Thành cổ Sơn Tây được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) với nghệ thuật kiến trúc độc đáo của các hạng mục như tường thành, cổng thành, kỳ đài, đoan môn, vọng cung...Đây được đánh giá là một trong những tòa thành nổi tiếng, tiêu biểu và đẹp nhất miền Bắc.
Công trình được thiết kế theo hình tứ giác có diện tích khoảng 16 ha với tường thành được xây bằng đá ong cao khoảng 4,5 m.
Vật liệu xây dựng thành chủ yếu bằng đá ong (là loại vật liệu xây dựng đặc thù của vùng Sơn Tây).
Riêng với 4 cổng thành: Tây, Đông, Nam và Bắc (cửa Hữu, cửa Tả, cửa Tiền và cửa Hậu) được xây bằng gạch cổ.
Theo thư tịch cổ thì thành Sơn Tây được xây dựng rất kiên cố với nhiệm vụ chính là để bảo vệ vùng đất phía tây bắc Thăng Long xưa.
Theo thời gian và những biến động lịch sử, thành cổ Sơn Tây bị đổ nát khá nhiều. Hiện nay chỉ còn lại một số đoạn tường thành, cửa Tiền, cửa Hậu, hai khẩu thần công và một số phế tích như vọng lâu, nền điện Kính Thiên...
Xung quanh thành là hào nước rộng tới hơn 25 m, sâu khoảng 4 m và dài 1.792 m được nối ra sông Tích.
Trước đây bốn cửa đều có cầu gạch bắc qua hào nước. Nhưng hiện nay chỉ có hai cửa chính là cửa Tiền và cửa Hậu có cầu bắc qua hào nước dẫn vào cổng thành.
Phía trong thành hiện nay vẫn còn một số hạng mục kiến trúc như: Vọng lâu (cột cờ) cao 18 m, vọng cung, điện Kính Thiên, hai ao sen phía trước khu nghi lễ (điện Kính Thiên), trong đó một số công trình đã được phục dựng.
Hiện nay, thành cổ Sơn Tây chỉ còn giữ lại được 3 cổng thành là: Nam, Bắc và Tây với vẻ rêu phong, cổ kính.
Những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi mọc bên đường bao quanh thành, trên tường và phía trong thành cũng góp phần không nhỏ tạo nên sự rêu phong, cổ kính của tòa cổ thành này.
Sự cổ kính và cảnh vật thanh bình của thành cổ Sơn Tây biến nơi đây thành điểm chụp ảnh cưới lý tưởng của các cặp uyên ương.
Theo VnExpress