03:41 20/09/2024

Quảng Ninh: Điểm du lịch tâm linh 'mới'

11:47 13/04/2016

Bên cạnh thế mạnh về du lịch biển, hiện nay Quảng Ninh còn nổi lên là một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Có thể kể đến như: chùa Đồng - Yên Tử, chùa Ba Vàng, đền Cửa Ông, chùa Cái Bầu - Thiền Viện Trúc Lâm Giác Tâm…

“Nở rộ” các điểm du lịch tâm linh

Quảng Ninh: Điểm du lịch tâm linh 'mới' - 1
Chùa Đồng – Yên Tử. Ảnh: discoverhalong

Nếu như trước đây, người ta thường biết đến Quảng Ninh là một điểm du lịch biển đảo sôi động trong dịp hè thì ngày nay, sức hấp dẫn ở Quảng Ninh còn thể hiện ở những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng gắn liền với những truyền thuyết, di tích lịch sử như chùa Đồng trên đỉnh thiêng Yên Tử, đền Cửa Ông, chùa Long Tiên, đình Quan Lạn… Sở hữu trên 600 di tích lịch sử - văn hóa các loại, trong đó có nhiều di tích lịch sử là những điểm du lịch tâm linh thu hút, hấp dẫn, Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch này.

Trong thế kỷ thứ 14, khu Yên Tử và Quỳnh Lâm (Đông Triều) được coi là “trung tâm Phật giáo của Việt Nam”. Qua thời gian cùng nhiều biến cố lịch sử, nhiều ngôi chùa cổ bị tàn phá không còn nguyên vẹn. Trong vài năm trở lại đây, tỉnh Quảng Ninh đã cho trùng tu, cải tạo và nâng cấp nhiều ngôi chùa trên nền móng cổ của nó. Bởi thế, người ta có cảm giác các điểm du lịch tâm linh ở Quảng Ninh ngày một “nở rộ”.

Ngoài những điểm đến nổi tiếng đã rất quen thuộc như: khu di tích lịch sử Yên Tử, cụm di tích danh thắng núi Bài Thơ, đền Cửa Ông… du khách còn có thêm nhiều sự lựa chọn khác, mới mẻ hơn để tìm hiểu sâu, rộng hơn văn hóa lịch sử, đời sống tâm linh của người Quảng Ninh như chùa Cái Bầu, chùa Ba Vàng, chùa Lôi Âm…

Nhờ đó, Quảng Ninh không chỉ thu hút du khách vào dịp hè với những trò chơi, du lịch biển, đảo sôi động mà còn là điểm tham quan, hành hương, chiêm bái của du khách quanh năm. Việc khai thác và đưa những giá trí văn hóa, lịch sử, tâm linh to lớn vào du lịch vừa nhằm quảng bá vẻ đẹp văn hóa, thiên nhiên và con người Việt Nam nói chung vừa gìn giữ được nét văn hóa, truyền thống quý báu của người dân Quảng Ninh.

Theo ông Hà Quang Long, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ninh: “Vấn đề là Quảng Ninh phải tạo cho du khách sự thoải mái, thanh bình và thuận tiện khi về nguồn. Việc này cần có các nhà đầu tư tầm cỡ để hỗ trợ cho du lịch tâm linh phát triển”.

Tín hiệu mừng

Thông tin từ Sở VH-TT-DL Quảng Ninh, ước tính lượng du khách tới Quảng Ninh trong quý 1 vừa qua đạt trên 3,5 triệu lượt, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Có 70% là du khách nội địa, hầu hết tham gia loại hình du lịch tâm linh – được cho là tín hiệu đáng mừng. Vì trước đây, nguồn thu của du lịch Quảng Ninh chủ yếu đến từ hoạt động du lịch biển đảo truyền thống. Nếu có kế hoạch khai thác tốt, Quảng Ninh sẽ trở thành điểm đến 4 mùa thích hợp với du khách chứ không bó hẹp lại vào thời gian mùa hè hay dịp du xuân lễ bái đầu năm.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh - bà Nguyễn Thị Bảo cho biết: “Tâm linh là lĩnh vực rất đặc thù nên cần nhà đầu tư có tầm, có tâm. Nếu tạo ra được sự hài hòa giữa kinh doanh và hoạt động xã hội thì du khách mới sử dụng dịch vụ, du lịch tâm linh vì thế mới trở thành sản phẩm bốn mùa”.

Điểm đến không thể bỏ qua

Di tích Yên Tử

Quảng Ninh: Điểm du lịch tâm linh 'mới' - 2
 Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử. Ảnh: Internet

Điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhất, góp phần làm nên tên tuổi “trung tâm Phật giáo của Việt Nam” cho Quảng Ninh là di tích Yên Tử. Lễ hội Yên Tử là một trong những lễ hội hấp dẫn nhất trong cả nước. Từ năm 2001 đến nay, du khách tới thăm Yên Tử ngày một tăng. Trung bình mỗi năm, chùa Yên Tử đón 2,5 - 3 triệu lượt khách về hành hương, chiêm bái trong mùa lễ hội. Tính riêng năm 2006, có ngày cao điểm, chùa Yên Tử đón tới 6 vạn lượt khách.

Di tích Yên Tử được mệnh danh là “Kinh đô Phật giáo” của cả nước. Nơi đây gắn liền với sự nghiệp tu hành của đức vua Trần Nhân Tông – người sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đây là thiền phái vừa hội tụ được tinh thần Phật giáo, vừa chứa đựng những nét độc đáo của Việt Nam.

Đến núi Yên Tử, nhất định du khách phải ghé thăm chùa Đồng nếu không muốn hối tiếc. Chùa còn có tên Thiên Trúc tự (chùa Cõi Phật), nằm ở đỉnh cao nhất của dãy Yên Tử. Cho đến nay, chưa có ngôi chùa bằng đồng nào ở Việt Nam vượt chùa Đồng về quy mô cũng như độ cao so với mặt nước biển. Chùa Đồng cũng được ví như “kỳ quan mới” của danh thắng Yên Tử.

Đền Cửa Ông

Quảng Ninh: Điểm du lịch tâm linh 'mới' - 3
Đền Cửa Ông trong ngày hội. Ảnh: Phạm Minh/baoquangninh

Đền Cửa Ông nằm trên ngọn đồi cao nhìn ra Vịnh Bái Tử Long. Đây là nơi thờ tự tướng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tảng và Hoàng Cần – 2 vị tướng anh hùng của dân tộc, đã có công lao lớn trong sự nghiệp đánh giặc và bảo vệ đất nước.

Lưng đền dựa sát núi, 2 bên đều có núi làm thế tay ngai, hướng ra cảnh biển xinh đẹp tạo nên cảm giác thanh bình, tĩnh tại. Đặc biệt, du khách tới thăm đền Cửa Ông còn có cơ hội thưởng thức bánh Tày nồng ệp – là đặc sản độc đáo của người Quảng Ninh.

Chùa Cái Bầu

Quảng Ninh: Điểm du lịch tâm linh 'mới' - 4
Chùa Cái Bầu ngày nay. Ảnh: Internet

Chùa Cái Bầu được xây dựng trên nền chùa Phúc Linh có từ thời Trần, cách đây khoảng 700 năm. Mới khánh thành năm 2009, nhưng chùa Cái Bầu nhanh chóng trở thành điểm du lịch tâm linh thu hút du khách trong và ngoài nước. Chùa còn được gọi là Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm, nằm cách trung tâm thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn khoảng 10 km.

Không những thế, chùa Cái Bầu còn mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa lớn. Chùa cũng ghi dấu nhiều chiến công hiển hách của cha ông ta khi chiến đấu bảo vệ tổ quốc ở vùng đông bắc.

Điểm đặc biệt nhất là chùa rất sạch sẽ, thanh tịnh. Điểm yêu thích nhất là không gian thoáng đãng, thanh bình, êm ả như cõi bồng lai. Chùa tựa lưng vào núi, quay mặt ra biển, nằm ở nơi trời đất giao hòa, sơn thủy hữu tình, mang đến cho du khách cảm giác thoát tục, an nhiên.

Chùa Ba Vàng

Quảng Ninh: Điểm du lịch tâm linh 'mới' - 5
Chùa Ba Vàng có chính điện lớn kỷ lục Việt Nam. Ảnh: 1080.plus

Trên núi Ba Vàng (trước có tên là núi Thành Đẳng) có chùa Ba Vàng (hay chùa Bảo Quang) nằm ở độ cao 340m so với mực nước biển. Chùa có địa thế đẹp, phong cảnh sơn thủy hữu tình. Trước kia, chùa cổ được làm bằng gỗ. Do chiến tranh tàn phá, nên ngôi chùa cổ đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Ngày nay, chùa Ba Vàng được đầu tư xây dựng khang trang, tựa lưng vào núi và là chùa có chính điện lớn kỷ lục Việt Nam. Một số hiện vật bằng đá đáng chú ý là một tấm bia cao 0,52m, rộng 0,38m, dày 0,12m; 2 con rùa và một cây hương cao 1,2m có 4 mặt, mỗi mặt rộng 0,22m.

Đặng Huy

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt