Đi tìm nguyên nhân máy bay mất tích
Đến giờ phút này, danh sách hành khách được xác nhận có 161 người, trong đó có 149 người Indonesia, 3 người Hàn Quốc, 1 người Singapore, 1 Malaysia và 1 người Anh. Theo tờ The Guardian, 1 người đàn ông khác đã hủy bay vào 2 tuần trước đó và may mắn thoát khỏi vụ máy bay mất tích này.
Hãng hàng không AirAsia cho biết, trước khi mất liên lạc, phi cơ đã xin bay theo một đường bay khác vì thời tiết xấu trước. Máy bay đang bay ở độ cao hơn 9.700 m và xin được bay lên độ cao gần 11.600 m để tránh mây.
Radar ghi nhận vị trí cuối cùng của máy bay QZ8501 trước khi mất tích |
Thế nhưng, thời tiết xấu có phải nguyên nhân chính gây ra vụ máy bay mất tích? Có nhiều giả thuyết đã được đưa ra để lý giải những bí ẩn xung quanh vụ mất tích của máy bay mang số hiệu QZ8501.
Theo Derek Van Dam - nhà khí tượng học của CNN, thì thời điểm máy bay số hiệu QZ8501 bị mất liên lạc hoàn toàn là lúc mây mù và thời tiết xấu xuất hiện dày đặc tại khu vực giữa vùng biển Java.” Tuy nhiên, sự nhiễu loạn của thời tiết không hẳn là lý do khiến máy bay gặp nạn”.
Chiều ngày 28/12, nhiều thân nhân của hành khách trên chuyến bay QZ8501 cho biết thời tiết không có gì bất thường khi họ bay từ Surabaya đến đây. “Trời có mây nhưng máy bay không bị chậm giờ cất cánh”.
Chỉ vài giờ sau khi chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 mất tích, các chuyên gia hàng không đã so sánh sự việc này với những bí ẩn trong vụ máy bay MH370 cách đây không lâu.
Nhà phân tích hàng không Mary Schiavo (thuộc CNN, cựu tổng thanh tra của Sở Giao thông Vận tải Mỹ) đặt câu hỏi liệu thời tiết có phải là yếu tố khiến máy bay của hãng hàng không AirAsia mất liên lạc?.
Chuyên gia hàng không Peter Stuart Smith cho biết, bản thân ông đặt ra câu hỏi nếu QZ8501 mất tích do thời tiết xấu tại sao không liên lạc với kiểm soát không lưu. Còn ông Peter Foley - Giám đốc Chương trình Tìm kiếm MH370 có trụ sở tại Canberra cho hay: “Rõ ràng ưu tiên hàng đầu của các phi công là điều khiển máy bay nhưng việc chuyển một tin nhắn để kiểm soát không lưu biết những gì đang diễn ra chỉ cần một nút trên hệ thống điều khiển hoặc là nói”.
Ông Foley cũng cho biết, thời tiết khắc nghiệt là đặc điểm phổ biến ở Indonesia giai đoạn này. Tuy nhiên, chưa bao giờ nghe chuyện 1 máy bay hiện đại bị rơi xuống do nhiễu loạn độ cao.
Ông Djoko Murjatmodjo, một quan chức Bộ Giao thông Indonesia khẳng định chiếc máy bay Airbus mất tích đã được kiểm tra kỹ càng trước khi cất cánh và vận hành rất tốt. “Tuy nhiên thời tiết ở khu vực máy bay mất tích không tốt” - ông Djoko nhấn mạnh.
Khẩn trương thực hiện công tác tìm kiếm cứu hộ
Thông báo về sự mất tích của máy bay và công tác tìm kiếm đã được thực hiện ngay sau đó. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, hãng hàng không AirAsia chưa có một tuyên bố chính thức nào về vị trí máy bay rơi và số phận của những người trên chuyến bay.
Đã có thông tin cho rằng máy bay bị rơi ở ngoài khơi bờ biển phía đông Belitung Timur nhưng chưa được xác nhận chính thức.
Hiện tại, công tác cứu hộ đang được thực hiện khẩn trương hiện dưới sự hướng dẫn và giám sát của Trung tâm Hàng không Indonesia (CAA). Không quân Indonesia đã điều 1 máy bay đến gần đảo Belitung, cơ quan Tìm kiếm Cứu hộ Quốc gia cũng điều 6 tàu và 2 trực thăng ra khu vực này.
Tổng giám đốc điều hành và là nhà sáng lập AirAsia – ông Tony Fernandes đang trên đường tới Surabaya của Indonesia. Còn Bộ trưởng Bộ Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai cho biết, nước này đã lập 1 trung tâm điều phối cứu nạn ở Subang.
Singapore tuyên bố sẵn sàng triển khai không quân và hải quân để hỗ trợ.
"Chính phủ Malaysia vừa thiết lập một trung tâm điều phối cứu hộ tại Subang, Indonesia và triển khai thiết bị để giúp đỡ chiến dịch tìm kiếm cứu hộ" - Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai cho biết trên mạng xã hội Twitter.
Trong khi đó, Nhà Trắng đang theo dõi tình hình về máy bay AirAsia và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được thông báo về vụ việc.
Về phía Australia, nước này đề nghị giúp đỡ tìm kiếm QZ8501 với 1 máy bay tuần trang hàng hải AP-3C Orion được điều đến hiện trường vào sáng 29/12, tham gia hoạt động tìm kiếm do Indonesia dẫn đầu.
Hải quân Australia chuẩn bị lên đường tìm kiếm máy bay mất tích. Ảnh: Reuters |
Tính đến 6h30 ngày 29/12 (giờ Hà Nội), có 8 tàu, 2 máy bay, 3 trực thăng của các nước được triển khai đến khu vực máy bay AirAsia mất tích sáng 28/12.
22h đếm 28/12, Phó tổng thống Indonesia Jusuf Kalla cho biết nhiều khả năng máy bay gặp "tai nạn".
"Sau hơn 10 giờ tìm kiếm, cho đến nay có khả năng lớn đã có một vụ tai nạn xảy ra (với máy bay)", ông Kalla nói với báo giới tại Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia ở Jakarta.
Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ
Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho hay: Việt Nam sẽ sẵn sàng huy động tất cả lực lượng nếu máy Airbus A320 mang số hiệu QZ8501 của AirAsia mất tích trên không phận Việt Nam.
Tướng Tuấn cũng cho biết, hiện nay, chưa thể khẳng định máy bay mất tích ở vị trí nào. Tuy nhiên, lực lượng quân đội trên tinh thần sẵn sàng tác chiến, sẽ vào cuộc tìm kiếm nếu như nhận được tín hiệu máy bay rơi trong vùng FIR do chúng ta quản lý.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, chiếc máy bay mất tích của hãng Air Asia chưa bay vào vùng FIR Việt Nam.
Việt Nam chưa nhận được yêu cầu hỗ trợ nào từ phía Cơ quan quản lý hàng không dân dụng Indonesia và Singapore. Tuy nhiên, hàng không Việt Nam sẽ sẵn sàng hỗ trợ bất cứ khi nào có yêu cầu.
Lực lượng và kinh nghiệm của không quân Việt Nam trong việc hỗ trợ tìm kiếm máy bay MH370 trước đó đã được quốc tế đánh giá cao và lần này chắc chắn chúng ta sẽ không đứng ngoài cuộc nếu máy bay rơi trong vùng FIR do Việt Nam quản lý.
Minh Đức