Thật vậy, nếu như bánh hấp ở những nơi khác nổi tiếng với lớp bánh bên ngoài mỏng tang cùng phần nhân tinh tế thì người Mông Cổ lại thích thú thưởng thức phần nhân thịt dày cộp.
Để làm nên chiếc bánh hấp (buuz), các đầu bếp sẽ chuẩn bị nhân bánh bằng nguồn nguyên liệu sẵn có như thịt cừu hoặc bò kết hợp với hành tây, tỏi và gia vị.
Do rau xanh, củ quả ở đây khá hiếm nên nếu có điều kiện, người ta sẽ cho thêm hạt cây thì là, các loại thảo mộc của cao nguyên Mông Cổ cùng với khoai tây nghiền, bắp cải thái nhỏ vào phần nhân.
Bởi tâm bánh khá dồi dào nên lớp vỏ khó có thể mềm mỏng như thường thấy mà khá dày để đảm bảo trong quá trình hấp chúng không bị bục nát.
Giống như bánh chưng ở Việt Nam, người Mông Cổ coi bánh hấp là món không thể thiếu trong bữa tiệc Tết Tsagaan Sar. Tại đây, người ta dùng chúng với xà lách, bánh mì, rượu sữa ngựa hoặc rượu vodka.
Điều đặc biệt, cách ăn bánh đúng điệu là phải dùng tay cầm trực tiếp chứ không nhờ đến sự hỗ trợ của đũa hay dao dĩa.
Sự tiện lợi của món ăn ở chỗ, người ta không cần phải thưởng thức ngay mà có thể để cả tuần. Dưới giá rét khắc nghiệt, hương vị bánh không hề thay đổi khi được hấp lại nóng hổi.
Với người Mông Cổ, ngoài các món ăn được chế biến từ thịt gia súc, bánh hấp được dùng trong tất cả các ngày trong năm. Nó cũng là mặt hàng thường thấy trong nhà hàng, quán cà phê nhỏ vốn khá hiếm ở đất nước người dân quen lối sống du mục.
Theo Kienthuc