Hôm nay (30/3), triển lãm ảnh mini “Vì cộng đồng” đã được tổ chức bên lề buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư với các CEO và nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ở khách sạn Hilton (Hà Nội). Đó là 12 bức ảnh khắc họa từng khoảnh khắc, ấn tượng về đất nước, con người Việt Nam. Triển lãm ảnh mini này là sự kiện khởi động chương trình triển lãm ảnh vì cộng đồng nhằm ủng hộ Quỹ học bổng vì trẻ em Việt Nam.
“Ánh mắt Mường Phăng” đầy ám ảnh mà Nguyễn Trung Quân bắt gặp trên thung lũng Mường Phăng – cứ địa cách mạng trong những năm kháng chiến chống Pháp, di tích lịch sử gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu - đã bám riết, cuốn sâu vào tâm trí tác giả cả khi về Hà Nội. Cậu bé trên lưng mẹ mặt lấm tấm bẩn, mái tóc “ruộng bậc thang” và đặc biệt là ánh mắt nhìn như xoáy vào người đàn ông “ngoại tộc” đầy tò mò. Nhưng trong một khoảnh khắc chớp qua, tác giả đã tìm thấy nét trong veo và sự thanh bình trong đáy mắt ấy. “Ánh nhìn này làm Quân liên tưởng đến hòa bình và hướng tới một tương lai tốt đẹp” – Nguyễn Trung Quân chia sẻ.
Tác phẩm “Chiều vàng Tú Lệ” ghi lại khoảnh khắc mùa vàng trên ruộng bậc thang Tây Bắc khiến nhiều người mê đắm. Tác giả Nguyễn Trung Quân chia sẻ: “Để có tấm hình này, một chiều tháng 9/2013, tôi đứng chờ nắng dần buông và phải rất may mắn mới “chớp” được vạt nắng ấy. Sau đó, tôi cũng quay lại thung lũng Tú Lệ, cũng chờ đợi, cũng góc chụp và khung cảnh đó, thậm chí trang thiết bị còn hiện đại hơn nhưng không thể tìm lại được khoảnh khắc này. Có lẽ, tôi sẽ không bao giờ gặp được vạt nắng vàng suộm như thế nữa!”.
"Nằm cách thủ đô Hà Nội hơn 150 km, Bắc Sơn là một điểm đến xinh đẹp và hết sức yên bình. Du khách chắc chắn sẽ bị hớp hồn bởi những thửa ruộng trải dài khắp thung lũng như một tấm thảm khổng lồ rực rỡ sắc màu của tự nhiên. Khi leo lên đỉnh Nà Lay và nhìn xuống thung lũng Bắc Sơn, tôi thấy mình trở nên vô cùng nhỏ bé trước thiên nhiên. Dưới chân tôi là cả một thung lũng ngập tràn ánh nắng chiều. Từng thửa ruộng đan xen giữa màu của nước, của lúa và của những tia nắng trải dài trong thung lũng tạo nên một "bức tranh thổ cẩm" đẹp đến mê hồn" - Nguyễn Anh Tuấn.
Khi hoa lê trắng muốt nở bung và vạn vật đất trời như giao hòa làm một, bà con dân tộc Thái tại Yên Châu, Sơn La lại bắt đầu một vụ mùa mới - vụ chiêm xuân. Bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến các thửa ruộng tuyệt đẹp nối tiếp nhau như nấc thang dẫn lên thiên đường. Từng đám mạ xanh non được gieo xuống mảnh đất màu mỡ, hít no khí trời để vươn lên, trổ ra những bông lúa trĩu hạt. Gieo mạ non không chỉ là gieo xuống sự sống mà còn gieo cả niềm hi vọng cho một vụ mùa bội thu.
Hà Nội những ngày mưa như khoác lên mình một tấm áo trầm lắng và huyền bí hơn. Mưa "thổi" vào những con đường, góc phố hương vị tươi mới. Mưa như người nghệ sỹ vẽ lên những bức tranh sống động và lung linh màu sắc hơn. Và mưa cũng viết câu chuyện về Hà Nội một sớm bình yên, có người phụ nữ tần tảo mang hoa về làm đẹp cho phố. "Tuấn thích chụp mưa bởi khi đó, Tuấn như được tách mình khỏi cuộc sống. Sẽ thật sự thú vị khi bạn giấu mình vào một góc nhỏ, vừa nhâm nhi café, vừa quan sát nhịp sống đầy màu sắc đang diễn ra ngoài kia... Đôi lúc hãy dừng lại ngắm nhìn để thêm yêu cuộc sống này. Vì sau những cơn mưa sẽ lại là những ngày nắng ấm..." - Cao Anh Tuấn chia sẻ.
Tết Trung thu với trẻ em vùng cao vẫn là một điều lạ lẫm. Và để những đứa trẻ miền biên ải đón cái tết thiếu nhi trọn vẹn thì còn khó khăn gấp bội phần. Tác giả Lê Việt Khánh tâm sự: "Có những em bé H’Mông 9 tuổi nhưng chưa một lần được nhìn, cầm, chạm vào chiếc đèn ông sao thực thụ cho đến khi tôi mang tặng. Số lượng có hạn mà trẻ thì đông, thế nên có bản, cả đám trẻ con phải chung nhau một cái. Những ánh mắt long lanh háo hức, miệng cười rạng rỡ và đôi bàn tay bé xíu mân mê chiếc đèn vừa là nỗi ám ảnh, vừa là niềm hạnh phúc mà tôi muốn giữ cho riêng mình. Chưa bao giờ, tôi thấy một chiếc đèn ông sao lung linh đến thế!”
Bãi rêu Nha Trang là một địa điểm khá nổi tiếng với những người yêu nhiếp ảnh. Nơi đây có bờ cát phẳng mịn, khung cảnh hoang sơ với bãi đá phủ đầy rêu xanh mướt.Bãi rêu đẹp nhất vào mùa xuân, khi loài cây thủy sinh này phát triển mạnh và phủ kín những gồ đá, trông xa giống như những viên ngọc bích khổng lồ nằm lười biếng đợi người mài giũa. Mặt trời lên, mặt nước lấp lánh như dát vàng, con sóng vuốt ve bờ đá và gió cất lên bản tình ca nhẹ nhàng, sâu lắng khiến ai đã "trót" lạc vào thì khó lòng mà "thoát" được.
Những xúc cảm khi nhìn ngắm tác phẩm "Xôn xao sóng sớm" của mình đã khiến tác giả Nguyễn Phú Đức bật thốt lên những câu thơ đầy rung động: “Bình minh đất – trời giao hòa/ Sóng xô bờ cát xôn xao lòng người/ Rộn lên tiếng nói tiếng cười/ Lẫn trong tiếng vỗ nghỉ ngơi mạn thuyền". Những ánh nắng ban mai vẽ nên những vệt dài lao xao trên bờ cát, người và biển cùng hát: rạo rực, xôn xao...
Bức ảnh “Mây nước Xuân Hương” được chụp trong một sáng cuối xuân – đầu hạ, khi cái se lạnh của mùa xuân vẫn còn và những tia nắng đầu hạ bắt đầu le lói, "vẽ" nên khung cảnh Đà Lạt đầy trong veo và mộng mơ.Tác giả Nguyễn Tô Minh tâm sự: “Tôi chỉ đơn giản muốn gửi đến mọi người phong cảnh đặc trưng của Đà Lạt mùa mây. Cảnh mây trời, sông nước Xuân Hương hòa quyện vào nhau khiến tôi choáng ngợp, lâng lâng, bồi hồi và xao xuyến như khi đang yêu vậy”.
Đây là tác phẩm "Thiếu nữ Chăm Pa" của tác giả Nguyễn Ngọc Bình chụp tại làng gốm Bàu Trúc. Có lẽ đây là làng nghề cổ truyền đặc biệt nhất nước Nam. Tại đây, những người phụ nữ Chăm Pa đóng vai trò là “thợ cả”, đàn ông chỉ phụ trợ trong việc làm gốm. Người Chăm không dùng bàn xoay, qua bàn tay trần và óc sáng tạo, mỗi sản phẩm gốm Bàu Trúc đều được thổi một linh hồn riêng, gợi nhắc về một thời vàng son của Vương quốc Chăm.
"Những đứa trẻ dân tộc Raglai đón một mùa hè thật khác so với các bạn miền xuôi cùng trang lứa. Công việc hàng ngày của các em là chăn trâu để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Ừ thì có người thương cảm, có người thấy tội nghiệp nhưng với tôi, đấy chính là niềm vui của các em. Những chú trâu hiền lành đã trở thành người bạn thân thiết cùng các em vùng vẫy, vui đùa dưới làn nước mát trong. Và với những đứa trẻ, đó sẽ mãi là những ký ức tuyệt đẹp về thời thơ ấu. Ai bảo chăn trâu là khổ?" - Phạm Trọng Cẩn.
Bức ảnh "Mẹ về chợ" của tác giả Cao Anh Tuấn ghi lại hình ảnh người mẹ gánh hàng hải sản tới chợ sớm ở vùng biển Mỹ Khê, Đà Nẵng.