22:56 19/09/2024

Trôi nước ngũ sắc bắt mắt ngày se lạnh

11:59 27/04/2018

Hương vị ngọt ngào, thơm ngát, ấm nồng của chén chè trôi nước sẽ trở nên quyến rũ hơn bao giờ hết khi tiết trời se lạnh.

Trôi nước ngũ sắc bắt mắt ngày se lạnh - 1

Trôi nước ngũ sắc bắt mắt từ cái nhìn đầu tiên

Trôi nước là món ăn truyền thống trong ngày tết Hàn thực nhưng ở quê tôi những ngày đông giá lạnh, lúc nông nhàn rảnh rỗi, các bà các mẹ vẫn thường làm chè trôi nước thơm lừng hương gừng. Dù ở Quảng Nam không có được cái không khí lạnh đến hít hà, xuýt xoa như ở miền Bắc nhưng những ngày này, chút hơi lạnh do những cơn mưa mang lại cũng đủ để tôi nhớ da diết chè trôi nước, món chè mùa đông của mẹ.

Ngày nay, người ta có thể làm những viên trôi nước bắt mắt với nhiều màu sắc. Xanh, đỏ, tím, vàng… đều có cả. Những công đoạn làm trôi nước thì vô cùng đơn giản nhưng “rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”. Đúng vậy, viên trôi nước có tròn, có ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự khéo léo và tinh tế của người làm.

Có thể dùng nhiều loại bột khác nhau để làm trôi nước nhưng ngon và đúng vị nhất phải là bột nếp. Tôi vẫn nhớ mẹ nói phải dùng nước ấm để nhào thì bột mới dẻo và mềm được. Để không dính tay khi nhào bột, tôi cho thêm một ít dầu ăn, chút xíu muối (nhớ là ít thôi nhé) để bánh đậm đà hơn. Muốn làm bánh trôi ngũ sắc, bạn chỉ cần chia bột ra từng bát để trộn riêng từng màu.

Trôi nước ngũ sắc bắt mắt ngày se lạnh - 2

 Chia riêng từng phần bột nhào với từng màu khác nhau.

Trước đây khi mẹ làm nấu chè trôi nước, tôi thường loanh quanh bên cạnh. Công đoạn làm nhân đậu xanh có vẻ là phức tạp hơn cả. Đậu xanh sau khi hấp chín sẽ được giã nhuyễn, rồi để nhân bánh trôi thơm ngon đậm đà hơn, mẹ thường xào đậu xanh với đường, vani, một chút muối và một chút dầu ăn. Công đoạn này khá phức tạp vì nếu không cẩn thận, đậu sẽ bị cháy.

Những viên trôi nước màu sắc sặc sỡ bày ra trước mắt, quyến rũ thật đấy nhưng tôi vẫn thích cái cảnh cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa, mỗi người một tay nặn những viên trôi nước tròn tròn, xinh xinh.

Trôi nước ngũ sắc bắt mắt ngày se lạnh - 3

Sau vị dẻo thơm của nếp là vị bùi thơm của đâu, ấm nóng của gừng và ngọt ngào của đường.

Phần nước đường nên dùng đường phèn để làm. Đường phèn có vị ngọt thanh, khi kết hợp với cái ấm nồng, thơm ngát của gừng sẽ tạo nên hương vị không thể lẫn đi đâu được. Cho thêm mè rang và nước cốt dừa vào nữa, món chè trôi nước của bạn sẽ trở nên hấp dẫn hơn.

Cắn một viên trôi nước, sau vị dẻo thơm của nếp là vị bùi bùi, thơm mềm của nhân đậu xanh. Húp thêm một muỗng nước và cảm nhận sự ngọt ngào của đường phèn, ấm nóng của gừng và thơm lừng của những hạt mè bé nhỏ, bạn sẽ thấy cái lạnh đầu mùa thật thú vị bên chén trôi nước.

Theo Thanhnien

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt