Từ ngày 3/3 – 7/3, triển lãm “Duyên dáng Việt – Nhật” đã diễn ra tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền (Hà Nội) và thu hút sự quan tâm của đông đảo người xem.
Triển lãm hội tụ những tác phẩm đặc sắc được làm từ vải Nhật chính hãng, trong đó tâm điểm là hai bức tranh vải độc đáo của nghệ sĩ Noriko Yasui. Đây là hai bức tranh khổ lớn được ghép từ những mảnh vải khác nhau, là sự kết hợp hoàn hảo giữa vải kimono và vải lụa, vải tơ sống Việt Nam.
Bức tranh đầu tiên mang tên “Hòa quyện” được lấy cảm hứng từ thiên nhiên với sự yêu thích đặc biệt dành riêng cho các loại vải Việt Nam. Noriko Yasui đã sử dụng vải lụa tơ tằm của làng lụa Hải Dương, vải taffta, vải tơ sống Việt cho tác phẩm này. Trong khi đó, “Giấc mơ chưa hoàn thành” là bức tranh ghép vải với sự hồi tưởng về thời thanh xuân và tình yêu đầu thuần khiết của chính tác giả cách đây hơn nửa thế kỷ. Vải lụa màu đỏ của Việt Nam chính là chất liệu được Noriko Yasui lựa chọn trong bức tranh về tình yêu.
Tác phẩm "Hòa quện" |
Tác phẩm "Giấc mơ chưa hoàn thành" |
Ngoài 2 tác phẩm đặc biệt trên, “Duyên dáng Việt – Nhật” còn giới thiệu nhiều bộ sưu tập vải Nhật chính hãng với những họa tiết đặc trưng của xứ sở hoa anh đào như: ngàn cánh hạc, muôn sắc hoa, hoa trà Camellia, hoa hồng... Trong khuôn khổ triển lãm, người xem cũng được thưởng thức sự kết hợp của văn hóa truyền thống Việt và nét đẹp của vải Nhật thông qua bộ sưu tập áo dài do May No Hashi kết hợp cùng nhà thiết kế Sĩ Hoàng và nghệ nhân Vương Đình Hải thực hiện.
Bà Lê Thu Hiền – Giám đốc May No Hashi cho biết: “Nếu như người Nhật tự hào với kimono thì người Việt có niềm tự hào là áo dài. Áo dài Việt đã trải qua nhiều lần cách tân, nhưng sự cách tân nhiều nhất không đến từ kiểu dáng mà là chất lượng. Việc lựa chọn vải Nhật chính là tuyên ngôn đưa chất liệu làm ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Bộ áo dài lúc đó vừa có giá trị thẩm mỹ lại vừa mang giá trị tinh thần, là sự hòa hợp giữa những gì tinh túy của cả văn hóa Việt Nam và Nhật Bản”. Theo bà Hiền, không chỉ sử dụng được lâu dài qua các thế hệ mà về mặt ý nghĩa, những chiếc áo dài còn kể câu chuyện giữa những người phụ nữ trong gia đình như chuyện giữa mẹ và con gái, giữa chị và em gái.
Kiên trì với định hướng tiếp cận khách hàng thông qua việc quảng bá văn hóa truyền thống, thời gian tới May No Hashi sẽ tổ chức thêm các triển lãm tranh hoặc kết hợp với một số NTK để cho ra đời những bộ sưu tập đầm và áo cưới Việt trên chất liệu vải Nhật. Giai đoạn đầu, công ty dự định nhập vải lụa từ Nhật sang, sau đó sẽ có những sản phẩm mix giữa 2 loại vải lụa của Nhật - Việt để xuất ngược lại thị trường Nhật Bản.
“Chúng tôi rất tự hào về sản phẩm lụa của người Việt, nhưng trong giai đoạn giao thoa văn hóa – kinh tế cũng muốn tìm một sản phẩm có thể kết hợp được tinh hoa của 2 nền văn hóa. Tôi nghĩ những sản phẩm này sẽ được ủng hộ tại thị trường Nhật ủng hộ vì lụa của chúng ta chất lượng tốt và có giá thành rẻ hơn, ngoài ra tình hữu nghị Việt - Nhật đang ở giai đoạn tốt đẹp và người Nhật cũng có cảm tình với người Việt.” – Bà Hiền thành thật chia sẻ.
Hà Anh