từ góc nào cũng đẹp. Được xây dựng toàn bằng những tảng đá vôi cực lớn, toàn bộ kiến trúc đồ sộ liên tục đổi màu dưới ánh mặt trời.
Trong ánh hoàng hôn tím đỏ, Vittoriosa, Cospicua và Senglea rực lên màu hồng lóng lánh, cứ như cả dải mấy thành phố đều được tạc từ đá quý nguyên khối. Vittoriosa, Cospicua và Senglea tuy có đôi chỗ điêu tàn song vẫn thu hút nhiều du khách yêu thích nét đẹp cổ kính, trầm mặc.
Vẻ bề ngoài rất bình yên của Malta - Ảnh: Cẩm Tú |
Du khách đổ về Malta không chỉ vì lịch sử hào hùng mà còn vì nét duyên vùng Địa Trung Hải - Ảnh: Cẩm Tú |
Nhiều ngôi nhà do các hiệp sĩ đến đảo đầu tiên xây dựng vẫn còn nguyên vẹn và cho khách thuê ở qua đêm. Bancông trong các ngôi nhà của hiệp sĩ Malta rất đặc biệt, giống như một lần cửa gỗ bao bọc lấy ô cửa sổ.
Dù làm với mục đích phòng vệ, các bancông sơn màu tươi tắn, chạm khắc cầu kỳ hóa ra lại tạo cho thủ đô Vallatta và ba thành phố một hình ảnh đẹp chỉ Malta mới có.
Làng chài 3.000 năm tuổi
Cũng là kiến trúc xưa trên vịnh biển nhưng thị trấn Marsaxlokk có vẻ đẹp và không khí hoàn toàn khác. Marsaxlokk là một trong những làng chài xưa nhất ở đảo.
Cách đây gần 3.000 năm, người Phoenecian đã sinh sống tại đây và sáng tạo ra luzzu, con thuyền gỗ màu sắc rực rỡ, hình ảnh đặc trưng của vùng biển Malta đến tận ngày nay.
Gần ba thiên niên kỷ trôi qua, chiếc luzzu với hai đầu cao, nhọn, một đầu có vẽ cặp mắt không có gì thay đổi bởi đã đạt đến độ an toàn nhất, tiện lợi nhất. Ôm lấy vịnh biển trong xanh là phố đi bộ xinh đẹp với hàng cây chà là cao cao tô điểm cho những ngôi nhà cổ.
Marsaxlokk náo nhiệt nhất vào mỗi sáng chủ nhật, khi phiên chợ hải sản truyền thống mời gọi tất cả người dân địa phương đổ ra đường. Dưới biển, ngư dân hò reo kéo lưới. Trên bờ, các cửa hàng lưu động bán cá, tôm, mực, rau quả... tràn ngập thứ hấp dẫn, tươi sống.
Du lịch Malta phát triển một phần nhờ bảo tồn tốt di sản tổ tiên để lại - Ảnh: Cẩm Tú |
Dù đã trở thành điểm đến du lịch, người dân Malta nói chung và dân Marsaxlokk nói riêng vẫn giữ gìn rất tốt nếp sống cũ của mình. Dọc phố biển có nhiều nhà hàng do chính gia đình ngư dân mở ra.
Chọn mua một ít hải sản vừa được đánh bắt, du khách cứ mang đến bất cứ nhà hàng nào cũng sẽ có bữa ăn ngon lành với giá cả phải chăng.
Ngoài thịt cừu nướng, tôm cá nướng thì bữa ăn ở đây thường có nhiều dầu ôliu, falafel (các viên thịt băm trộn với đậu chiên giòn) cùng món cà tím xay nhuyễn trộn với dầu ôliu và tỏi.
Nhiều du khách thích ăn vặt thì thong thả chọn bánh, kẹo, mứt, trái cây, phômai... trên những quầy bán đặc sản địa phương rồi mang vào các quán cà phê nhâm nhi.
Trong cái se lạnh cuối thu, mùi bánh imquaret chiên giòn từ các xe đẩy tỏa ra thật khó cưỡng. Imquaret là loại bánh ngọt rất phổ biến trên đường phố Malta. Chỉ đơn giản là bột nhồi bọc chà là rồi thả vào chảo dầu mà nhiều người ưa ngọt ăn hoài không ngán.
Biểu tượng này có thể thấy khắp nơi trong thành phố - Ảnh: Cẩm Tú |
Ở một góc phố vắng, tôi thấy mấy bác ngư dân tóc bạc đang ngồi chăm chú sơn vẽ lại chiếc luzzu. Sau lưng họ, dãy nhà cổ bằng đá thấp thoáng lối kiến trúc Ả Rập đang rực lên giữa ánh mặt trời chói lọi.
Ở Malta, mỗi khoảnh khắc trôi qua tôi được nhìn ngắm một bức tranh mới...
Theo Tuoitre