Vào lúc 19g tối ngày 30-12, ngay khi trở về từ chỗ tìm kiếm thấy 3 xác nạn nhân đầu tiên, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chủ trì buổi họp báo về thông tin rớt máy bay bi thảm. Tại đây, ông khẳng định: "Ưu tiên vớt thi thể hành khách rồi mới đến phi hành đoàn". Ông bày tỏ nỗi đau buồn cùng thân nhân hành khách bị nạn:"Cho tôi được chia sẻ nỗi đau mất mát to lớn này với gia đình những người gặp nạn. Tôi biết là sẽ rất khó khăn để vượt qua cảm giác đau đớn và mất mát này. Nhưng tôi hy vọng mọi người sẽ sớm vượt qua”. Đồng thời, ông cũng gửi lời cảm ơn các lực lượng cứu hộ quốc tế đã nỗ lực giúp Chính phủ Indonesia, tìm kiếm nạn nhân trong vụ tai nạn.
Trước đó, người phát ngôn Hải quân Manahan Simorangkir khẳng định tàu Bung Tomo đã vớt được thi thể 40 hành khách. Tuy nhiên, giám đốc Basarnas Bambang Soelistyo cho biết thông tin này là sai và xuất phát từ việc trao đổi thông tin giữa các sĩ quan hải quân có vấn đề. Ông Soelistyo nhận định, thời tiết trên biển rất xấu, sóng đánh cao tới 3m, do đó việc cứu hộ là hết sức khó khăn.
Nguồn tin mới nhất từ thiếu úy Tri Wobowo - một viên phi công tham gia hoạt động tìm kiếm máy bay bị mất tích, cho biết: "Có từ ba tới bảy người ở dưới nước. Ba trong số họ đang nắm tay nhau". Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ trục vớt được 6 thi thể. Ông Soelistyo xác nhận 3 thi thể trục vớt ngày hôm qua gồm 2 người phụ nữ và một cậu bé, 3 thi thể mới trục vớt ngày hôm nay gồm 2 nam và một nữ.
Trang CNN đưa tin trong số 6 thi thể này có một thành viên phi hành đoàn, bởi người này mặc đồng phục của hãng AirAsia. Hiện các thi thể này đang nằm trên tàu chiến Bung Tomo của Hải quân Indonesia. Ông Soelistyo cho hay ngay khi thời tiết được cải thiện, các thi thể này sẽ được đưa tới Pangkalan Bun, rồi chuyển tới Surabaya để xác định danh tính. Sân bay quốc tế Juanda ở Surabaya đã bố trí sẵn 75 xe cứu thương để tiếp nhận các thi thể nạn nhân.
Dốc toàn lực tìm kiếm
Khoảng 30 tàu và 21 máy bay từ Indonesia, Australia, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Mỹ tham gia cuộc tìm kiếm. Mỹ cho biết, tàu khu trục tên lửa USS Sampson và tàu chiến USS Fort Worth đang chờ lệnh từ cơ quan chỉ huy tìm kiếm của Indonesia. Singapore đã triển khai hai thiết bị dò tín hiệu dưới nước để bắt sóng hộp đen của máy bay.
Nhà chức trách Indonesia đã triển khai 21 thợ lặn tới vùng biển nơi máy bay rơi để tìm kiếm thi thể các nạn nhân. Basarnas có thể sẽ cử thêm các thợ lặn nếu điều kiện thời tiết thuận lợi hơn.
Tin tức về việc vớt được thi thể nạn nhân của chuyến bay truyền về trực tiếp từ bốn màn hình trong phòng lưu trú đã làm tan nát những niềm hi vọng của thân nhân hành khách, phi hành đoàn máy bay QZ8501. Có người không còn trụ vững được đã đổ vật xuống ghế, có người đau đớn dập đầu mình vào tường, có người chỉ ngồi lặng yên nhìn màn hình đang trực tiếp từ hiện trường cứu hộ. Tất cả dường như suy sụp hoàn toàn.
Nỗi đau tột cùng của thân nhân hành khách chuyến bay QZ8501 khi chứng kiến qua màn ảnh cảnh vớt thi thể - Ảnh: Reuters |
Chủ tịch AirAsia cam kết, ngay cả sau khi sự cố này kết thúc ông vẫn sẽ giữ liên lạc với người nhà nạn nhân để đáp ứng những yêu cầu cần thiết của họ. Ông nhấn mạnh sẽ nhận toàn bộ trách nhiệm về mình cho dù chưa biết chuyện gì đã xảy ra với chiếc máy bay. Ưu tiên hàng đầu của AirAsia là hỗ trợ người nhà của hành khách cũng như người thân của phi hành đoàn một cách tốt nhất. “Không có từ ngữ nào để diễn tả nổi cảm xúc của tôi lúc này, nhưng tôi biết mình phải vững vàng. Đây là một cơn ác mộng mà tôi, chủ của một hãng hàng không, không bao giờ dám nghĩ đến trong 13 năm qua khi đã phục vụ hàng triệu triệu hành khách” - ông Fernandes nói.
“Tôi ở đây, tôi không trốn chạy. Chúng tôi sẽ ở bên họ, tiếp tục hỗ trợ họ và hi vọng rằng nỗi đau đó sẽ được vơi đi. Đây sẽ là vết sẹo trong tôi mãi mãi không bao giờ mất đi” - Chủ tịch AirAsia bộc bạch.
Hiện chưa có thông tin nào về việc có người sống sót sau vụ tai nạn. Tuy nhiên, sự hiện diện của một chiếc xuồng cứu hộ trong số các hiện vật được tìm thấy từ biển Java đã mang tới hy vọng rằng có ai đó đã may mắn thoát chết.
Thảo Phương