Đến với vùng cao núi đá Đồng Văn khi cái gió se se lạnh, là lúc cây Bạc Hà tươi xanh và trổ bông tím ngát. Hương thơm từ mùi hoa ấy quyến rũ và thu hút đàn ong làm mật không thể lười biếng được. Tháng 10 đến tháng 12 âm lịch là mùa "ăn ong" của người Mông vùng cao Hà Giang. Đây cũng là mùa hoa bạc hà, mùa hoa tam giác mạch. Loài cây hiếm hoi mọc trên triền đá, trong cái giá lạnh của mùa đông cao nguyên.
Họ nuôi ong dùng để làm thuốc cho cuộc sống hàng ngày và làm hương vị chế biến bánh vào các dịp lễ tết của bản làng |
Thu sang, trên các triền núi của vùng cao Mèo Vạc (Hà Giang), cây bạc hà bắt đầu mọc. Những mầm cây non cứ lớn dần trong khí trời mát mẻ, cây lớn lên nhờ chất dinh dưỡng hợp với thổ nhưỡng nơi đây, những mảnh đất nhỏ xen kẽ các khe đá. Sang tháng 10, tháng 11 âm lịch, cây bạc hà bắt đầu ra hoa. Những bông hoa màu tim tím khiêm nhường có mùi thơm pha lẫn chút cay cay hăng hắc của bạc hà, lẫn vào những thảm cỏ, dệt thành những bức tranh màu sặc sỡ trên các triền núi cao.
Hoa Bạc Hà trổ bông tím ngắt trên khắp các sườn núi hương thơm quyến rũ dụ những đàn ong ở khắp nơi tìm về lấy mật. Mật ong hoa Bạc Hà chỉ có riêng ở vùng Cao Nguyên đá mà không nơi đâu có được, mật có mầu vàng ánh xanh, hương thơm nhè nhẹ, vị ngọt thanh.
Và khi bước sang những tháng cuối năm hoa bạc hà nở rộ khắp núi rừng một màu tím biếc trong tiết trời lành lạnh cũng là lúc từng đàn ong đua nhau đi lấy mật.
Từ lâu lắm rồi, mỗi gia đình người Mông trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn, trải qua bao đời này đều để có một vài đàn ong nhà nuôi lấy mật. Họ dùng để làm thuốc cho cuộc sống hàng ngày và làm hương vị chế biến bánh vào các dịp lễ tết của bản làng.
Hoa Bạc Hà trổ bông tím ngắt trên khắp các sườn núi hương thơm quyến rũ dụ những đàn ong ở khắp nơi tìm về lấy mật |
Người dân ở đây bảo rằng, một tổ ong thường cho họ thu hoạch từ 3- 5 lít mật. Nhưng nếu tổ ong thuộc loại to chúng có thể chứa tới 10 lít. Và để có được 1kg mật quý giá ấy, trung bình những chú ong phải dày công đi hút mật của hơn mười triệu bông hoa bạc hà giữa núi rừng lạnh giá. Có lẽ vì thế với người dân Hà Giang những chú ong thợ giống như những người bạn tri ân của mình.
Vào dịp này, nếu có dịp lên Hà Giang, khách đến chơi nhà thế nào cũng được gia chủ thiết đãi một chầu ong non chấm với mật ong. Đây có lẽ là món ăn độc đáo và thú vị nhất đối với người dân vùng cao nơi đây.
Gia chủ bày cả một tấm ong non trên mặt một chiếc mâm nhôm và một vò rượu mật ong nguyên chất sóng sánh. Khách cứ tự nhiên múc lấy mật cho vào chén rồi cầm con dao sắc sắt tầng ong non ra thành từng miếng như cắt bánh gato, chấm vào mật. Nhâm nhi vị của ong non lẫn với rượu mật khiến khách sẽ có cảm giác lâng lâng giống như say mật. Người ta bảo ấy là men của núi rừng Hà Giang.
Để có được 1kg mật quý giá ấy, trung bình những chú ong phải dày công đi hút mật của hơn mười triệu bông hoa bạc hà giữa núi rừng lạnh giá. |
Mật ong bạc hà có màu xanh nhạt, pha lẫn chút màu vàng nhạt, khi thưởng thức có mùi thơm đặc trưng riêng, vị ngọt dịu mát và sánh đặc… là thứ mật thơm ngon hơn tất thảy những thứ mật ong khác. Có lẽ cũng chính vì vậy mà giá bán của mật ong bạc hà cũng cao hơn rất nhiều các loại mật ong khác. Hơn nữa, sản lượng mật ong bạc hà mỗi năm không nhiều, không bầy bán ở chợ như những thứ khác nên khó tìm mua thứ đặc sản độc đáo này.
Đến Cao Nguyên đá Đồng Văn vào dịp này du khách sẽ được ngập tràn trong những rừng hoa Bạc Hà tím ngắt và vị ngọt ngào quyến luyến không thể quên của vị mật ong hoa Bạc Hà trên Cao Nguyên Đá.
Thứ đặc sản ấy lôi cuốn và làm say đắm lòng du khách không chỉ bởi vị ngọt đậm đà, êm dịu, thơm ngon cộng với mùi hương đặc biệt, mà hơn hết đó chính là thứ tinh tuý từ núi đá, cùng những hạt sương mai và vô vàn những khó nhọc của người Mông trên vùng cao nguyên đá.
Những năm gần đây, du khách đến Hà Giang ngày một đông phần vì yêu phong cảnh thiên nhiên nơi núi rừng đông bắc, phần cũng vì quyến luyến vị mật ngọt của mảnh đất biên cương và mỗi khi lên Hà Giang mùa này chẳng ai không mang về cho mình những món quà mật ngọt.
Theo Dantri