Tây Bắc từ lâu nổi danh là một vùng rừng núi hiểm trở chẳng dễ dàng chinh phục. Những ngọn núi nhấp nhô nối tiếp nhau, vực sâu hun hút, đèo dốc liên tục… khiến nơi đây trở thành thử thách đối với kẻ ngao du và đam mê phiêu lưu, mạo hiểm.
Sau nhiều năm thực hiện đổi mới, Tây Bắc dần thay da đổi thịt. Những con đường bê tông uốn lượn theo chân núi đến mỗi tỉnh dần thay thế phần đường lầy lội bùn đất sau mỗi trận mưa rừng khiến hành trình ngược núi bớt đi vài phần gian nan nan, vất vả.
Giờ đây, Tây Bắc trở thành điểm du lịch lý tưởng với những ai yêu thiên nhiên hùng vĩ cũng như thích tìm hiểu đời sống văn hóa của những người dân tộc thiểu số sống cheo leo giữa đá núi, mây ngàn.
Mỗi thời điểm giao mùa, thiên nhiên đều lưu lại dấu ấn trên từng nếp nhà của bản làng người dân tộc, trên cỏ cây, hoa lá và đại ngàn.
Đặc biệt, khi “con trỏ thời gian” dần tịnh tiến từ Đông sang Xuân, cả Tây Bắc lại mơ màng và quyến rũ tột cùng trong hàng ngàn sắc màu rực rỡ và tươi vui của hoa lá. Núi rừng lúc đó như khoác lên mình bộ váy áo thổ cẩm đặc trưng của các dân tộc miền núi.
Dường như người dân ở Tây Bắc dễ dàng tính thời gian theo mỗi mùa hoa đến, hoa đi. Bởi khi những cánh đồng cải trắng, cải vàng bung nở thì người ta lại vui mừng biết xuân sắp sang.
Hết mùa cải trắng, Tây Bắc lại đón mùa mận trắng đẹp đến nao lòng. Khung cảnh ấy dễ quyến rũ bất kỳ ai bởi sự bồng bềnh, mộng mơ như tiên cảnh. Đó cũng là lúc người Mông ở Mộc Châu tất bật chuẩn bị đón cái Tết sớm của họ. Người Mông thường ăn Tết cổ truyền sớm hơn các dân tộc khác khoảng một tháng.
Nếu cánh đào hồng là “hoa báo xuân” của người miền xuôi thì với người Mông ở Mộc Châu thì hoa mận lại là “sứ giả” thanh tao gọi xuân đến, Tết về với mọi nhà. Hoa mận mọc thành từng chùm trắng xóa, nổi bật trên những cành cây khẳng khiu tượng trưng cho sự hồi sinh cũng như vẻ đẹp nguyên sơ của đại ngàn Tây Bắc.
Ban đầu, xuân “nhuộm” Tây Bắc với màu trắng tinh khôi của những rừng hoa mận bạt ngàn mà có người từng ví là “mây của đất”. Đi theo quốc lộ 6 hướng từ Mai Châu lên Mộc Châu, du khách sẽ trông thấy những vạt rừng mận trong trẻo này.
Những tia nắng sớm mong manh chưa đủ để hòa tan hơi sương lạnh lẽo của núi rừng, Tây Bắc những ngày đầu xuân vừa thơ mộng lại vừa hư ảo. Tết vùng cao vẫn ấm áp và thân thuộc như ở các làng quê Việt là nhờ khói bếp hòa quyện cùng sương núi, mây trời.
Khi xuân “chín”, các bản làng còn chìm đắm trong không khí và hương vị ngày Tết. Thoắt cái Tây Bắc trở nên kiêu sa hơn trong chiếc áo hồng lộng lẫy của hoa đào với nhiều sắc độ và dáng vẻ khác nhau.
Từ những gốc cây cổ thụ xì xì, mốc thếch, thi thoảng phủ lớp địa y hoặc rêu mướt nảy bật lên những bông hoa phơi phới sức thanh xuân. Từng bông hoa bung nở khoe sắc, in trên nền trời xanh thẫm của mùa xuân như một tấm lụa gấm quý phái mà thiên nhiên ban tặng cho các bản làng vùng cao.
Ấn tượng nhất là cảnh những căn nhà xam xám màu đá ở cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) hay ngôi nhà tường trình của người Hà Nhì ở Y Tý (Lào Cai) nằm nép mình bên dưới những tán hoa mận, mơ, đào… xinh đẹp.
Bắt nhịp với từng bước chân chuyển mùa của tự nhiên, khi xuân về, người dân miền núi cũng tất bật đón Tết. Khi mọi việc đã tươm tất: nhà đã dọn sạch sẽ gọn gàng, con lợn con gà được ăn no, mùa vụ được thu hoạch chất đầy trong những bao tải… họ diện những bộ váy áo xinh đẹp nhất và cùng nhau đi chơi Tết.
Đối với nhà thơ Chế Lan Viên, Tây Bắc là vùng rừng núi thiêng liêng, là mảnh đất “đã hóa tâm hồn”. Với người dân địa phương, Tây Bắc là nơi chôn rau cắt rốn, quê hương với những kỷ niệm tuổi thơ. Còn với du khách phương xa, Tây Bắc là nơi có những mùa hoa nối tiếp nhau, đan cài tạo nên vẻ đẹp thơ mộng đầy cuốn hút.
Minh Minh
Ảnh: Cao Anh Tuấn