Năm 2000, chính quyền Trung Quốc ký quyết định áp dụng chế độ 3 “Tuần lễ vàng” kể từ ngày Quốc khánh năm 1999. Theo đó, người dân sẽ được hưởng 3 kỳ nghỉ, mỗi kỳ nghỉ kéo dài liên tục trong một tuần lễ, gồm nghỉ Tết Nguyên đán, Quốc khánh và ngày Quốc tế lao động. Các kỳ nghỉ này sẽ do Phòng nghỉ lễ Quốc gia chịu trách nhiệm sắp xếp và bố trí.
Như vậy, người dân Trung Quốc được nghỉ 11 ngày, trong đó có 3 ngày nghỉ chính thức, 4 ngày còn lại nếu không trùng vào cuối tuần thì phải làm bù vào các ngày nghỉ trước hoặc sau đó. Đây là cơ hội để thúc đẩy ngành du lịch, nâng cao mức sống quốc gia, tạo điều kiện cho hàng triệu lao động xa quê có đủ thời gian để về thăm nhà.
Người dân về trong dịp Tuần lễ vàng. |
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi “Tuần lễ vàng” được chính thức áp dụng thì 28 triệu người Trung Quốc sẽ đi du lịch hoặc lên đường về quê, gây ra tình trạng quá tải khủng khiếp cho ngành giao thông. Con số này đã tăng lên đến hơn 120 triệu người vào năm 2007.
Nhiều kỳ nghỉ dài cùng áp lực giao thông khủng khiếp đã gây ra phản ứng trái chiều trong xã hội. Người dân Trung Quốc bắt đầu kêu gọi chính phủ giảm bớt số “Tuần lễ vàng” bởi cho rằng chúng đã làm gián đoạn quá lớn các hoạt động bình thường của nền kinh tế. Các đại biểu Quốc hội Trung Quốc nhận định, những “Tuần lễ vàng” này đã làm đảo lộn thời gian biểu làm việc 5 ngày một tuần của các công chức, viên chức, ảnh hưởng đến các giao dịch thương mại và quốc tế khi nhiều cơ quan chính phủ, đặc biệt là các lĩnh vực như hải quan, thuế vụ và hành pháp đóng cửa nghỉ lễ suốt 7 ngày liên tục.
Tình trạng quá tải tại Vạn Lý Trường Thành. |
Một phụ nữ Trung Quốc tranh thủ tập thể dục khi bị kẹt xe nhiều giờ đồng hồ trong dịp "Tuần lễ Vàng" |
Chính phủ và Quốc hội Trung Quốc đã chấp nhận một phần đề xuất của các đại biểu và quyết định bỏ “Tuần lễ vàng” vào dịp Quốc tế lao động. Trong dịp này, người dân chỉ được nghỉ duy nhất một ngày vào ngày 1/5. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng bổ sung thêm 3 kỳ nghỉ quốc gia, đó là ngày thanh minh tảo mộ, ngày hội đua thuyền rồng và tết Trung thu. Mục đích của động thái này là nhằm khôi phục các lễ hội truyền thống và cân bằng giữa nhu cầu của khách du lịch trong các kỳ nghỉ.
Vào đầu năm 2014, một bộ phận không nhỏ dân chúng Trung Quốc lại nổi giận vì Phòng Nghỉ lễ Quốc gia sắp xếp lịch nghỉ không thỏa đáng. Người lao động vẫn phải làm việc vào ngày 30 tết, những người không phải làm việc xa nhà thì lại cho rằng họ bị “nghiền nát” giấc mơ về thời gian nghỉ chất lượng trong những tuần bình thường.
Trước sức ép của dư luận, đến tháng 9/2014, Trung Quốc đã quyết định đóng cửa Phòng Nghỉ lễ Quốc gia và giao toàn bộ trách nhiệm sắp xếp các kỳ nghỉ lễ của cơ quan này cho Ủy ban liên bộ dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Wang Yang.
Sau đó, kế hoạch nghỉ lễ của năm 2015 công bố lại bị cộng đồng mạng lên tiếng vì hính phủ tiếp tục duy trì 2 “Tuần lễ vàng” là vào dịp Tết Nguyên đán và Ngày Quốc khánh. Những ý kiến trái chiều này vẫn đang tiếp diễn ở Trung Quốc mà chưa có hồi kết.
Thảo Phương