Cá nóc trưởng thành, dùng để chế biến món ăn chiều dài trung bình khoảng 15-40cm, trọng lượng từ 0,4-2kg, có hình dáng tròn bầu như trái lê.
Cá nóc chứa lượng độc tố Tetrodotoxin tích tụ trong nội tạng, buồng trứng, lá gan, tụy, ruột và một phần nhỏ trong máu, da, bắp thịt.
Khi ăn cá nóc, nếu chẳng may bị trúng độc, bắp thịt nạn nhân sẽ trở nên co cứng, đầu óc choáng váng, nhức đầu, nôn mửa, khó thở. Khoảng 60-80 % nạn nhân sẽ tử vong trong vòng 4-6 giờ. Đặc biệt, các nhà khoa học chưa tìm ra thuốc giải cho loại độc tố này.
Chính sự kịch độc của món ăn nên chỉ những đầu bếp chuyên nghiệp mới được phép chế biến cá nóc phục vụ khách hàng. Để đứng bếp, họ phải trải qua quá trình học tập kéo dài 2-3 năm về Ngư Loại học, chế biến, trình bày và thưởng thức chính món ăn mình làm ra.
Có nhiều cách chế biến cá nóc song phổ biến hơn cả là fugu sashimi. Thực hiện món này, đầu bếp khéo léo thái thành từng lát mỏng. Đây chính là nét độc đáo trong nghệ thuật ăn uống của Nhật Bản đảm bảo kết hợp hoàn hảo giữa vị giác và thị giác.
Cá nóc sống sẽ được ăn kèm với dầu mè, nước tương soy, củ cải muối, giấm, chanh ớt và rượu sake nóng.
Trước khi ăn, thực khách có thể uống một chén sake nhỏ rồi gắp miếng thịt cùng các loại gia vị để thưởng thức. Món ăn có hương vị ngọt ngào, mát lạnh xen lẫn vị cay cay, đăng đắng nồng nàn.
Dù ngon song bạn khó có thể thưởng thức một cách thoải mái bởi giá món ăn khá đắt. Chính sự kỹ lưỡng, sửa soạn công phu và đầy mỹ thuật làm nên giá “chát” của fugu sashimi.
Theo Kienthuc