Truyền thống văn hóa Hàn Quốc dựa trên Nho giáo 600 năm tuổi. Cùng với đó, khi đi du lịch, làm việc, học tập hoặc sinh sống tại Hàn Quốc, các bạn nên chú ý một số quy tắc lễ nghi trong giao tiếp, sinh hoạt để nhanh chóng hòa đồng và thích nghi với cuộc sống, con người nơi đây. Những điều cấm kỵ hay những quy tắc, lễ nghi này khá tương đồng với quan niệm về lễ nghi phép tắc trong xã hội Việt Nam và cũng cần được chúng ta chú ý thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc.
1. Ở nơi công cộng
- Đừng hỉ mũi, khạc nhổ ở nơi công cộng - rất bất lịch sự.
- Khi đi xe buýt, tàu điện ngầm hay những phương tiện giao thông công cộng khác, bạn không được tự do cười đùa thoải mái mà phải giữ im lặng, tránh gây ảnh hưởng đến người khác, đặc biệt nên nhường ghế cho người già và phụ nữ mang thai nếu không muốn nhận những ánh mắt không thiện cảm của mọi người.
- Không nên gọi điện thoại quá lâu, nói chuyện quá to khi đang đi xe buýt, tàu điện ngầm.
- Không nhìn chằm chằm hoặc chỉ trỏ vào người khác tại nơi công cộng.
Người Hàn Quốc luôn xếp hàng chờ tới lượt mình. |
- Xếp hàng mọi lúc mọi nơi, khi chờ xe buýt, khi chờ đến lượt thanh toán, mua hàng…
- Hàng ghế đầu tiên trên xe buýt thường cấm nói chuyện riêng (với người ngồi cạnh) hoặc cấm nói điện thoại (vì sẽ gây ảnh hưởng đến tài xế phía trước, làm mất sự tập trung của tài xế khi lái xe).
2. Khi vào đền, chùa
- Vào ngôi chùa ở Hàn Quốc, bạn nên tránh đi vào cửa chính mà đi vào cửa hông chùa, để lại giày dép ở phía ngoài.
- Bạn không nên ngồi hoặc đứng ngay trước tượng Phật chính mà phải ngồi phía bên.
- Nên nhớ đầu tóc phải được buộc lại gọn gàng, ăn mặc lịch sự, kín đáo.
Trang phục chỉnh tề khi vào chùa. |
3. Khi được mời đến nhà một người Hàn Quốc
- Phải bỏ giày, dép bên ngoài vì phần lớn người Hàn Quốc lau nhà rất sạch, ngay cả những nhà có bàn ăn riêng cũng vẫn sinh hoạt nghỉ ngơi, chuyện trò, xem TV… ngay trên sàn nhà. Nhiều quán ăn, đặc biệt là quán ăn truyền thống ở Hàn vẫn giữ truyền thống kê bàn bệt và trải nệm ngồi, nên khách buộc phải cởi giày dép nếu muốn dùng cơm. Bởi vậy trước khi bước ra khỏi nhà, bạn nên đảm bảo chắc rằng mình đang đi một đôi tất sạch và bàn chân không bị…bốc mùi.
- Nên chuẩn bị một chút quà nhỏ để thể hiện sự thành tâm, lời cảm ơn lời mời của gia chủ.
- Nếu muốn đi thăm quan căn nhà hay động vào một đồ vật nào đó thì phải hỏi ý kiến của gia chủ trước.
4. Khi dùng cơm
- Người Hàn Quốc thường không bưng bát cơm mà đặt bát cơm xuống bàn và dùng đũa, thìa để xúc thức ăn. Trong khi đó, người Nhật hoặc người Việt Nam lại bưng bát khi ăn. Hành động này phụ thuộc vào quan niệm của từng quốc gia. Nếu như người Nhật nói :”Chỉ con chó mới… gục mặt xuống bát khi ăn” thì người Hàn cũng có câu “Chỉ kẻ ăn mày mới bưng bát cơm lên!”. Ngày nay, những quy ước về việc này cũng đã cởi mở hơn nên nếu bạn không quen với cách ăn của người Hàn thì có thể nói rõ cho những người Hàn dùng bữa cùng hiểu và bưng bát ăn cơm theo kiểu Việt Nam. Tuy nhiên, bát cơm ở Hàn thường được làm bắt sắt để giữ nhiệt nên rất nóng, nên khi cầm các bạn chú ý kẻo bị bỏng nhé!
- Cách sắp xếp bàn ăn của người Hàn Quốc: Cơm để bên trái, canh hoặc những món có nhiều nước và nóng để bên phải. Món ăn nguội và khô để bên trái. Để các loại kim chi ở giữa bàn. Các món thịt để bên phải, rau để bên trái. Để thìa và đũa bên tay phải, xếp đũa ngay cạnh thìa.
- Không cắm đũa vào bát ăn cơm. Cũng giống ở một số nước, việc cắm đũa vào bát cơm giống như là bát cơm cúng. Vì vậy bạn phải cẩn trọng khi đưa bát cơm cho ai, bởi nếu cắm đũa họ sẽ hiểu rằng bạn đang nguyền rủa họ
- Không để thìa úp xuống, bao giờ cũng phải để thìa ngửa trên bàn. Không gác hay đặt đũa hoặc thìa lên trên bát.
- Khi nhai không để phát ra tiếng. Chú ý không để đũa và thìa va vào bát gây nên tiếng động.
- Không dùng đũa và thìa để đảo cơm và thức ăn. Không lựa ra các thức ăn mình không ăn và chớ nên giũ các gia vị tẩm ướp vào món ăn để gắp thức ăn.
- Khi ăn, không nên để thức ăn còn thừa lại trên đũa, thìa.
- Sau khi ăn xong, để đũa và thìa ngay ngắn vào vị trí ban đầu.
Không cầm đũa, thìa cùng lúc. |
- Trong đời sống hàng ngày, khi đã trở thành “một đội” hay “một nhóm”, người Hàn Quốc có thể hiển nhiên dùng thìa để múc và ăn trong một bát canh chung, như canh đậu tương (tuenchang) hoặc canh kim chi. Nhưng ở trong những bữa ăn trang trọng với những người có chức vụ hoặc tuổi cao, tốt nhất bạn nên dùng một thìa riêng để múc canh, trong trường hợp dùng chung canh với những người khác.
- Người Hàn Quốc ít nói chuyện khi ăn. Vì vậy mà bạn cùng đừng lạ khi đi ăn với người Hàn Quốc nào mà thấy họ chẳng nói một câu nào trong suốt bữa ăn. Có một bộ phận người Hàn Quốc quan niệm rằng nói chuyện khi ăn là bất lịch sự, không tôn trọng quyền cá nhân của người đối diện.
- Khi dùng bữa với người lớn: Để họ ngồi phía trong, cách xa cửa ra vào. Giữ tư thế ngồi ngay ngắn trước mặt người lớn. Đợi người lớn cầm đũa lên trước sau đó mới cầm đũa lên. Nên giữ tốc độ ăn bằng người lớn. Sau khi người lớn đã dùng bữa xong và đứng lên, nên đứng lên cùng. Lễ nghĩa cần phải giữ khi gia đình tụ họp ăn uống. Ngồi ăn cơm sau khi người lớn tuổi trong gia đình cầm muỗng thì những người khác phải cầm đũa.
5. Khi uống rượu
- Cách uống rượu của người Hàn có một vài những quy định, thường liên quan đến thứ bậc giữa những người cùng đối ẩm. Việc tự rót rượu cho mình thường không được xem là một cử chỉ lịch sự. Một người khác sẽ rót rượu, và người nhận rượu phải nâng ly rượu lên. Nếu người rót hay người nhận rượu có vị trí thấp hơn người kia (thí dụ đàn anh và đàn em, câp trên và cấp dưới, cao tuổi và ít tuổi hơn) thì phải đưa tay còn lại lên, đặt vào trước ngực hay đỡ ở khủyu tay mình, để tỏ lòng kính trọng. Khi một người rót rượu cho những người khác, thì ly rượu không nên còn rượu mà nên cạn. Người nhận rượu có thể nhanh chóng uống hết phần còn lại của ly rượu trước khi nhận rượu mới từ người rót.
- Cũng như người Việt, ở người Hàn, việc dùng một ly rượu duy nhất cho cả bàn là điều có thể. Hoặc người Hàn có thể uống thành cặp: Một người muốn mời người khác uống thì đưa ly rượu không của mình cho người đó nhận lấy, và rót rượu cho người đó uống. Khi uống xong, người được mời thường đáp lễ bằng một quá trình tương tự.
- Nếu muốn rót mời rượu người khác thì phải đợi người đó uống cạn cốc rượu mới được rót tiếp. Người Hàn Quốc không có thói quen rót vào cốc rượu đang uống dở lưng chừng.
Rót rượu và cầm chén phải dùng hai tay. |
6. Việc trả tiền sau khi ăn
- Khi một người Hàn Quốc (lớn tuổi) mời bạn đi ăn thì thường họ sẽ trả tiền cho bữa ăn, việc tranh giành trả tiền trong trường hợp này đôi khi lại là thất lễ. Nhưng nếu muốn bày tỏ lời cảm ơn và mời giáo sư, người lớn tuổi đi ăn thì trước bữa ăn bạn phải nói trước với họ lý do và thiện ý muốn mời dùng bữa.
- Khi đi ăn cùng với bạn cùng hoặc ít tuổi trên tinh thần “cùng đi ăn” thì các bạn cũng nên lựa ý tùy theo tình huống để xử lý. Nếu là bạn gặp thường xuyên, còn nhiều cơ hội gặp gỡ, ăn uống cùng nhau thì có thể sẽ hình thành nên một quy tắc ngầm “hôm nay tôi trả, hôm nay anh trả”. Tuy nhiên hiện nay giới trẻ Hàn Quốc cũng rất thịnh hành cách sống “sòng phẳng” giống phương Tây nên trong nhiều trường hợp họ sẽ đề nghị bạn: “mạnh ai người nấy trả”.
7. Một số điều chú ý khác
- Không viết tên bằng bút đỏ - điều này khá giống với người Việt Nam. Người Hàn Quốc cho rằng người đã chết mới viết tên bằng mực đỏ, vì vậy đây là điều tối kỵ khi bạn viết bằng mực đỏ khi đến xứ sở kim chi.
- Khi đưa vật dụng nào đó cho người lớn tuổi bạn phải đưa bằng hai tay.
- Khi đi taxi cùng người lớn tuổi, vị trí trang trọng không phải là hàng ghế đầu cạnh tài xế mà là hàng ghế trong cùng phía sau. Người Hàn Quốc quan niệm rằng hàng ghế đầu chỉ dành cho người “phục vụ”. Khi dừng xe, người ngồi trên sẽ có trách nhiệm xuống trước và mở cửa cho người lớn tuổi hoặc có chức vụ cao ngồi phía sau.
Theo Ngoisao