4 giờ chiều, mặt trời còn khá cao, nhưng rất nhiều xe du lịch đã chở khách về khu vực này. Ngay cạnh hồ, nhiều thanh niên bản địa đang ngâm mình dưới nước câu cá và thả lưới, dù thời tiết lúc này khá lạnh. Bên cạnh vài người lớn tuổi đang vá lưới ven bờ, một số thanh niên đang đứng quây quần quanh một đống lửa sưởi ấm và hong khô chiếc longyi sau khi ngâm mình dưới nước hàng giờ đồng hồ. Có lẽ vì nước cạn nên người câu phải lội ra xa, tới khi nước ngập ngang ngực mới buông cần câu cá, một cách câu khá lạ mà lần đầu tôi được thấy.
Ngay gần đó là những dải đất trườn dài ở mép hồ, nơi trồng rau trái và những con trâu trắng vẫn miệt mài kéo những chiếc cày gỗ xới từng luống đất. Xa xa, những ngọn tháp in bóng xuống mặt nước, lúc phẳng lặng, lúc gợn sóng vì những chuyến đò chở khách bơi ngang.
Cây cầu gỗ teak dài nhất thế giới bắc ngang hồ Taungthaman dần dần hiện ra như một đường ngang nối hai mảng xanh giữa một không gian rộng lớn. Đó chính là linh hồn của bức tranh thủy mặc nổi tiếng tại vùng đất linh thiêng huyền bí phía nam Mandalay.
Gỗ teak dư thừa
Cây cầu có tên U Bein (hoặc U Bain) là biểu tượng của sự kết nối, cổ kính, đơn giản và bền bỉ ở ngoại ô Mandalay. Hàng nghìn cột, ván, thành cầu đều được làm bằng gỗ teak mà không dùng một chiếc đinh nào. Vị thị trưởng tên U Bein đã tận dụng gỗ teak dư thừa trong cung điện cổ xưa bỏ lại ở cố đô Amarapura và cho xây cầu khoảng năm 1850, sau khi hoàng đế Mindon rời kinh đô. Trên cầu còn có các trạm có mái che và ghế gỗ để người đi có thể nghỉ chân giữa cây cầu dài 1.200 m này.
Một số trụ gỗ đã bị mối mọt và thời gian phá hủy nên hiện được thay bằng các cọc bê tông. Tuy nhiên, vì sự nổi tiếng và thu hút được sự chú ý của quốc tế nên chính quyền địa phương cũng đang cân nhắc việc dùng gỗ teak, một tài nguyên quý giá tại Myanmarđể gia cố lại cầu.
Cây cầu hiện chỉ cho phép người đi bộ và những người bán hàng rong qua lại, nhằm phục vụ du khách. Lượng du khách đặt chân lên cầu ngày nay cũng không kém gì số người dân địa phương qua lại trên cầu hàng ngày. Thành phố không thống kê bao nhiêu người đến thăm cầu mỗi ngày, nhưng đây là điểm đến mà bất cứ du khách nào đếnMandalay đều không thể bỏ qua.
Hoàng hôn bên cầu U Bein
5h chiều, hoàng hôn bắt đầu phủ màu hồng tím lên không gian và mặt sông. Những người thích ngắm mặt trời lặn đã tập trung về nhiều điểm quanh khu vực. Người đứng trên cầu, người đứng dưới chân, có người lại thuê ghe ra sông để ngắm cả cầu và mặt trời từ xa. Giới săn ảnh chủ yếu đứng dưới chân hoặc trên thuyền để nhìn ngược lên cầu, tận hưởng những giây phút mặt trời từ từ chìm xuống phía sau những cọc gỗ.
Thời gian từ lúc mặt trời bắt đầu đỏ ối mà mắt thường có thể nhìn trực tiếp đến khi mặt trời lặn hẳn chỉ kéo dài khoảng 20 phút. Những hơi thở cũng khẽ hơn, những con thuyền khua nước nhẹ hơn như sợ làm mặt trời sẽ xuống nhanh hoặc ảnh hưởng đến không gian ngắm nhìn của mọi người.
Dù nổi tiếng là nơi ngắm mặt trời lặn, nhưng người dân địa phương khẳng định, không gian này lý tưởng cả khi ngắm mặt trời mọc. Một không gian bình yên, giản dị làm nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp khổng lồ.
Đây còn là địa điểm yêu thích của các đôi bạn trẻ. Họ về đây để tận hưởng cảm giác thanh bình và bức tranh hoàng hôn thơ mộng mà thiên nhiên ban tặng. Chắc vì thế mà cây cầu được người dân địa phương gọi cái tên lãng mạn là “Cây cầu Tình nhân”.
Theo Vnexpress