06:58 20/09/2024

'Phải lòng' đào vương Thất Thốn!

11:49 27/04/2018

Thất Thốn là đế vương của các loài hoa xuân. Có lẽ vì vậy mà người ta coi loài đào này là “đặc sản” và thứ quà quý để dâng Vua. Có những chủ vườn đến với đào Thất Thốn ban đầu chỉ vì muốn duy trì, thuần dưỡng giống đào quý, nhưng lâu ngày đã “bén duyên, phải lòng” trước vẻ đẹp cũng như sức sống mãnh liệt của loài hoa này.

Cần khẳng định rằng, không phải ai cũng tinh tường nhận ra vẻ đẹp của đào Thất Thốn. Nếu không có sự am hiểu nhất định về giống đào này, người ta có thể “ghét bỏ” nó vì hình dáng như cành củi khô xấu xí, đen đúa, thân cây xù xì mụn cóc lại cho hoa muộn. Thế nhưng, Thất Thốn vẫn được xếp vào loài hoa vương giả và được gọi bằng những tên cao sang như đào thờ, đào bói, đào tiến vua... bởi khi những bông hoa bung sắc thắm là khi vẻ đẹp cổ kính, đầy sức sống của nó lại được phô bày.

'Phải lòng' đào vương Thất Thốn! - 1
Thất Thốn xứng danh là "đào Vương" - vua của hoa đào. Ảnh: Nguyễn Trung Quân

Là loại đào hiếm và cực kén người chơi, thất thốn như một cô nàng đỏng đảnh và ương bướng. Do đó, cả đất trồng đào Nhật Tân giờ cũng chỉ còn lại vài chục gốc đào Thất Thốn. Với nhiều người, đào Thất Thốn đã trở thành dĩ vãng, là cái tên xa lạ chưa từng nghe đến. Như vậy cũng đủ biết độ quý hiếm của nó ra sao.

Theo những nghệ nhân trồng đào, Thất Thốn nổi tiếng là loài đào “khó chăm”. Để có được một cây đào Thất Thốn dáng đẹp, ra hoa đúng dịp Tết âm phải mất 8-10 năm. Ở Nhật Tân, anh Lê Hàm nổi tiếng là người “lệnh” được cho đào Thất Thốn ra hoa đúng độ. Để có được thành quả đó, anh Hàm phải bỏ ra hơn 20 năm nghiên cứu về đặc tính, quy luật ra hoa để “thuần hóa” phần nào giống đào “ngang ngạnh” này.

'Phải lòng' đào vương Thất Thốn! - 2
Đào Thất Thốn thường ra hoa muộn và rất khó chăm sóc. Ảnh: Nguyễn Trung Quân

Đào Thất Thốn phát triển rất chậm, mỗi năm chỉ nhỉnh thêm vài xăng-ti-mét. Trong khi đó, các loại đào khác chỉ cần tạo dáng, chăm bón 1-2 năm là có thể trở thành thành phẩm có giá trị.

Thông thường, khi Tết đã qua được nửa tháng, đào Thất Thốn mới ra hoa. Chỉ có năm nhuận, người trồng đào Thất Thốn mới không phải vất vả “căn ke” thời gian. Có không ít người đã thử sức chinh phục đào Thất Thốn nhưng thất bại vì vừa mất thời gian, vừa mất công, lại mất tiền mất của. Vì thế, họ gọi chệch tên đào thành “thất thoát”.

Tuy nhiên, nếu biết cách trồng và chăm sóc, các chủ vườn sẽ được chiêm ngưỡng những khoảnh khắc bung nụ tuyệt vời của Thất Thốn. Đó là một quá trình tuyệt vời ít người được chiêm ngưỡng.

'Phải lòng' đào vương Thất Thốn! - 3
Lá đào Thất Thốn như lưỡi kiếm sắc nhọn, mang khí phách mạnh mẽ, ngang tàn. Ảnh: Nguyễn Trung Quân

Trước khi “nụ nhung” nảy mầm là những chiếc chồi biếc như lưỡi kiếm sắc nhọn, xanh mởn, mạnh mẽ vươn mình trên những cành “củi khô” sần sùi. Các“chấm xanh” dần bung lá trên cành cây khẳng khiu mang sức sống, sự hồi sinh mãnh liệt.

'Phải lòng' đào vương Thất Thốn! - 4

Sau đó, những nụ hoa được chờ đợi nhất trong năm bắt đầu hé nở. Hoa đào đỏ thắm, to, dày dần bung cánh từ thân đến gốc đào. Điểm khác biệt của đào Thất Thốn so với những loại khác là cho hoa kép, một bông hoa đào Thất Thốn có thể cho khoảng 49-50 cánh hoa. Cánh chen cánh, đỡ những nhụy hoa li ti vàng óng như một “sản vật” đặc biệt dành tặng xuân, dâng bậc vua chúa. Hoa đào Thất Thốn cũng to hơn nhiều so với đào thường, đường kính một bông hoa có thể lên đến 5cm. Trong một thốn đào (khoảng 1 gang tay) có thể có vài chục bông hoa như những ngọn lửa đỏ rực sáng rợp trời xuân.

'Phải lòng' đào vương Thất Thốn! - 5
"Ngậm" đủ sương, gió, linh khí của trời xanh, đào Thất Thốn nở bung những cánh hoa thẫm đỏ như ngọn lửa rực cháy, nhảy múa trong ngày xuân. Ảnh: Nguyễn Trung Quân

Hương đào Thất Thốn thanh tao, thoảng hương “đãi” mùi rất sang chứ không thơm ngào ngạt như đào thường.

Một điểm đặc biệt nữa là Thất Thốn “khó tính” đến mức chỉ “ăn” những gì sạch nhất. Đào ngậm sương gió, nắng mưa, đất càng cằn, hoa càng đẹp, càng thẫm màu. Nếu trót cho đào Thất Thốn “ăn” lân đạm, dù chỉ chút ít bị lẫn từ luống rau gần cạnh, cây cũng sẽ héo và chết dần. Chẳng thế mà những bông hoa lung linh đẹp đến mê hồn, vừa mang vẻ cổ kính, lại mạnh mẽ, hiên ngang và cũng đầy thanh tao.

'Phải lòng' đào vương Thất Thốn! - 6

Đến được với đào Thất Thốn, cả người và đào phải có “duyên”. Yêu đào mà không biết cách chăm, không kiên nhẫn thì đào cũng chẳng cho hoa đẹp. Vì vậy, những người bén duyên với đào Thất Thốn thường là những người cầu toàn, kỹ tính. Và cũng có những người, chẳng cần hiểu biết nhiều về Thất Thốn, nhưng với tâm hồn nghệ sĩ, họ cũng cảm được vẻ đẹp của đào, để rung động mà “bén duyên” hoa. Rồi cứ xuân về lại ngóng ngày những “đốm lửa hồng” rực sáng!

Nguồn gốc và tên gọi của đào Thất Thốn có từ rất lâu nhưng để giải thích rõ ràng thì vẫn còn là ẩn số. Hiện nay, những người chuyên trồng đào cho biết, có 3 cách lý giải về tên "Thất Thốn": 

Thứ nhất, là trong một cây đào Thất Thốn, cứ khoảng 7 “thốn” (mỗi thốn bằng khoảng một đốt ngón tay) lại chia ra các cành nhỏ, mỗi đầu cành ra hoa hay có 7 bông tượng trưng cho chữ thất.

Nghĩa thứ hai là lá đào Thất Thốn dài 7 thốn, gấp 3 - 4 lần so với lá đào thường.

Thứ 3, là 7 năm đào Thất Thốn mới ra hoa kép 7 tầng, mỗi tầng hoa có 7 cánh.

Minh Minh

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt