Du lịch mạo hiểm ở Madagui, Lâm Đồng. Ảnh: dulichmaohiem |
Du lịch mạo hiểm không còn là thuật ngữ mới lạ ở Việt Nam dù so với các nước trên thế giới, Việt Nam vẫn chỉ là bậc “đàn em”. Từ năm 1990, loại hình du lịch này du nhập vào nước ta do một huấn luyện viên người Pháp mang đến Đà Lạt, bắt đầu là những hình thức: đi bộ xuyên rừng, dù lượn, đu dây, vượt thác, leo núi…
Với 3/4 diện tích là đồi núi, nhiều sông ngòi, thác ghềnh hiểm trở, hang động bí ẩn, những khu rừng nguyên sinh nhiệt đới cùng sở hữu cảnh quan thiên nhiên tuyệt mĩ, hoang sơ và hùng vĩ, Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển du lịch mạo hiểm. Những hình thức du lịch mạo hiểm được yêu thích ở Việt Nam có thể kể đến như: trekking (đi bộ đường dài), leo núi, bè mảng, đua thuyền, lướt ván, dù lượn, nhảy dù, khinh khí cầu, đua ô tô, mô tô, xe đạp, lặn biển…
Tuy nhiên, cách khai thác loại hình du lịch hấp dẫn nhưng ẩn chứa đầy rủi ro này ở Việt Nam vẫn chưa có tính chuyên nghiệp và còn tồn tại nhiều lỗ hổng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của ngành du lịch. Đặc biệt từ sau cái chết của 3 du khách người Anh ở thác Datanla (Đà Lạt), người ta mới thẳng thắn mổ xẻ những mặt trái của du lịch mạo hiểm ở Việt Nam.
Nhầm lẫn du lịch mạo hiểm với loại hình khác
Đu dây xuống thác tại thác Datanla (Đà Lạt). Ảnh: ivivu |
Chủ tịch Lửa Việt Tours - ông Nguyễn Văn Mỹ cho rằng: không có loại hình gọi là du lịch mạo hiểm. Thật ra, cái gọi là du lịch mạo hiểm ở Việt Nam là những trò chơi thể thao mạo hiểm hay trò chơi cảm giác mạnh diễn ra trong thời gian nhất định, từ vài chục phút tới vài giờ.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đã đến lúc Việt Nam cần phân loại, đưa ra quy định cụ thể cho từng loại hình du lịch như: du lịch mạo hiểm, thể thao mạo hiểm, du lịch nguy hiểm…
Cụ thể, trong du lịch mạo hiểm, các yếu tố nguy hiểm đã bị triệt tiêu bằng sự trợ giúp, hướng dẫn thấu đáo từ huấn luyện viên, các bị an toàn, kỹ năng, kiến thức, địa hình được chọn để chơi… Nguy hiểm lúc này chỉ là cảm giác của người tham gia. Họ được đặt trong không khí mạo hiểm nhưng không hề nguy hiểm. Người chơi sẽ chấp nhận tính chất mạo hiểm (độ khó, các yếu tố không lường trước được) và thử thách để vượt qua, khám phá bản thân mình.
Trong khi đó, thể thao mạo hiểm là chỉ các môn thể thao được thiết kế tuân thủ các yêu cầu an toàn tuyệt đối (về thiết bị) tại điểm du lịch hay nơi nào đó. Yếu tố mạo hiểm được đo bằng mức độ gay cấn và khả năng chấn thương do nó gây ra.
Còn du lịch nguy hiểm dùng để chỉ những mối nguy hiểm hiện hữu trên đường du lịch, du khách đã biết trước nhưng vẫn chấp nhận đương đầu với nguy hiểm và tham gia.
Với bất cứ loại hình nào cũng phải có thiết bị chuyên dùng và huấn luyện viên chuyên môn đảm trách. Đã là trò chơi thuộc ngành thể thao, bắt buộc phải có huấn luyện viên, trong khi ngành du lịch chỉ có hướng dẫn viên.
Ông Võ Đức Trung, Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Mạo Hiểm Việt tại Đà Lạt chia sẻ: trong nguyên tắc du lịch mạo hiểm, tính chuyên nghiệp và an toàn phải được đưa lên đầu tiên. Tính chuyên nghiệp càng cao, độ rủi ro càng thấp. Mỗi loại hình, mỗi tuyến phải có biện pháp đảm bảo an toàn, từ nhân sự được đào tạo, huấn luyện bài bản đến trang thiết bị chuyên dụng phải được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng. Bởi có đơn vị lẫn lộn giữa mô hình dã ngoại bình thường với mô hình mạo hiểm nên rất dễ tạo lỗ hổng cho sự cố xảy ra.
Thiếu quy chuẩn đồng bộ
Du lịch mạo hiểm xuất hiện ở Việt Nam được hơn 20 năm, nhưng quy cách tổ chức và khai thác vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy được”, “điếc không sợ súng”. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có quy chuẩn gì đối với loại hình du lịch này, nên mỗi đơn vị tổ chức theo một kiểu riêng.
Ông Nguyễn Văn Mỹ cho biết, trong Luật Du lịch Việt Nam chưa có một định nghĩa và những quy định, điều kiện cụ thể để khai thác du lịch du lịch mạo hiểm. Nếu có chỉ là những quy định nội bộ. Một số trò chơi mạo hiểm là sự kết hợp giữa du lịch và thể thao mạo hiểm (lặn biển, dù lượn, vượt thác, leo núi…) thì phải có những quy định cụ thể để bảo đảm an toàn. Vì thiếu sự kết hợp liên ngành, chưa có quy chuẩn nào nên quản lý tour mạo hiểm hiện nay rất khó.
Phát triển tự phát, thiếu định hướng, thiếu chuyên nghiệp
Nhảy bungee cũng là môn thể thao mạo hiểm thu hút du khách. Ảnh: pinoria |
Tại nước ngoài, du lịch mạo hiểm là loại hình chuyên biệt, gần như an toàn tuyệt đối. Bởi họ có những quy định rất rõ với du lịch mạo hiểm: Các hướng dẫn viên, huấn luyện viên phải có chứng chỉ hành nghề, du khách muốn tham gia phải đáp ứng những yêu cầu cụ thể về sức khỏe, được huấn luyện và thực hành trước, được đóng bảo hiểm, có đội trực cứu hộ và trang thiết bị đúng chuẩn.
Nhưng tại Việt Nam, du lịch mạo hiểm hầu hết phát triển còn thiếu chuyên nghiệp, kinh nghiệm nên còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Lợi nhuận “khủng” khiến du lịch mạo hiểm ở Việt Nam bùng nổ, phát triển nhanh, mạnh, nhưng không bền vững. Điều này dẫn tới tình trạng thiếu hướng dẫn viên, hướng dẫn viên không được đào tạo bài bản hoặc thiếu kỹ năng xử lý các tình huống khẩn cấp.
Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn khai thác loại hình du lịch này theo dạng đi ngắm cảnh, khiến sự an toàn của du khách không được đảm bảo. Vì Việt Nam chưa có chứng chỉ riêng cho hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm, nên tồn tại tình trạng hướng dẫn viên bình thường, thiếu hiểu biết về du lịch mạo hiểm lại… tình nguyện đưa du khách tham gia vượt thác, đu dây. Do đó, tai nạn du lịch luôn tiềm ẩn.
Theo ông Võ Anh Tần - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Lâm Đồng cho biết, hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm còn thiếu về chất lượng và số lượng. Ông nói: “Một tour du lịch mạo hiểm có thể có 20 khách, nhưng chỉ có 2 hướng dẫn viên. Tai nạn xảy ra đối với du khách là điều khó tránh khỏi”.
Đồng quan điểm trên, ông Võ Đức Trung - giám đốc Công ty cổ phần mạo hiểm Việt chia sẻ: “Có những công ty đưa 20-30 khách nhưng chỉ có hai hướng dẫn viên (HDV) đi kèm, chưa kể HDV thường dẫn khách đi “chui”, không phải mua vé nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Chúng ta không thể vừa làm vừa rút kinh nghiệm như các loại hình vui chơi khác được, nếu không muốn còn phải trả giá đắt như vụ ba du khách người Anh”.
Rất ít nơi làm được như đơn vị khai thác du lịch mạo hiểm ở Phong Nha (Quảng Bình). Theo giám đốc điều hành đơn vị này: “Mỗi tour vào Sơn Đoòng có 27 người, phục vụ 10 người, tức là đạt tỷ lệ đến gần 3 người phục vụ một người để đảm bảo an toàn ở mức độ cao nhất cho du khách”.
Có thể nói sự phát triển nhanh chóng đã khiến du lịch mạo hiểm vượt khỏi tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. TS. Nguyễn Tuấn Anh - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng Cục du lịch) cho biết: “Các Nghị định hay Thông tư hướng dẫn trong 10 năm thực thi Luật Du lịch vừa qua, chúng ta chưa ban hành được. Vì vậy, việc quản lý các khu, điểm du lịch, trong đó ở các nơi tổ chức loại hình du lịch mạo hiểm cũng chưa có các quy định rõ ràng. Do vậy, dẫn đến việc có lẽ vẫn hơi buông lỏng trong việc quản lý các doanh nghiệp kinh doanh du lịch mạo hiểm”.
Trong một số trường hợp, chính du khách đã gây ra tai nạn cho mình vì không tuân thủ nguyên tắc trò chơi. Như trường hợp tai nạn đáng tiếc của 3 du khách người Anh ở Đà Lạt, do “đi chui” (họ mua vé đi bộ (trekking) chứ không phải tour đu dây vượt thác (canyoning) nên không được trang bị phương tiện bảo hộ kỹ thuật để đảm bảo an toàn.
Du lịch mạo hiểm là loại hình du lịch rất kén khách và đòi hỏi tình chuyên nghiệp cao vì tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi thế, cần thẳng thắn nhìn vào những mặt trái của du lịch mạo hiểm ở Việt Nam để đưa ra biện pháp khắc phục kịp thời. Chuyến du lịch nào cũng vậy, sự an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Vì, có an toàn thì cuộc vui mới trọn vẹn.
Thu Thủy