Do nằm gần Tây Phi – nơi được coi là ổ dịch Ebola, nhiều quốc gia lân cận khác thuộc châu lục này chịu ảnh hưởng khá lớn và là niềm trăn trở của đa số người dân hay du khách trên thế giới. Chẳng hạn, một giáo viên ở Kentucky (Mỹ) vừa phải từ chức do phản ứng dữ dội từ những người xung quanh khi biết cô mới trở về từ Kenya. Hay số lượng khách hủy tour ngày một nhiều đến những vùng du lịch hấp dẫn nhất châu Phi như Kenya, Zimbabwe hoặc khu vực Nam Phi.
Một nhà hóa học người Anh có tên Anthony England quyết định dành phần lớn thời gian ở khu vực châu Phi – cận Sahara để thực hiện tấm bản đồ khoanh vùng dịch Ebola. Mong muốn lớn nhất của ông là thể hiện rõ những nơi hiện không còn ca nhiễm bệnh và trấn an cộng đồng.
Bản đồ do Anthony England khảo sát và thực hiện nhằm khoanh vùng khu vực đang không có ca nhiễm Ebola nào tại châu Phi, chú thích bằng từ "No Ebola". |
Theo bản đồ, những khu vực ồn ào với đại dịch trong thời gian gần đây như Mali hay Cộng hòa Congo đang nằm trong vùng “không Ebola”. Danh sách này còn bao gồm các quốc gia khác như Sudan, Kenya, Libya, Nigeria hay đảo Madagascar.
Bất chấp những ý kiến trái chiều sau thông tin về các ca nghi nhiễm, ông vẫn một mực khẳng định “chỉ còn 3 quốc gia vướng vào Ebola và cả thế giới cần biết điều này”, đó là Guinea, Sierra Leone và Liberia. Theo Washington Post, quan điểm của Anthony “dễ chấp nhận” bởi châu Phi là vùng rộng lớn và “người phương Tây thường bối rối trong việc xác định vị trí địa lý khu vực này”.
Hồi đầu năm, một cuộc khảo sát về độ nhận biết ranh giới, địa phận các quốc gia châu Phi được tiến hành trên tờ Washington Post nhưng chỉ 49% số nước trong danh sách được trả lời đúng. Những nước bị trả lời sai nhiều nhất là Guiea, Sierra Leone, Gabon hay Gambia.
Là dịch bệnh nguy hiểm xuất phát từ châu Phi, khoảng 5.000 người sống tại Tây Phi đã chết do mắc Ebola trong khi 13.000 bệnh nhân bị lây nhiễm hiện nay. Trước đó, Cộng hòa Congo vừa bùng nổ một chủng khác của Ebola khiến nước này bị liệt vào danh sách nằm trong vùng ổ dịch. Ngoài ra, Mali cũng từng ghi nhận trường hợp nhiễm virus này nhưng đã qua đời.
Bệnh Ebola được phát hiện lần đầu vào năm 1976 tại Sudan và Cộng hòa Congo. Tên loại virus này đặt theo nơi đã phát hiện là một ngôi làng ven sông Ebola (Congo). Người mắc bệnh thường xuất hiện triệu chứng sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu-họng, phát ban, xuất huyết nội tạng.
Theo VnExpress