Ở vùng đất Irian Jaya thuộc Papua New Guinea, bộ tộc Yali (Yalis) sinh sống trên những dãy núi cheo leo, có độ cao trên 2.500 - 4.000m so với mặt nước biển. Yali được mệnh danh là bộ tộc ăn thịt người đáng sợ nhất phía Tây đảo New Guinea.
Người Yali có cách sống tương tự như các bộ tộc Dani, Lani ở Papua New Guinea nhưng điểm đặc biệt nhất để phân biệt họ với những người khác chính là hình dáng bên ngoài thấp bé, với chiều cao trung bình không quá 1,5m.
Người Yali sinh sống thành từng nhóm nhỏ và không qua lại với nhau, kết quả là ở mỗi nhóm Yali lại có sự phát triển ngôn ngữ khác nhau. Họ sống trong những túp lều bằng gỗ với mái nhà làm bằng vỏ cây hoặc lá cọ.
Công cụ lao động của người Yali không thay đổi nhiều kể từ thời đồ đá - rìu đá với cung và mũi tên được chạm khắc tỉ mỉ. Người Yali ít chịu ảnh hưởng từ thế giới bên ngoài, họ sống khép kín trong khu rừng Irian Jaya hoang vu, sâu thẳm.
Trang phục của người Yali hết sức độc đáo. Ở cổ người đàn ông thường đeo một chiếc vòng có miếng ốc lớn được mài cẩn thận và có giá trị, tai phải xiên một khúc cây rừng to bằng ngón tay cái.
Đàn ông ở trần và mặc một chiếc váy truyền thống được tạo thành từ những vòng mây rừng, đeo từ ngực xuống đầu gối theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, cuốn quanh cơ thể.
Ngoài việc mặc chiếc váy, giống như người Lani, họ còn có thêm một dụng cụ bảo vệ dương vật là koteka - được làm từ quả bầu. Người Yali cho rằng, ngoài tác dụng che thân, những chiếc váy làm từ mây rừng còn là chiếc áo giáp chắc chắn để tự vệ mỗi khi tham gia vào các trận chiến chống kẻ thù. Chúng sẽ giúp ngăn được những mũi giáo và cung tên gây sát thương.
Đối với phụ nữ Yali, họ thường ở trần và mặc những chiếc váy ngắn, nhỏ. Chúng được làm từ cỏ ở khu vực núi cao, dẻo dai và to bản, quấn quanh phần dưới cơ thể, bên cạnh hông là một túi dệt bằng những sợi phong lan.
Chiếc váy của phụ nữ Yali bao gồm 4 lớp, khi những bé gái 4 tuổi, chúng sẽ được mặc chiếc váy chỉ có 1 lớp cỏ. Cứ sau 4 năm, họ sẽ được mặc chiếc váy có thêm một lớp cỏ mới. Cứ như vậy cho đến khi được mặc chiếc váy đủ 4 lớp cỏ, họ sẽ được công nhận là những cô gái trưởng thành và đủ tuổi kết hôn.
Trong phong tục cưới xin của người Yali, khi có một trai chàng trai muốn cưới một cô gái, anh ta sẽ mang cây thuốc lá còn tươi đến cho gia đình cô gái.
Khi ấy họ sẽ hiểu rằng, chàng trai cần một người để hong khô lá thuốc lá và nếu chấp nhận, họ sẽ giữ lại cây thuốc lá, chờ khi cô gái lớn lên sẽ gả cho chàng trai kia.
Người Yali tuy nhỏ bé nhất trong các bộ tộc ở thung lũng Baliem nhưng rất kiên cường trong chiến đấu. Họ không hề có khái niệm thua cuộc mỗi khi ra trận. Khi có chiến tranh xảy ra giữa các bộ tộc, chiến binh Yali chia ra thành ba lớp trong một đội quân.
Lớp đầu tiên là những người nhỏ và gan dạ nhất. Những người to nhất và sẵn sàng hy sinh chiến đấu đến cùng ở lớp thứ ba. Lối đánh lăn xả và gan dạ của những chiến binh Yali khiến những bộ tộc khác quanh đảo New Guinea phải kính nể.
Cũng giống như các bộ tộc hùng mạnh Samo, Dani… quanh đảo Papua New Guinea, Yali cũng từng là một bộ tộc hiếu chiến và có tục săn đầu người, ăn thịt kẻ thù.
Từ xa xưa, khi chiến đấu và tiêu diệt được kẻ thù, người Yali không chỉ dừng lại ở việc ăn thịt người mà còn xay xương kẻ thù rải khắp thung lũng. Việc này khiến tất cả các bộ tộc ở Irian Jaya đều tỏ ra nể sợ người Yali.
Mãi đến năm 1970, tập tục man rợ này mới được từ bỏ do sức ép từ sự phản đối của các bộ tộc khác và chính quyền nghiêm cấm.
Theo MASK Online