Tết miền Bắc nhớ hoa đào
Ảnh: Cao Anh Tuấn |
Từ ngày 23 Tết, người Việt đã bắt đầu tìm mua đào ở các nhà vườn hoặc chợ hoa xuân. Dường như hoa đào đã trở thành nét văn hóa cổ truyền và thường được các gia đình Việt bày ở những nơi trang trọng nhất để đón chào năm mới.Hoa đào là món quà đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho mùa xuân miền Bắc. Được ví như “sứ giả” của mùa xuân, sắc hồng tươi tắn của hoa đào tượng trưng cho sự khởi đầu may mắn, ước vọng hạnh phúc, niềm vui và sự yên ấm.
Không chỉ mang tới sắc khí của mùa xuân, người Việt tin rằng hoa đào còn có sức mạnh xua đuổi ma quỷ. Theo truyền thuyết, có hai vị thần Trà và thần Uất Lũy cư ngụ trên cây đào già ở núi Độ Sóc. Họ giữ trọng trách che chở cho dân chúng khắp vùng khỏi sự quấy phá của bầy quỷ dữ. Ma quỷ rất khiếp sợ uy vũ của hai vị thần đến nỗi sợ luôn cả cây đào. Dịp Tết, các thần lên chầu trời, lũ quỷ thường lợi dụng thời điểm này để quấy nhiễu dân chúng. Bởi vậy, khi tết đến, người Việt thường đặt một cây đào hoặc cành đào trong nhà để không cho ma quỷ bén mảng đến nữa.
Ảnh: Cao Anh Tuấn |
Dù không biết có từ bao giờ, nhưng tục “chơi đào” vẫn được duy trì và tiếp nối cho đến ngày nay. Từ thú vui, dưới con mắt của những người sành sỏi, “chơi đào” dần trở thành nghệ thuật “thưởng đào”. Và người Hà Nội có lẽ là những người “thưởng đào” tinh tế nhất.
Bích đào – “Hồn xuân” Hà Nội
Ảnh: Cao Anh Tuấn |
Người Hà Nội là những nghệ sĩ yêu cỏ cây, hoa lá, si mê và cuồng say đến độ thờ phụng nó. Chẳng thế mà một thời, Hà Nội nổi tiếng với những làng hoa như Ngọc Hà, Nghi Tàm, Tây Tựu, Quảng Bá, Nhật Tân... Trong đó, đào Nhật Tân đã trở thành thương hiệu và tinh hoa văn hóa của đất kinh kỳ.
Làng đào Nhật Tân có bề dày lịch sử 500 năm có lẻ. Đây cũng chính là mảnh đất “sản sinh” ra giống đào bích đặc trưng của Hà Nội.
Ảnh: Cao Anh Tuấn |
Trong ngày Tết cổ truyền, trên bàn thờ gia tiên của người Hà Nội thường không thể thiếu một cành đào bích. Đào bích có cành tròn giống chiếc ô đặt ngược, hoa đỏ thắm, rải đều trên khắp các cành chi, cành tăm. Hoa chen nụ, nụ đỡ hoa như một tình yêu nồng nàn, chan chứa.
Thú “chơi đào” thanh tao của người Hà Nội có thể nói là đơn giản, cũng có thể nói là cầu kỳ. Đơn giản vì người ta dễ dàng đến chợ hoa và nhanh chóng chọn một cành đào thuận mắt. Cầu kỳ là ở sự tỉ mẩn chọn lựa đến mức người ta phải dành ra hàng tuần, thậm chí hàng tháng mới tìm được một cành đào “tứ quý” ưng ý với đầy đủ nụ, lộc, hoa và dáng.
Người “sành” chơi thường chọn những cây đào cổ, thân xù xì, mốc meo, nhưng đó lại là những cây cho hoa đẹp nhất. Đào bích cổ mang sức sống mãnh liệt từ khi hé nụ. Hoa nảy ra từ những gốc cây già cỗi như sự kết tinh từ bể dâu của đời người. Vì thế, đào bích mang dáng dấp và hơi thở của Hà Nội.
Có nghệ nhân từng nhận xét rằng, cách “chơi đào” của người Hà Nội xứng đáng được gọi là "hoa đạo". Phải chăng, chính sự cầu kỳ, độc đáo trong thú chơi này đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách quốc tế.
Hoàng Minh