Ánh nắng chiều lọt qua những tầng mây, nhuộm con đê làng bởi màu vàng ấm áp. Trong ánh chiều tà báo hiệu một ngày sắp kết thúc, thời gian như thong thả hơn để làm dịu bớt cái cực nhọc, vất vả của nhà nông cả ngày “bán mặt” bên ruộng đồng.
Với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở làng quê, hình ảnh con đê đã trở nên thân thuộc suốt thời thơ ấu. Từ tấm bé, trẻ nông thôn đã được mẹ bế ra triền đê hóng gió. Lớn thêm chút xíu, mẹ lại đỡ từng bước chân nhỏ bé trên con đê lốm đốm bóng cây.
Tháng năm trôi qua, dấu chân con trẻ in trên đê ngày một nhiều. Người mẹ ngày một già đi, chỉ có con đê vẫn gần như nguyên vẹn: sừng sững giữa đất trời, trải dài, uốn lượn bao quanh xóm làng. Có khác chỉ là ở vạt cỏ bên triền đê đến mùa lại thay lá, ngả màu.
Còn nhớ những chiều quê gió lộng, bên triền đê có hàng lau nghiêng mình đung đưa, mẹ đạp xe về nhà khi nắng gần như tắt hẳn.
Trong ánh nắng chiều dìu dịu, có những cô, những bác tranh thủ làm nốt phần việc trong ngày.
Họ gánh những gánh lúa trĩu nặng về nhà, như gánh cả trời chiều trên vai.
Con đê làng cũng in hằn vết chân mẹ tất tả về nhà.
Chiều buông vạt nắng, có người xong việc sớm thảnh thơi ngồi trên triền đê nghỉ ngơi, tâm sự, hay chỉ đơn giản ngồi hóng gió, để những giọt mồ hôi nóng bức, muộn phiền được gió cuốn đi.
Cũng có những bước chân mới bắt đầu về nhà khi mặt trời dần khuất bóng. Theo sau là chú trâu hiền lành – người bạn thân thiết của nhà nông.
Chiều ở làng quê Việt có những giây phút thanh bình, êm đềm và đẹp tuyệt vời.
Con đê dẫn đến những làng quê hiền hòa sẽ khiến mỗi người nhớ về tuổi thơ, về những chiều chăn trâu, cắt cỏ. Khi trâu, bò được lùa lên đê gặm cỏ, bầy trẻ con sẽ tụ lại một chỗ tha hồ vui chơi. Lúc hoàng hôn dần buông xuống cũng là khi lũ trẻ lại lùa trâu bò về làng.
Tuổi thơ trên chiều đê là những khi các mẹ dắt trâu về nhà, còn những cậu bé mục đồng tranh thủ từng ngọn gió để thả diều.
Cũng có những khi cha nhàn việc, dành cả buổi chiều dạy con thả diều và chơi cùng con.
Triền đê quê hương là nơi lưu giữ nhiều kỉ niệm ấm áp về tình thân, về sự chở che, bao bọc của cha mẹ. Để khi khôn lớn, trở về thấy triền đê lấm tấm cỏ may, ta lại nhớ về tuổi thơ đến khắc khoải, da diết.
Một ngày về quê, bất chợt thấy con đê xanh mướt, niềm vui sướng vỡ òa trong tâm như gặp được người bạn tri âm đã mất liên lạc từ lâu. Không cần lời nói, chỉ bằng những thứ đang hiện hữu, đê kể ta nghe về những kỷ niệm đẹp của những năm thơ ấu. Phía xa xa, mặt sông loang loáng ánh chiều vàng...
Ánh nắng chiều lọt qua những tầng mây, nhuộm con đê làng bởi màu vàng ấm áp. Trong ánh chiều tà báo hiệu một ngày sắp kết thúc, thời gian như thong thả hơn để làm dịu bớt cái cực nhọc, vất vả của nhà nông cả ngày “bán mặt” bên ruộng đồng.
Với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở làng quê, hình ảnh con đê đã trở nên thân thuộc suốt thời thơ ấu. Từ tấm bé, trẻ nông thôn đã được mẹ bế ra triền đê hóng gió. Lớn thêm chút xíu, mẹ lại đỡ từng bước chân nhỏ bé trên con đê lốm đốm bóng cây.
Tháng năm trôi qua, dấu chân con trẻ in trên đê ngày một nhiều. Người mẹ ngày một già đi, chỉ có con đê vẫn gần như nguyên vẹn: sừng sững giữa đất trời, trải dài, uốn lượn bao quanh xóm làng. Có khác chỉ là ở vạt cỏ bên triền đê đến mùa lại thay lá, ngả màu.
Còn nhớ những chiều quê gió lộng, bên triền đê có hàng lau nghiêng mình đung đưa, mẹ đạp xe về nhà khi nắng gần như tắt hẳn.
Trong ánh nắng chiều dìu dịu, có những cô, những bác tranh thủ làm nốt phần việc trong ngày.
Họ gánh những gánh lúa trĩu nặng về nhà, như gánh cả trời chiều trên vai.
Con đê làng cũng in hằn vết chân mẹ tất tả về nhà.
Chiều buông vạt nắng, có người xong việc sớm thảnh thơi ngồi trên triền đê nghỉ ngơi, tâm sự, hay chỉ đơn giản ngồi hóng gió, để những giọt mồ hôi nóng bức, muộn phiền được gió cuốn đi.
Cũng có những bước chân mới bắt đầu về nhà khi mặt trời dần khuất bóng. Theo sau là chú trâu hiền lành – người bạn thân thiết của nhà nông.
Chiều ở làng quê Việt có những giây phút thanh bình, êm đềm và đẹp tuyệt vời.
Con đê dẫn đến những làng quê hiền hòa sẽ khiến mỗi người nhớ về tuổi thơ, về những chiều chăn trâu, cắt cỏ. Khi trâu, bò được lùa lên đê gặm cỏ, bầy trẻ con sẽ tụ lại một chỗ tha hồ vui chơi. Lúc hoàng hôn dần buông xuống cũng là khi lũ trẻ lại lùa trâu bò về làng.
Tuổi thơ trên chiều đê là những khi các mẹ dắt trâu về nhà, còn những cậu bé mục đồng tranh thủ từng ngọn gió để thả diều.
Cũng có những khi cha nhàn việc, dành cả buổi chiều dạy con thả diều và chơi cùng con.
Triền đê quê hương là nơi lưu giữ nhiều kỉ niệm ấm áp về tình thân, về sự chở che, bao bọc của cha mẹ. Để khi khôn lớn, trở về thấy triền đê lấm tấm cỏ may, ta lại nhớ về tuổi thơ đến khắc khoải, da diết.
Một ngày về quê, bất chợt thấy con đê xanh mướt, niềm vui sướng vỡ òa trong tâm như gặp được người bạn tri âm đã mất liên lạc từ lâu. Không cần lời nói, chỉ bằng những thứ đang hiện hữu, đê kể ta nghe về những kỷ niệm đẹp của những năm thơ ấu. Phía xa xa, mặt sông loang loáng ánh chiều vàng...
Minh Minh
Ảnh: Vũ Anh Dũng