Những hang động được tìm thấy có độ sâu hơn cả hang Sơn Đoòng. Ảnh: Telegraph. |
10. Động băng Skaftafell – Iceland
Các hang động băng ở Skaftafell, phía đông nam Iceland nằm ở độ cao ngang mực nước biển. Mùa đông, khi nước tan chảy qua sông băng Vatnajökull tạo thành các lỗ trong băng, du khách có thể dễ dàng tiếp cận động băng Skaftafell.
Người ta có thể phát hiện ngay ra các lối vào tự nhiên này bằng việc nhận biết ánh sáng khúc xạ màu xanh đẹp mắt cùng các bong bóng khí có bên dưới lớp băng hay không. Các lối vào hình chóp nón ban đầu có độ cao khoảng 6 - 7m, sau dần thu nhỏ lại chỉ còn khoảng 1m2 khi vào sát đến bên trong hang động chính.
9. Cụm hang động Waitomo - New Zealand
Nằm ở độ sâu 197ft (60m) dưới mực nước biển, động Waitomo là một trong số những hang động đá vôi 30 triệu năm tuổi nằm ở phía Bắc của đảo quốc này. Đặc biệt, tại động Waitomo có hàng ngàn loại giun phát sáng sinh sống. Đây cũng chính là nguồn sáng độc đáo cho những hang động này.
Ngày nay, du khách có thể lựa chọn tham gia bơi thuyền dọc sông Waitomo hoặc đăng ký một tour thám hiểm động xuống tới độ sâu 100m. Ngoài ra, du khách cũng có thể đến thăm động Ruakuri và Aranui trong cùng hệ thống cụm hang động Waitomo.
8. Động Wookey Hole – Somerset, Anh
Động Wookey Hole ẩn mình bên dưới nếp gấp của khu đồi Mendip Hills, nằm ở độ sâu 300ft (91,44m) dưới mực nước biển. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, con người đã sử dụng những hang động đá vôi tự nhiên này từ gần 45.000 năm trước. Truyền thuyết kể rằng, đây đã từng là nơi trú ẩn của một mụ phù thuỷ. Bà ta bị hóa đá ngay khi nguyền rủa tình yêu của một cô gái địa phương với một người đàn ông sau này trở thành tu sĩ.
Từ năm 1927, hang động này đã được mở cửa cho người dân đến thăm quan. Động Wookey Hole cũng được sử dụng làm bối cảnh cho loạt phim truyền hình Doctor Who.
7. Động Sistema Sac Actun– Mexico
Động Sistema Sac Actun sâu hơn 100m dưới mực nước biển, hồ bơi El Gran cenote nổi tiếng gần Tulum chính là lối vào động. Còn được biết đến với tên gọi là động White, đây là một trong những hệ động ngầm dưới nước dài nhất thế giới. Động dài 230,8km, chạy dọc theo bán đảo Yucatan trên biển Caribbean.
Năm 2008, những nhà nghiên cứu hang động và đội lặn cũng tìm thấy hoá thạch xương của loài voi ma mút, một sinh vật tuyệt chủng được coi là tổ tiên của loài voi hiện tại.
6. Động Gouffre de Padirac – Pháp
Động Gouffre de Padirac nằm ở phía Tây Nam nước Pháp đã trở thành điểm hút khách du lịch từ năm 1899. Động sâu 103m so với mực nước biển. Để vào được hệ thống hang động chính, du khách phải đi theo một hang nhỏ có đường kính khoảng 35m, sâu 75m. Sau đó một chiếc thuyền nhỏ sẽ đưa họ đến “Rain Lake” – “Hồ Mưa” - nơi có những thạch nhũ khổng lồ tuyệt đẹp và “Grand Dome” – động khoáng sản với trần cao đến 94m.
5. Động Postojna – Slovenia
Nằm sâu bên dưới lòng đất, dưới mực nước biển 115m, động Postojna là hang động lớn thứ hai của Slovenia, trải dài khoảng 21km. Tuy nhiên, với hệ thống nhũ đá và măng đá độc đáo, Postojna là hang động ấn tượng nhất, nguy hiểm nhất đối với bất cứ du khách nào.
Hang động này được hình thành từ dòng chảy của sông Pivka gần 200 triệu năm trước. Nó được coi là ngôi nhà chung của hơn 100 loài động thực vật phong phú nơi đây. Trong Thế chiến II, quân Đức đã sử dụng hang động này làm kho chứa nhiên liệu và vũ khí. Tuy nhiên quân kháng chiến Slovenia đã phát hiện ra và phá huỷ vào tháng 4/1944.
4. Hang Sơn Đoòng - Việt Nam
Bên trong hang Sơn Đoòng, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam. Ảnh: Telegraph. |
Nằm ở độ sâu 150m bên dưới mực nước biển, hang Sơn Đoòng thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng của Việt Nam được coi là hang động lớn nhất thế giới, có thể chứa vừa một chiếc Boeing 747.
Những người thám hiểm hang động này đã khám phá khu rừng bên dưới mặt đất với những hoá thạch san hô cũ có niên đại khoảng 350 triệu năm trước. Hang động được phát hiện vào năm 1991 bởi Hồ Khanh - người dân bản địa. Đến năm 2013, hang động mới được mở cửa cho du khách tham quan, khám phá.
3. Động Crystals – Mexico
Động Crystals (còn được gọi là Cuevade los Cristales) thuộc miền Bắc Mexico, nằm dưới mực nước biển 298,7m. Được phát hiện vào năm 2000, động Crystals sở hữu những tinh thể pha lê có chiều dài lên đến 10m, nằm sâu giữa các bức tường đá của thành động.
Động thuộc sở hữu của tư nhân do đó du khách không thể vào tham quan được. Cũng do nhiệt độ khu vực này đo được là 50 độ C và độ ẩm lên đến 100% nên tốt nhất bạn chỉ nên chiêm ngưỡng hang động này từ xa.
2. Động Ellison – Georgia, Mỹ
Hang động Ellison đâm sâu 324m vào lòng đất theo phương thẳng đứng, mở rộng đến 19,3km là một trong những hệ thống hang động rộng lớn nhất ở Mỹ với hai hố lớn ấn tượng.
Hố Fantastic nằm ở độ sâu 179m so với mực nước biển. Độ lớn này được so sánh là gấp đôi chiều cao của bức tượng Nữ thần Tự do. Hố còn lại có tên gọi Incredible, nằm ở độ sâu 134m. Cả hai hố đều khá lớn nên các nhà thám hiểm có thể ra vào hố mà hầu như không gặp phải trở ngại nào.
1. Động Krubera – Abkhazia
Với độ sâu khoảng 2,2km trong lòng đất, hang động Krubera được coi là hang động sâu nhất thế giới. Hang nằm trong núi Arabika Massif, thuộc phía Tây dãy Caucasus, Abkhazia (Abkhazia là khu tự trị nằm ở phía tây bắc của Georgia, bên bờ biển Đen).
Động Krubera trải dài gần 3km dưới bề mặt của Trái đất. Vào năm 2012, người ta đã phát hành một bản đồ địa hình của hang động với những chi tiết đánh dấu các vị trí dựng trại nghỉ chân hay các tuyến đường vòng trong hang dành riêng cho những nhà thám hiểm và những người thích phiêu lưu.
Mikun/Telegraph