Shakespeare and Company, Paris: Có từ năm 1919, Shakespeare and Company là hiệu sách lâu đời nhất ở thủ đô nước Pháp. Đây là điểm dừng chân bên bờ sông Seine của nhiều nhà văn nổi tiếng như James Joyce, Ezra Pound và Ernest Hemingway. Hiệu sách này được khai trương lần 2 vào năm 1950, sau khi phải tạm ngưng hoạt động trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Có một điều đặc biệt là ở đây, người đọc có thể tìm mượn hoặc mua lại những cuốn sách thậm chí bị cấm lưu hành, xuất bản ở Anh và Mỹ như Lady Chatterley’s Lover, Ulysses... Kiến trúc cổ kính đã thành nơi quen thuộc không thế thiếu của người yêu sách. Shakespeare and Company đã được vinh danh trên hàng loạt tờ báo với danh hiệu: “Một trong những tiệm sách đẹp nhất thế giới”, “Hiệu sách được chụp ảnh nhiều nhất thế giới”...
Corso Como, Milan: Nhà sách ở Italy có những góc riêng dành cho sách về nghệ thuật và thiết kế.
Livaria Lello, Porto: Đã hơn 100 năm tuổi, cửa hàng sách Lavaria Lello trong thành phố lớn thứ hai của Bồ Đào Nha vẫn là một trong những điểm đến tuyệt vời nhất trên thế giới. Hiệu sách này là một kiệt tác do kiến trúc sư Xavier Esteves xây dựng năm 1906, từng được coi là hiệu sách đẹp nhất thế giới, có cầu thang xoáy, trần nhà giả gỗ làm bằng bê tông. Ngoài ra, nơi này gây chú ý bởi những quyển sách được bọc đá quý, những chiếc kệ thiết kế theo phong cách kiến trúc Neo-Gothic và những tấm chạm khắc nổi bật minh họa văn học Bồ Đào Nha.
Libreria El Ateneo Grand Splendid, Buenos Aires: Đúng như cái tên của nó, Libreria El Ateneo Grand Splendid là một trong những hiệu sách tuyệt nhất tại thủ đô Argentina. Công trình làm lại từ không gian một nhà hát từ thập niên 1920 và giữ lại phần nội thất lộng lẫy của các khán phòng, giữ nguyên các ban công, trần nhà được sơn vẽ, nhiều tác phẩm điêu khắc tỉ mỉ và bức màn sân khấu đỏ thẫm. El Ateneo Grand Splendid còn có một tiệm cà phê ấm cúng ngay giữa sân khấu, nơi du khách có thể vừa đọc sách vừa thưởng thức đồ uống.
Boekhandel Domincanen, Maastricht, Hà Lan: Được xây dựng từ năm 1294, nơi đây vốn là một nhà thờ và được chuyển thành hiệu sách vào năm 2006. Với hơn 40.000 đầu sách tiếng Hà Lan, Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Italy, hiệu sách còn là một trung tâm văn hóa tổ chức hơn 140 sự kiện văn học mỗi năm.
Hiệu sách Honesty, Hay-on-Wye, thị trấn Welsh, Anh: Thường được mô tả như là “thị trấn của cuốn sách”, Hay-on-Wye thu hút đông đảo người yêu sách đến tìm kiếm trong hơn 40 nhà sách, chủ yếu là sách cũ. Trong đó, nổi tiếng và thú vị nhất là tiệm Honesty - hiệu sách Trung thực. Ở đó chỉ có hai kệ sach đặt ở bên tường và không có người trông coi. Mọi người đến chọn sách và trả tiền vào một hộp thư nhỏ. Hiệu sách nằm trong phần đất của pháo đài Ha có từ thế kỷ 12 năm ở trung tâm thị trấn. Không gian sách ngoài trời này bao gồm các kệ gỗ, đặt cạnh các bức tường.
Libreria Acqua Alta, Venice, Italy: Hiệu sách này là một trong những nơi đáng nhớ nhất ở Venice. Bản thân nó là một cửa tiệm nhỏ, chứa đầy sách trong những chiếc thuyền gondola đáy bằng, bồn tắm và những chiếc thuyền nhỏ. Bạn có thể vừa đọc vừa nhúng chân vào kênh đào mát rượi, hay trèo lên những bậc thang được làm từ những quyển sách cũ.
Hiệu sách Cuối Cùng, Los Angeles, Mỹ: Nơi đây từng là một ngân hàng. Ngày nay, sách được chất khắp nơi, cả dưới tầng hầm. Người chủ cho biết họ có khoảng 200.000 cuốn sách. Hiệu sách này như một tòa lâu đài cổ kính được dựng bằng những cuốn sách cổ.
Nhà sách này nổi tiếng vì là nơi mua bán cả sách mới và sách cũ, có một quầy cà phê và gian hàng lưu niệm. Hành lang với mái vòm sách là phông nền lý tưởng cho những du khách mê chụp hình.
Thành phố Sách Powell, Oregon, Mỹ: Hiệu bán sách mới và cũ lớn nhất thế giới này chiếm trọn một tòa nhà ở đại lộ Burnside, thành phố Portland. Du khách phải mất 2-3 ngày mới có thể tham quan hết hiệu sách nhộn nhịp này.
Theo Baoxaydung