11:38 03/01/2025

Trục vớt 40 thi thể quanh khu vực tìm kiếm QZ8501

02:09 27/04/2018

Tính đến thời điểm hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân khiến máy bay mang số hiệu QZ8501 mất tích. Sau 2 ngày tìm kiếm, mọi hy vọng đã bị dập tắt khi thông tin đội tìm kiếm đã vớt được 40 thi thể quanh khu vực tìm kiếm máy bay QZ8501 được công bố chiều nay.

Mở rộng và chia nhỏ khu vực tìm kiếm

Vị trí cuối cùng của máy bay mất tích AirAsia mà radar ghi nhận được là ở giữa đảo Belingtung và Kalimantan. Sau hơn 2 ngày tìm kiếm, các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng máy bay mất tích đã nằm dưới đáy biển.

Theo Channel New Asia, Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia Indonesia Bambang Soelistyo nêu rõ: “Dựa trên những thông tin các bên cộng tác cung cấp và đánh giá, vị trí gặp nạn của máy bay là ngoài biển, với giả thiết là chiếc máy bay đã nằm dưới đáy biển”.

Trục vớt 40 thi thể quanh khu vực tìm kiếm QZ8501 - 1
Lực lượng không quân Indonesia thông báo khu vực tìm kiếm máy bay mất tích QZ8501 trong cuộc họp báo tại sân bay Surabaya, Đông Java ngày 29/12. Ảnh: AFP/TTXVN.

Hiện tại, các đội tìm kiếm đang rà soát một khu vực nơi biển có độ sâu 40-50m. Ông Soelistyo nói Indonesia đang phối hợp với các nước khác để tiếp cận được các thiết bị dò tìm đáy biển từ Anh, Pháp và Mỹ. “Không dễ tìm thứ gì dưới đáy biển nhưng điều đó sẽ không phá vỡ tinh thần nỗ lực tìm kiếm của chúng tôi” - ông cho biết thêm việc tìm kiếm đã được mở rộng về hướng quanh đảo Bangka và Belitung, eo biển Singkep và Marimata cũng như khu vực đất liền ở phía tây của Tây Kalimantan.

Khu vực tìm kiếm đầu tiên trong phạm vi từ 120 đến 240 hải lý, trong khi khu vực tìm kiếm thứ hai tập trung trong phạm vi từ 150 đến 180 hải lý. Theo kế hoạch, hai khu vực tìm kiếm trên được chia thành 7 khu vực tìm kiếm nhỏ. Máy bay của quân đội Indonesia phụ trách tìm kiếm trong 3 khu vực, trong khi máy bay của Malaysia và Singapore phụ trách 4 khu vực còn lại.

Thêm nhiều giả thuyết về nguyên nhân mất tích

Trục vớt 40 thi thể quanh khu vực tìm kiếm QZ8501 - 2
Thân nhân hành khách trên chuyến bay mất tích rơi lệ tại sân bay Juanda ở Surabaya, Indonesia,  AirAsia flight QZ8501. Ảnh: EPA

Máy bay bay quá chậm: Theo ông Geoffrey Thomas, một chuyên gia hàng không, đồng thời là biên tập viên của airlineratings.com, máy bay có thể đã bay quá chậm khi gặp thời tiết xấu, dẫn đến tròng trành và chết sững giữa trời, giống như vụ rơi máy bay Air France AF447 vào năm 2009.

Do thời tiết xấu: Máy bay đã đi qua một vùng không khí xấu cao đến 40.000 feet (12.200m). Khi máy bay đang bay ở khoảng 32.000 feet (9.753m) phi công đã xin đài không lưu cho phép bay lên cao để tránh “đám mây bão”.

Hư hỏng thiết bị: Các chuyên gia không loại trừ khả năng QZ8501 bị hư hệ thống theo dõi và liên lạc máy bay trong quá trình vận hành.

Khủng bố: Do phi công của QZ8501 đã đề xuất một lộ trình bất thường trước khi mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu.

Cả thế giới chung tay tìm kiếm QZ8501

Thông tin về các vật thể lạ nổi trên mặt biển liên tục được thông báo, nhưng rồi mọi hy vọng lại nhanh chóng tắt ngóm khi các chuyên gia xác nhận nó không phải máy bay QZ8501.

Indonesia hôm qua cũng thông báo vật thể được nhìn thấy trên biển hôm qua không phải là của chuyến bay số hiệu QZ8501. Theo Reuters, đội tìm kiếm cũng kiểm tra thông tin có vệt dầu loang ở phía tây đảo Belitung cũng như một tín hiệu khẩn cấp phát đi từ phía nam đảo Borneo nhưng chưa thể xác định được gì.

Trục vớt 40 thi thể quanh khu vực tìm kiếm QZ8501 - 3
Trực thăng Indonesia sẽ tìm kiếm trên biển Java.

Ông Soelistyo cũng cho biết, Indonesia không có các thiết bị lặn chuyên dụng để trục vớt chiếc máy bay nếu nó bị chìm. Cho đến thời điểm hiện tại, Chính phủ Indonesia đã chấp nhận sự hỗ trợ tìm kiếm của các nước Australia, Singapore và Malaysia. Ngoài ra, Ấn Độ cũng cho biết họ sẵn sàng huy động các phương tiện bất kể lúc nào. 

Indonesia đã triển khai tổng cộng 30 tàu và 15 máy bay nhằm xác định vị trí chiếc máy bay mất tích.

Theo AFP, Úc, Singapore, Malaysia đã điều động 3 tàu của Hải quân Hoàng gia Malaysia gồm tàu KD Pahang, KD Lekir và KD Lekiu và 1 một máy bay trực thăng Fennec cùng tham gia chiến dịch tìm kiếm dấu vết của chuyến bay QZ8501 từ Surabaya (Indonesisa) đi Singapore. Đến thời điểm hiện tại, trên trang Twitter của Bộ Giao thông Malaysia cho biết có 1.126 nhân viên và 57 phương tiện đã được triển khai trong chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ QZ8501.

Úc đã đưa máy bay tuần thám AP-3C tham gia trong khi Singapore cho biết đã điều động hai máy bay C-130 cùng các tàu hải quân.

Trung Quốc, nước có 152 công dân trên chuyến bay MH370 của Hãng hàng không Malaysia bị mất tích hồi tháng 3, đề nghị giúp đỡ tìm kiếm. Malaysia và Mỹ cũng tham gia cứu hộ. Chiến dịch tìm kiếm tập trung ở vùng biển quanh đảo Bangka và Belitung (Indonesia).

Trục vớt 40 thi thể đầu tiên

Ở một diễn biến mới nhất trong ngày 30/12, người phụ trách hàng không dân dụng thuộc Bộ Giao thông vận tải Indonesia, ông Djolo Murjatmodjio cho hay, họ đã tìm thấy các mảnh vỡ của máy bay Air Asia mất tích. “Vào thời điểm này, có thể khẳng định được rằng, các vật thể đó là của máy bay hàng hàng không Air Asia”.

Một trực thăng đang hướng ra nơi phát hiện các vật thể "màu đỏ và trắng" ngoài khơi Kalimantan để thu hồi chúng. "Đây là phát hiện quan trọng nhất đến nay. Tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa thể xác nhận chính thức điều gì cho đến khi quá trình điều tra hoàn tất" - người phát ngôn cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia Yusuf Latif cho biết.

Jakarta Post dẫn lời phi công Tri Wibowo trên máy bay Hercules C130 cho hay anh nhìn thấy hàng chục thi thể trôi nổi, cùng với các túi xách và mảnh vỡ máy bay, cách vị trí máy bay xấu số biến mất khỏi màn hình radar chừng 10 km. "Chúng tôi cứ nghĩ rằng các hành khách vẫn còn sống và vẫy tay gọi chúng tôi giúp đỡ. Nhưng khi tiếp cận gần hơn, chúng tôi thấy họ đã chết", Wibowo nói.

Thân nhân chờ đợi ở sân bay Surabaya gào khóc thảm thiết, có người ngất đi, khi nhìn thấy hình ảnh thi thể trên truyền hình.

Trục vớt 40 thi thể quanh khu vực tìm kiếm QZ8501 - 4
Vị trí các tàu cứu hộ, tàu chiến Mỹ, tàu hàng và tàu cá quanh khu vực tìm kiếm QZ8501 

Tàu khảo sát đang trên đường tới khu vực phát hiện mảnh vỡ. Ít nhất 20 thợ lặn đã sẵn sàng xuống nước tìm kiếm QZ8501 cùng hành khách và thành viên phi hành đoàn. 

Tính đến 16h33' cùng ngày, hơn 40 thi thể đã được tìm thấy trên biển Java. "Qua radio hải quân, tàu chiến Bung Tomo đã vớt được 40 thi thể trên biển và con số này đang tiếp tục tăng lên", AFP dẫn lời Manahan Simorangkir, người phát ngôn Hải quân Indonesia, nói. Những thi thể này được cho là của những người trên máy bay QZ8501.

Trục vớt 40 thi thể quanh khu vực tìm kiếm QZ8501 - 5

Thân nhân hành khách chờ đợi ở sân bay Surabaya khóc ngất khi nhìn thấy hình ảnh thi thể trên truyền hình

Theo thông tin mới nhất, khu vực tìm kiếm QZ8501 đang có mật độ giao thông dày đặc, từ tàu chiến Mỹ cho đến các tàu hàng và tàu cá.

Những thiệt hại

Trong phiên giao dịch đầu tuần, ngay sau sự cố máy bay QZ8501, cổ phiếu của AirAsia đã sụt giảm 11,6%, nhiều nhất tính từ năm 2008 đến nay.

Công ty bảo hiểm Đức Allianz hôm 29-12 nói họ là nhà bảo hiểm chính trong vụ máy bay AirAsia Indonesia mất tích. Allianz cũng là nhà bảo hiểm chính cho MH370 và MH17 của Malaysia xảy ra hồi tháng 3 và tháng 7 năm nay. Công ty này từ chối cung cấp thông tin sẽ chi trả bao nhiêu hoặc nêu tên các công ty khác sẽ chi trả trong vụ AirAsia, nhưng Reuters ước tính số tiền bảo hiểm trong vụ này có thể lên đến 100 triệu USD.

Minh Đức

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt