Sớm thu, tiết trời mát mẻ dễ khiến đôi chân có hoa phải chạy nhảy. Mọi ngày thì đi thêm chúng bạn cho vui, nhưng hôm nay muốn đi một mình. Vừa lan man suy nghĩ những thói thường, tay lái tự đưa đến phố Huỳnh Thúc Kháng tự lúc nào. May quá, mới khoảng 6h20, khách còn ít, tranh thủ gọi bát tái gầu theo thói quen.
Quán phở này mới được xây thêm cho khang trang chứ ngày trước bé tèo, thưa khách, nhưng được cái phục vụ rất chu đáo. Số phận một cái quán cũng như con người, lúc thăng lúc trầm. Sau nhiều năm chật vật gây dựng, quán thành công, vừa có tiếng phở ngon vừa có tiếng phục vụ tốt. Rồi có lúc quá đông khách, chủ quán hơi lơ là phục vụ khiến cho cả khách quen cũng phải rời đi. Những va vấp giúp cho quán có thái độ tiếp khách và phục vụ cải thiện nhiều.
Món quà ngon của Hà Nội. |
Nói đến phở, trước hết là một món quà ngon, món quà để “ăn hương ăn hoa” buổi sáng chứ không ăn lấy no. Quà này có ở nhiều miền đất nước chứ không riêng gì vùng nào. Ấy vậy mà không hiểu sao, phở Bắc hay phở Hà Nội có cái cuốn hút riêng. Thế nên mới có mấy tản văn của các cụ Vũ Bằng, Băng Sơn… khiến cho nhiều thế hệ người Việt lẫn nước ngoài mê mẩn những ngôn từ phóng túng mà chọn lọc. Các cụ đã đưa độc giả hưởng không khí của một Hà Nội xa xưa và còn dẫn thực khách đi thưởng thức món quà này.
Khi bát phở được đặt ra bàn, nếu là phở ngon, thực khách có thể hít lấy mùi thơm lừng của nước phở trong vắt. Phở gà mùi riêng, phở bò mùi riêng không lẫn được. Những người gầy thì hay hỏi thêm nước béo, có người thích ăn thêm trứng gà thả trong bát luôn, thêm dấm, ớt tùy người dùng, miễn sao ngon theo ý mình.
Một quán phở trên phố cổ. |
Bánh phở bây giờ chủ yếu to và mềm, không còn sợi nhỏ như trước đây. Tô đựng phở bây giờ cũng đẹp, chủ yếu bằng sứ và dầy để tăng tính thẩm mỹ lẫn chống nóng cho khách cầm bát. Thực khách có thể ăn nhâm nhi để “ngẫm” mùi vị nhưng cái ngon của phở lại nằm ở chỗ ăn làm sao đủ nhanh để thấy được cái nóng và vị ngon hòa lẫn nhau. Khi ăn, có thể chọn ăn cái trước, nước sau hay vừa cái vừa nước nhưng khi thưởng thức từng thìa nước thì nhất thiết nên xì xọap. Có thể ở chỗ khác, tiếng xì xoạp gợi lên cái “bất lịch sự” nhưng khi ăn phở thì cái sự này được đặt sang bên và nhường vào đó là tiếng ngầm nói rằng “Chao ôi, ngon miệng quá!”.
Theo tương truyền, có mấy quán nổi tiếng lâu năm như phở Thìn Bờ Hồ, phở Cồ Cử, phở Bát Đàn… Còn nếu nói đến chất lượng phục vụ thì số lượng quán e rằng chẳng còn bao nhiêu. Ngày nay, khi mà phần giá cả bình quân dần dần lấp khoảng cách giữa các quán cũ lẫn mới là khoảng 20-25 nghìn cho một bát phở, cuộc sống người dân bây giờ khá giả hơn, sức cạnh tranh chất lượng giữa các nhà hàng đã giúp cho thực khách có nhiều lựa chọn. Nếu ai thích ăn phở bò, lời khuyên là đến quán ở 58 ở phố Huỳnh Thúc Kháng một lần. Nếu ai thích ăn phở gà, có khi ghé qua quán phở Bản ở phố Tôn Đức Thắng trước. Ăn ở đó xong hãy đến mấy quán cũ kể trên, bởi đó là một sự trải nghiệm thú vị đấy.
Một tô phở hấp dẫn. |
Mà thôi, mắm môi mắm lợi xì xụp mấy thìa nước phở nóng xong, thấy sảng khoái hẳn. Thế là yên tâm khỏi phải lo ông bạn dạ dày kêu than nữa rồi. Đơn giản vậy thôi.
Theo VnExpress