Không giống như những làng nghề truyền thống ngày càng bị thương mại hóa, làng thổ cẩm Lùng Tám (Hà Giang) hoang sơ nhưng giàu giá trị văn hoá lại đem đến một cái nhìn khác, đầy trân trọng và yêu thương.
Lùng Tám bình yên và xinh đẹp dưới chân núi Quản Bạ |
Lùng Tám (Thôn Đầu Cầu 2, xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ) là một trong số ít làng nghề dệt lanh thổ cẩm còn sót lại ở Hà Giang và hiện đang làm rất tốt công việc bảo tồn một làng nghề truyền thống từng đứng bên bờ xóa sổ này. Mặc dù là làng dệt lanh bài bản và thu hút khách du lịch nhất hiện nay tại Hà Giang nhưng Lùng Tám vẫn giữ được vẻ thuần khiết, hoang sơ của mình.
Đến Lùng Tám, bạn rất dễ bắt gặp hình ảnh người phụ nữ tướt vỏ lanh trong lúc rảnh rỗi |
Vỏ lanh sau khi bóc sẽ được nối lại thành sợi dài và đem giã trong cối cho sợi lanh được dai, không bị đứt khi đun |
Có chứng kiến tận mắt mới thấy dệt được một tấm thổ cẩm rất công phu. Theo Sùng Thị Dính, một người dệt thổ cẩm ở Lùng Tám, quá trình từ sợi lanh cho đến lúc thành phẩm trải qua hết thảy là 42 giai đoạn. Cây lanh sau khi thu hoạch sẽ được người Mông cắt đem về phơi khô, sau đó tách vỏ lấy sợi. Những bó vỏ lanh này được cuộn chặt lại rồi cho vào cối giã đánh bong hết bột chỉ, còn trơ lại sợi dai, rồi cuộn lại thành những con sợi lớn.
Se sợi đòi hỏi kỹ thuật nhịp nhàng, khéo léo kết hợp giữa chân và tay rất nhuần nhuyễn |
Lồng sợi vào khung cửi trước khi bắt đầu công đoạn dệt |
Qua vài lần luộc nước tro bếp và một lần luộc nước sáp ong, sợi lanh đã trắng và mềm hơn. Đó là lúc những phụ nữ người Mông bắt đầu ngồi vào khung dệt của mình. Người Mông thường dệt bằng khung cửi đai lưng. Tấm vải được dệt xong còn phải giặt đi giặt lại nhiều lần cho thật trắng, sau đó trải lên khúc gỗ tròn, rồi dùng một phiến đá chà sáp ong trượt đi, trượt lại cho đến khi thật phẳng.
Không chỉ tỉ mỉ, khéo léo, người phụ nữ Mông còn phải thật khoẻ mạnh để thực hiện thao tác dệt |
Phụ nữ Mông không chỉ giỏi dệt mà kỹ thuật nhuộm của họ cũng độc đáo khó có nơi nào sánh bằng. Vải sau khi dệt và chà mịn nhẵn thì được ngâm trong dung dịch chàm chừng một giờ đồng hồ sau đó vớt ra để ráo rồi lại ngâm tiếp, lặp đi lặp lại như thế khoảng năm, sáu lần. Công đoạn kế tiếp là đem đi phơi rồi lại nhuộm lại, cứ như thế thêm chục lần nữa mới xong.
Ngoài váy áo, Lùng Tám còn có những sản phẩm đầy tính ứng dụng với họa tiết độc đáo và màu phối bắt mắt |
Chính vì được nhuộm kỹ như vậy mà màu chàm của người Mông rất bền và bắt mắt. Và mặc dù dệt nên một tấm vải mất rất nhiều công sức, nhưng những chàng trai, cô gái ở Lùng Tám vẫn hàng ngày tỉ mẩn để bảo vệ cho một nét văn hóa độc đáo mà tổ tiên bao đời để lại.
Ngày nay, không chỉ dệt lanh làm váy áo mặc, các chị em người Mông còn sáng tạo ra nhiều loại sản phẩm khá “thức thời” khác như túi đựng ipad, giỏ xách, vỏ gối, khăn trải bàn… Lên Hà Giang, nếu chưa ghé thăm làng dệt thổ cẩm là bạn đã bỏ qua một địa điểm tham quan độc đáo chỉ có ở miền cao.
Hình ảnh người phụ nữ tỉ mỉ thêu thùa như thế này rất dễ tìm thấy ở mọi gia đình ở Lùng Tám |
Theo PNO