Đặng Tuấn Trung là một kiến trúc sư và rất đam mê xê dịch. Lần đầu tiên anh chụp bão là năm 2003 khi đang công tác ở Nghệ An. Cơn bão đuổi sau lưng, biết không kịp nên anh ghé vào một cây xăng để trú. Trong lúc đứng ngắm bão, anh sững sờ trước vẻ đẹp vần vũ, cuồng loạn của thiên nhiên.
Từ đó anh nảy ra ý định chờ đón những cơn bão và giông. Theo anh, khoảnh khắc đó mang đến thứ cảm xúc rất mãnh liệt, điều anh không thể tìm thấy khi chụp ảnh lúc trời quang mây tạnh hay nắng đẹp. Đến nay anh Trung không thể nhớ mình đã chụp được bao nhiêu cơn giông bão và ở những nơi nào nữa.
Đặng Tuấn Trung, 47 tuổi, suốt 12 năm qua có sở thích ghi lại hình ảnh của những cơn giông bão. |
Anh thường theo dõi dự báo thời tiết để nắm được tình hình bão về. Đặc biệt, từ khoảng tháng 7 đến tháng 11 hàng năm, anh luôn trong tư thế sẵn sàng đi đón bão. Anh chụp bão một cách ngẫu hứng, hễ có thời gian là đi. Đôi khi biết trước cơn bão sẽ đổ bộ vào đâu, anh tới nơi có vị trí thuận lợi để đợi sẵn.
Tuy nhiên không đơn giản như chụp phong cảnh lúc thời tiết thuận lợi, vì bão thường đỏng đảnh, hay chuyển hướng bất ngờ hoặc có thể lệch với chỗ mình chọn đứng. Anh Trung kể: "Rình bão vào Hạ Long, nhưng hai lần phải về tay không vì chuyển hướng, khi thì thuyền bị cấm không cho ra vịnh". Nhưng trời không phụ lòng người, cuối cùng anh cũng săn được khoảnh khắc bão về khi đứng chờ trên đảo.
Anh cho biết, quan trọng nhất vẫn là chọn chỗ đứng, vừa giúp tránh nguy hiểm, vừa trú ẩn ngay sau khi chụp xong, bởi lúc đó thì không thể đi đâu xa được nữa. Địa điểm chụp anh chọn là những nơi xuất hiện giông bão và thoáng tầm nhìn. Những nơi tốt hơn cả là đứng chụp trên cầu, cao ốc, cánh đồng, ngoài bờ biển. "Những hòn đảo nhỏ ngoài khơi cũng rất lý tưởng vì ở đó có thể xoay sở bốn hướng ngay lập tức để chớp đúng thời điểm, không sợ bão đổi hướng", anh Trung hào hứng kể. Ngoài ra, anh cũng thường chọn các cây xăng dọc quốc lộ hoặc các doanh trại quân đội để trú.
Sau hai lần đi rồi về không dù rất quyết tâm “bắt sống cơn bão” vào vịnh Hạ Long, anh đã "tóm" được cả tia sét trong lần thứ ba trong niềm vui hân hoan. |
Anh phải buộc thêm vài hòn gạch vào chân máy vì gió quật rất mạnh. Quần áo chọn loại bó sát để không bị cản gió. Đôi khi cần thêm điểm tựa để đứng cho vững. Trong những lần chụp bão, thường anh không cần tới áo mưa vì ánh sáng, sấm sét đẹp nhất khi mưa chưa rơi và cơn bão vừa tới. Còn khi mưa rơi thì trời đất tối sầm, không thể chụp được nữa.
Việc chụp bão cũng tiềm ẩn mối nguy hiểm, anh cho biết. Nhẹ nhất là bị quật đổ máy ảnh, nặng thì rất có thể bão "quẳng" nguyên cái mái tôn hay vật thể lạ gì đó vào người. Tuy nhiên anh may mắn chưa bao giờ để xảy ra tai nạn nguy hiểm đến tính mạng.
Anh nhớ: "Có lần chụp bão trên cầu Thanh Trì, lúc vừa dựng chân máy xong quay lấy mũ đội thì gió quật đổ máy ảnh và lê đi mấy mét." Lần khác anh đang công tác ở Quảng Ngãi, nghe báo bão đổ bộ ở đảo Lý Sơn, anh khăn gói lên tàu cá ra đảo ngay. "Lần ấy sóng dữ quá, con tàu hết tung lên lại dằn xuống, lần đầu tiên trong đời mình biết đến mùi say sóng. Khi xuống bến tàu Lý Sơn, tưởng như chỉ muốn gục ngay", anh kể. Nhưng thấy chân trời đen kịt anh lại như sống dậy, lôi máy ra tác nghiệp.
Một buổi chiều hè năm 2006, ảnh chụp sét trên hồ Đại Lải, xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. |
Khi chụp, anh sợ nhất là sét tia chớp ngoằn nghèo trên bầu trời với nhiều mối đe dọa nhưng cũng mê mẩn nó nhất. Tuy nhiên, anh cho rằng dù có chuẩn bị kỹ thế nào thì nhiếp ảnh vẫn cứ là trò chơi của ánh sáng và khoảnh khắc nên nó không thể thiếu yếu tố may mắn. Anh chia sẻ rằng chưa có tấm nào thực sự ưng ý về khoảnh khắc sấm sét.
Suốt 12 năm chạy theo những cơn bão, anh nhận ra giông bão đổ bộ vào Việt Nam với mật độ ngày càng nhiều và kéo dài hơn, đến tận tháng 12 vẫn xuất hiện, cường độ và sức tàn phá cũng khốc liệt hơn qua mỗi năm. Qua những bức hình, người ta có thể thấy sự biến đổi khí hậu càng thêm rõ nét, mà theo anh một phần lớn là do tác động của con người.
Theo VnExpress