Dưới đây là hướng dẫn chi tiết dành cho bạn để đến ngã ba Đông Dương dịp Tết này:
Di chuyển
Có nhiều đường và phương tiện để đến với xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, tùy theo địa điểm bạn xuất phát. Nếu từ phía Bắc, có thể đáp máy bay đến Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và tiếp tục tìm xe khách để đến Ngọc Hồi. Hoặc xe khách chạy từ TP HCM, hay các tỉnh ở dọc quốc lộ 1A như Quảng Bình, Quảng Ngãi… đến Kon Tum cũng rất nhiều, hãy tính cung đường hợp lý nhất tùy nơi bạn đứng.
Nếu có thời gian, bạn có thể chọn hành trình khám phá cả vùng đất Tây Nguyên, đó là chạy xe máy từ Nha Trang, qua con đèo Phượng Hoàng là bắt đầu địa phận Đắk Lắk và từ đó rong ruổi qua những vùng đất đỏ nắng gió.
Lưu trú
Để thuận tiện cho việc tham quan, bạn nên thuê phòng tại TP Kon Tum, trên các đường Phan Đình Phùng, Trường Chinh, Duy Tân, Nguyễn Trãi... Giá một phòng tiện nghi từ 200.000 đến 300.000 đồng.
Chạm đến ngã ba Đông Dương
Cột mốc biên giới ghi danh cả ba quốc gia Đông Dương. Ảnh: Má Lúm. |
Sau khi tham quan cửa khẩu quốc tế Bờ Y, bạn hãy hỏi đường đến cột mốc ranh giới ba nước - “ngã ba” tam biên chính xác nhất. Sau khi xuất trình giấy tờ xin phép biên phòng, bạn sẽ theo con đường hơn 10 km vòng vèo quanh mấy ngọn đồi. Theo chỉ dẫn, hãy leo những bậc thang để chạm đến hình tượng thiêng liêng của vùng biên giới đất nước. Cột mốc làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi có độ cao 1.086 m so với mực nước biển, là một trong hai cột mốc biên giới ghi danh ba quốc gia của nước ta. Có hình trụ tam giác, mỗi mặt quay về hướng quốc gia đó có tên nước và quốc huy trang trọng.
Các điểm tham quan lân cận
Ngoài điểm mốc ngã ba Đông Dương, bạn có thể ghé thăm các điểm đến lịch sử, danh thắng nổi tiếng của tỉnh Kon Tum.
Tòa giám mục Kon Tum với khuôn viên xanh mát và lãng mạn, có căn nhà truyền thống được coi như một bảo tàng nhỏ về vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc bản địa đang sinh sống trên địa bàn.
Nhà thờ gỗ hơn 100 tuổi là công trình thể hiện được sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc phương Tây với lối kiến trúc dân tộc bản địa truyền thống. Khu hoa viên của nhà thờ có nhà rông mái cao, các bức tượng tạc từ rễ cây làm không gian mang đậm màu sắc đại ngàn.
Nhà thờ chính tòa Kon Tum có kiến trúc độc đáo. Ảnh: Má Lúm |
Cầu treo KonKlor nối liền hai bờ của dòng Đăkbla, xung quanh là làng mạc yên bình.
Nhà rông Kon Klor, được coi là nhà rông lớn nhất Kon Tum. Nơi đây vốn là nơi sinh hoạt cộng đồng, từ lâu đã trở thành biểu tượng của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở Tây Nguyên.
Kiến trúc nhà rông mang nét văn hóa độc đáo Tây Nguyên. Ảnh: Hachi8 |
Bảo tàng văn hóa Kon Tum nằm trên cửa ngõ vào thành phố Kon Tum, nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý giá cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Khu du lịch sinh thái Măng Đen - Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên, nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mặt nước biển, nơi đây có khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiều hồ thác, suối đá và cảnh quan hấp dẫn.
Ẩm thực
Gỏi lá Kon Tum là món ăn độc đáo gồm hơn 40 loại lá rừng, thịt heo luộc thái mỏng, tôm và loại nước chấm làm từ gạo nếp lên men, hành khô, mẻ, sa tế. Cách ăn món này "đúng chuẩn" là lấy lá cải hoặc lá mơ đặt ngoài, bên trong thêm lá chua và các loại lá khác tùy sở thích người ăn rồi cuốn lại thành phễu nhỏ, bỏ thịt, tôm vào trong.
Cá chua, món ăn của người Jẻ -Triêng, được làm từ cá niệng (một loài cá hơi giống cá trôi, sống ở vùng sông suối Tây Nguyên), được muối chua cùng nhiều nguyên liệu đặc biệt của núi rừng.
Xôi măng được nấu từ gạo nếp thơm và măng tươi lấy từ rừng. Cái giòn của măng quyện cùng vị dẻo của xôi khiến món này được lòng nhiều du khách.
Bò nướng ống tre, được nướng từ thịt bò tơ ướp gia vị đặc biệt, khi nướng trong ống tre tươi, có hương vị ngọt mềm, ăn cùng các loại rừng.
Các cung đường gợi ý:
TP HCM - Nha Trang - Buôn Hồ (Đắk Lắk) - Pleiku - Kon Tum - Bờ Y (ngã ba Đông Dương) - Măng Đen - Buôn Ma Thuột - Nha Trang.
Hà Nội - Buôn Ma Thuột - Kon Tum - Bờ Y - Quảng Ngãi - đảo Lý Sơn.
Theo VnExpress