Trên đường di chuyển từ L’Hasa đến Shigatse, thành phố lớn thứ 2 của Tây Tạng, chúng tôi ngang qua dòng sông, nơi diễn ra tục thủy táng và ngọn núi nơi có tục thiên táng.
Thường bị ám ảnh bởi những câu chuyện liên quan đến chết chóc, khi biết xe chúng tôi sẽ chạy qua hai điểm đó, tôi không khỏi lo lắng và thoáng chút rùng mình khi nghĩ sẽ phải chứng kiến cảnh người dân đang thi hành tục táng lúc xe chạy qua. Những gì tôi được nghe kể về tục Thiên táng và Thủy táng thật khó tiếp nhận và có thể tưởng tượng ra.
Khi một gia đình Tây Tạng có người chết, thi thể sẽ được đặt trong nhà từ 2 đến 3 ngày trước khi được đưa lên đỉnh núi. Trong những ngày này, người thân mở tiệc tùng đón khách, thổi kèn sừng và đốt cây dâu.
Thiên táng |
Vào ngày tang, những người thân sẽ thay nhau bồng vác thi thể người chết lên đỉnh núi. Nơi đây, một Pháp sư chuyên làm lễ thiên táng đã chờ sẵn. Thi thể được đặt lên một tảng đá phẳng và công việc của vị Pháp sư bắt đầu. Cơ thể người chết được chặt rời đầu & tứ chi. Người Tây Tạng quan niệm linh hồn nằm ở phần đầu người nên vị Pháp sư phải cắt khéo léo để không làm bể đầu. Tiếp đến, pháp sư sẽ xẻ thịt, lóc thịt người tách rời khỏi xương, nội tạng được đặt sang một bên. Người Tây Tạng quan niệm mỗi ngày con người đều gây nên tội lỗi nên khi chết, họ phải hiến xác mình cho chim trời, cá nước.
Đầu người sẽ được dâng cho con chim đầu đàn. Tiếp đến, toàn bộ cơ thể sẽ được lũ chim rỉa hết trong vòng chưa đầy 3 giờ đồng hồ.
Và khi những con quạ, kền kền rỉa sạch từng miếng thịt và nội tạng người chết nghĩa là họ đã được siêu thoát. Thân nhân của người chết lúc đó rất hài lòng và yên tâm trở về nhà.
Dòng sông, nơi diễn ra tục thuỷ táng |
Các thao tác Thủy táng cũng diễn ra như thế, nhưng cơ thể được thả xuống sông cho cá ăn. Xe của chúng tôi đi ngang dòng sông diễn ra tục thủy táng. Sông sâu thẳm, màu nước xanh ngắt như không hề nhuốm không khí u ám, câu chuyện tang tóc nào.
Đây là hai tục táng chính mà người dân Tây Tạng vẫn thực hiện cho đến ngày nay.
Thiên táng dành cho những người chết do già yếu, chết tự nhiên; thủy táng dành cho những người không may mắn mà chết. Dường như người Tây Tạng quan niệm cái chết nhẹ lắm, không đau khổ, không sầu bi mà chỉ đơn giản là chuyển từ cõi tạm về với cõi vĩnh hằng mà thôi.
Theo Phụ Nữ Online