Không giống với tam giác mạch được bà con dân tộc trồng trên những thửa ruộng sau vụ lúa tháng chín để làm lương thực, loài hoa cúc màu da cam rực rỡ, mỗi độ thu sang lại không nề hà nở hoa trên những phiến đá tai mèo. Hoa chen cùng những thân ngô, vươn mình đón ánh nắng mặt trời. Hoa tô điểm cho con đường ngoằn ngoèo xuyên núi xuyên rừng, làm nao lòng kẻ qua đường. Những vạt hoa như nụ cười của cô gái Mông trong ngày mùa rộn rã, uyển chuyển theo những cơn gió đầu đông.
Loài hoa cứng cỏi, màu sắc hoa cho dù đã tàn vẫn giữ nguyên sắc cam ửng đỏ, cành hoa dẫu được hái đem về cũng không bị dập nát, như chính những con người tần tảo một nắng hai sương của miền đất nhiều khó khăn này. Giữa cái nắng hanh hao cuối thu, cúc dại nở nụ cười rạng rỡ nhất, trước khi đông sang, gió lạnh kéo về.
Trên con đường ngoằn ngoèo núi và núi của mảnh đất cùng cốc Hà Giang, người lữ hành có thể bắt gặp những vạt hoa cúc dại rực rỡ ở khắp nơi. Có khi chỉ là một bụi hoa nhỏ chênh vênh bên bờ đá nhìn xuống dòng Nho Quế biếc xanh. Có lúc là vài bông hoa thấm đẫm sương đêm trên hàng rào đá của một ngôi nhà nào đó. Có khi là vài khóm hoa nghiêng mình trong cơn gió lạnh. Có khi là vạt hoa nở sát bên những ruộng hoa tam giác mạch tím hồng.
Và có khi bạn sẽ bắt gặp cả thảm hoa cúc dại nở rộ bên những triền núi hay ngật ngưỡng sau lưng ngựa cùng một đôi vợ chồng người Mông về bản. Trong ánh nắng ấm áp cùng làn gió se lạnh, giữa bầu trời xanh lồng lộng và những dãy núi đá tai mèo đen nhóng nhánh, sừng sững giữa trời, hoa cúc dại khiến cảnh sắc Hà Giang đẹp đến nao lòng, khiến kẻ đi đường không thể không dừng lại một chút, thả hồn mình với hoa.
Theo Maskonline