Với bề dày hàng nghìn năm lịch sử, cố đô Nam Kinh của Trung Quốc được biết đến là nơi sinh trưởng của nhiều mặt hàng thủ công truyền thống hấp dẫn. Do khó có thể làm giàu từ nghề thủ công truyền thống trong xã hội hiện đại, nên số người theo nghề ngày mai một dần. Thêm vào đó, những công việc thủ công này không phải ai cũng có thể học và làm được. Nó đòi hỏi người nghệ nhân phải có mắt nhìn tinh tường và tỉ mỉ.
Bởi vậy, ngày nay số nghệ nhân làm hàng thủ công dân gian và giữ gìn những tập quán đó không còn nhiều. Dưới đây là một số những ngành nghề đặc sắc của Trung Quốc còn lưu giữ đến ngày nay và từng được UNESCO công nhận.
Kỹ thuật khắc bản in Trung Quốc
Nghệ thuật in kinh bằng mộc bản của Nam Kinh rất công phu, cầu kỳ. |
Nhà xuất bản kinh Jiling là một ngôi nhà được xây theo phong cách truyền thống của người Trung Quốc, có sân vườn rộng rãi. Nơi đây bao gồm một bảo tàng và một nhà xuất bản với bộ sưu tập mộc bản khắc tay để in kinh lớn nhất đất nước. Đây cũng là một trong rất ít nơi của thế giới vẫn còn in kinh Phật giáo bằng mộc bản (bản gỗ). Các ấn bản của nó được phân phối cho các đền chùa khắp nước.
Việc in ấn theo cách thủ công này đòi hỏi sự tỉ mẩn, trau chuốt kỹ càng. Đầu tiên, chúng ta phải chạm khắc kinh điển Phật giáo lên các mộc bản, sau đó in lên giấy. Các tờ giấy này sau đó được xếp lại và đóng thành quyển. Nhà xuất bản Jinling chứa khoảng 125.000 mộc bản các loại, được dùng để in hơn 1.500 kinh điển. Một trong số bộ kinh nổi tiếng là Kinh Kim Cương và Tâm Kinh.
Với những ý nghĩa mang tính lưu giữ truyền thống, nhà xuất bản nhỏ này đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Thế giới.
Nghệ thuật cắt giấy
Nghệ thuật cắt giấy tinh xảo ở Nam Kinh. |
Cắt giấy cũng là một trong những ngành nghề thủ công của Trung Quốc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể vào năm 2009. Tranh cắt giấy của Trung quốc không chỉ là văn hoá dân gian mà còn là một phần văn hoá chứa đựng tâm hồn của người dân. Từ khi có sự ra đời của giấy thì nghệ thuật cắt giấy đã xuất hiện gần như cùng lúc. Nó trở nên phổ biến ở Trung Quốc, đặc biệt là vào triều đại nhà Tống.
Những nghệ sĩ đầu tiên có lẽ là các thành viên phục vụ trong triều đình, sau đó cắt giấy nhanh chóng lan rộng và trở thành nghệ thuật dân gian. Nó được người Trung Quốc sử dụng với nhiều lý do như trang trí nhà cửa, lồng đèn, các lễ hội... Các mô hình dùng trong cắt giấy được lấy từ thần thoại Trung Quốc.
Một trong những nghệ nhân lành nghề còn giữ nghề cắt giấy đến ngày nay ở Nam Kinh là Zhang. Ông là thế hệ thứ tư của gia đình còn theo nghề này. Tên tuổi của ông và gia đình khá nổi tiếng, từng được lên sóng truyền hình Trung Quốc.
Một trong những màn biểu diễn nổi tiếng của ông chính là cắt hai vòng tròn từ hai mảnh giấy riêng biệt. Nhưng khi cắt xong và kéo chúng lên, hai vòng tròn này lại chồng lên nhau liền mạch và tạo thành hình rất đẹp mắt. Trước kia ở Trung Quốc, những người cắt giấy thường được thuê cắt hình trong đám cưới với ý nghĩa mang lại sự tốt lành.
Lụa Vân Cẩm
Một sản phẩm thủ công với họa tiết thuê tinh xảo trên lụa ở Nam Kinh. |
Nam Kinh thổ cẩm (còn được gọi là lục Vân Cẩm) là một loại thổ cẩm làm ở Nam Kinh, trước đây chỉ dành để phục vụ cho hoàng gia. Đến triều đại nhà Thanh, sự phát triển của Vân Cẩm mới trở nên phổ biến ngay ở cả tầng lớp bình dân.
Lụa Vân Cẩm nổi tiếng bởi kỹ thuật tinh tế, thanh lịch và mịn màng. Mẫu mã của loại vải này đa dạng và có nhiều họa tiết đẹp. Vân Cẩm còn có nghĩa là "đẹp như một đám mây lúc hoàng hôn". Tuy nhiên để hoàn thành một tấm lụa thổ cẩm thêu kim tuyến này, người nghệ nhân phải mất nhiều thời gian và công sức, cộng thêm sự tỉ mỉ kỹ càng.
Hiện nay, cơ sở sản xuất lụa ở Nam Kinh vẫn sử dụng loại máy dệt bằng gỗ xưa cũ, giống như cách đây hơn 1.500 năm người dân vẫn thường dùng. Kỹ thuật dệt lụa Vân Cẩm cũng được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể vào năm 2009.
Đèn lồng giấy
Những chiếc đèn lồng giấy được làm hoàn toàn bằng tay. |
Vào đầu năm, nghệ nhân Cao Zhen Rong và mọi người trong xưởng của ông thường tập trung làm hơn 10.000 đèn lồng để phục vụ cho tết Âm lịch ở Nam Kinh. Ông Cao đã có thâm niên nhiều năm làm đèn lồng và được học nghề thủ công này từ cha mình, khi mới 12 tuổi.
Ông Cao cho biết từ thời Nam Triều (420-589), ở các khu vực trước đền thờ Khổng Tử, dọc sông Qinhuai, đèn lồng đã được sử dụng phổ biến trong các lễ hội. Từ đó đến nay, đèn lồng luôn là hình ảnh quen thuộc, gần gũi và không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Trung Quốc. Theo quan điểm của người xưa, đèn lồng xua đuổi ma quỷ, đem lại may mắn, hạnh phúc cho mọi nhà. Tại Trung Quốc hiện có 7 lễ hội đèn lồng lớn, đó là: Lễ hội đèn lồng Qinhuai, lễ hội đèn lồng Yu Garden, lễ hội đèn lồng Tự Cống, lễ hội đèn lồng Shengjing, lễ hội đèn lồng Tây An, lễ hội đèn lồng Baotu Spring, lễ hội đèn lồng Litchi Bay.
Nghệ thuật làm vàng lá
Nghệ thuật dát vàng, làm vàng lá của các nghệ nhân ở Nam Kinh đã lên mức tinh xảo. |
Quận Jiangning ở Nam Kinh là nơi chủ yếu sản xuất vàng lá với sản lượng chiếm 70% toàn quốc và 60% trên khắp thế giới. Để làm một miếng vàng lá có độ mỏng 0,12 mm, các nghệ nhân đã phải làm việc vô cùng tỉ mẩn, cầu kỳ và trải qua hàng chục quy trình. Dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, mỗi gram vàng có thể dát được một diện tích lên đến 0,47 m2. Hầu hết các miếng vàng lá này dùng để trang trí và dát lên mặt các đồ vật hoặc tác phẩm điêu khắc tượng Phật trong đền, chùa.
Theo VnExpress