Nếu có dịp ghé thăm Hà Nội, bạn nhớ dừng chân ở những nơi được coi là điểm lưu giữ hồn xưa của mảnh đất kinh kỳ này.
Lang thang nơi phố cổ
Những con đường nhỏ phía dưới với mái nhà cổ kính. Ảnh: Nguyễn Dưỡng |
Đừng tự bó hẹp mình trên những con phố Hàng lúc nào cũng nhộn nhịp khách du lịch, những cửa hàng lưu niệm tấp nập người bán mua. Hãy tiến sâu vào những ngõ nhỏ trên phố Hàng Mành, Hàng Bạc... để chứng kiến một cuộc sống yên bình, ấy là khoảng sân sinh hoạt chung bên dưới một cầu thang nhỏ hẹp. Nhưng nhờ thế bạn có thể gặp lại không gian sống xưa của một gia đình Hà Nội kiểu mẫu.
Nếu còn ngại ngùng với người dân quanh đó, hãy tiến về ngôi nhà di sản, ngôi nhà được xây dựng từ nhưng năm 1890 tại 87 Mã Mây. Vì chỉ khi ấy, bạn mới thấy được cái hồn, cái thật nhất của Hà Nội xưa, mới hiểu được tại sao cuộc sống của con người nơi này lại gắn liền với phố cổ chứ không phải những đô thị mới mở xung quanh.
Nhâm nhi cà phê phố cổ
Trước đây, phố cổ nổi tiếng với tứ trụ cà phê: Nhân, Nhĩ, Dĩ, Giảng. Tiếng thơm từ những ly cà phê ở đây bay khắp xứ kinh kỳ, làm nức lòng người thủ đô. Khi ấy, khách đến thăm nhất định phải uống thử, như thế chuyến thăm thủ đô mới trọn vẹn.
Ngày nay, nơi đây xuất hiện nhiều quán cà phê hơn, phong cách bài trí cũng đa dạng hơn, trẻ trung có, hoài cổ cũng có. Thế nên bạn hãy dành thời gian để nhâm nhi tách cà phê trong quán nhỏ. Bạn sẽ phần nào trải nghiệm được cái hồn của Hà Nội, thành phố ngàn năm tuổi. Hãy lặng yên để ngắm phố phường người qua kẻ lại hay hòa mình vào không gian nhuốm màu xưa cũ từ những khung cửa gỗ thấp và bộ bàn ghế nhuốm màu thời gian. Đó sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ không chỉ với du khách mà với cả nhiều người sinh sống lâu năm ở mảnh đất này.
Mua đồ lưu niệm
Phố cổ với những món đồ lưu niệm lạ mắt. Ảnh: Diệu Huyền. |
Phố cổ Hà Nội thu hút nhiều khách du lịch, chẳng thế mà những cửa hàng lưu niệm mọc lên như nấm sau mưa. Đồ bán ở đây chủ yếu phục vụ du lịch nên không hề rẻ nhưng nếu khéo tìm, bạn vẫn thấy được những món giá hời và hay ho. Một chiếc áo phông "Tôi yêu Hà Nội", những móc khóa mang hình tháp Rùa hay bưu thiếp Hà Nội xưa là những thứ bạn có thể mua làm quà sau chuyến thăm thủ đô, ngàn năm lịch sử.
Uống trà chanh trên nhà thờ
Trà chanh trên phố Nhà Thờ chỉ nổi lên một vài năm gần đây nhưng ngay lập tức thu hút nhiều người. Khách đến đây đa phần là người trẻ. Họ tới để kể cho nhau nghe những câu chuyện xoay quanh cuộc sống thường ngày. Cứ thế, bên cốc trà chanh thoảng hương hoa nhài cùng đĩa hướng dương đưa đẩy, câu chuyện của người trẻ dài mãi không dừng.
Đừng thấy lạ khi bạn ngang qua đây và thấy không khí ồn ào bao trùm con phố nhỏ. Cứ tìm lấy ghế trống đặt sẵn trên vỉa hè và gọi thêm cốc trà, một đĩa hướng dương, bạn sẽ tìm thấy sức trẻ trong khu phố cổ nhộn nhịp.
Dạo chợ đêm cuối tuần
Dạo chợ đêm cuối tuần là một trải nghiệm nên thử. Chợ bắt đầu từ phố Hàng Đào và kết thúc tại chợ Đồng Xuân với hàng nghìn gian hàng đủ chủng loại hàng hóa đa dạng. Từ những gian hàng quần áo, lụa là cho tới hàng thủ công mỹ nghệ từ tre nứa hay gốm sứ của các cơ sở nổi tiếng như Vạn Phúc, Bát Tràng…
Thế nhưng, chợ đêm không đơn giản là khu chợ để mua và bán. Khách đến đây ngoài việc tìm lấy những sản phẩm đặc trưng của thủ đô còn có thể tìm hiểu các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian như chèo, ca trù… vào tối thứ bảy hàng tuần. Cũng đừng quên trước khi về, dừng chân bên bộ đồ nghề của người họa sĩ, nhờ vẽ lấy một bức chân dung cho mình. Chỉ 10 phút cho mỗi tấm hình, vậy là bạn đã có thêm một ấn tượng Hà Nội nữa khi dạo chợ đêm.
Dừng chân trên cầu Long Biên
Cầu Long Biên cổ kính hấp dẫn trong những ánh đèn. Ảnh: Trịnh Hoàng Như |
Cầu Long Biên cách phố cổ vài bước chân nên du khách chớ ngại rủ thêm bạn đồng hành tham quan cây cầu cổ. Với chiều dài 1.682 m cùng phần cầu dẫn dài 896 m, cây cầu này nối liền hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên. Chính vì trụ vững qua cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt mà cầu Long Biên còn được coi là biểu tượng về một thời kỳ khó khăn nhưng anh hùng của thủ đô.
Bước trên cầu Long Biên, bạn không chỉ tìm thấy những ngày cũ in dấu trên từng nhịp cầu mà còn hiểu thêm được cuộc sống của những người lao động tại thủ đô. Ấy là chợ hoa quả nhộn nhịp từ 2 giờ sáng, những gánh hàng rong đổ về thành phố khi trời còn mờ sương. Để khi phố xá lên đèn, cầu lại đón những con người ấy quay ngược lại, trở về với gia đình. Hãy thử ngồi lại trên cầu Long Biên vào một ngày tàn, gọi lấy một cốc trà nhỏ, bạn sẽ hiểu hơn lý do vì sao người Hà Nội chẳng thể sống thiếu cây cầu này.
Thăm thú phố nghề
Hà Nội nổi tiếng với những phố nghề. Bởi lẽ những con phố này trước kia là nơi tụ tập của thợ thủ công từ các làng nghề quanh Thăng Long xưa. Những thợ thủ công này tập trung theo từng khu vực. Nhờ đó chính các sản phẩm buôn bán ở đây trở thành tên phố, chỉ đứng sau chữ “Hàng”. Theo thời gian, những con phố này không còn nguyên vẹn như ban đầu như phố hàng Bông không còn bán chăn đệm, phố Hàng Gà cũng không còn bán gia cầm…Tuy nhiên bạn vẫn có thể tìm lại những ngày Hà Nội xưa ấy tại một số con phố Hàng còn lưu lại nghề truyền thống như Hàng Bạc với chế tác bạc vàng hay Hàng Đường với bánh kẹo và ô mai.
Nghỉ chân nơi quán vỉa hè
Phố cổ là nơi tập trung nhiều quán xá bán đồ ăn ngon, đặc trưng của Hà Nội. Tinh hoa ẩm thực của thủ đô dường như được tìm thấy ở mọi ngõ ngách trên khu phố cổ kính ấy. Khách có thể nếm thử nộm bò khô trên phố Hồ Hoàn Kiếm hay phở bò phố Gia Ngư. Điều thú vị nhất là dù dừng chân ở bất kỳ con phố nào nơi đây, bạn cũng có thể dễ dàng tìm cho mình một món ăn ngon lành. Nếu có thể hãy nhờ một người trẻ nhiệt tình chỉ đường tới những quán ngon trên mặt phố hay trong những ngõ hẹp và sâu.
Theo VnExpress