13:52 22/12/2024

Văn hóa ẩm thực khổ sở mà người Hà Nội không chán

11:48 27/04/2018

Ngồi vỉa hè, ăn bưng, hay xếp hàng đều là phong cách văn hóa ẩm thực kinh điển truyền thống ở Thủ đô.

Ẩm thực vỉa hè vẫn giữ ngôi vương

Nhiều năm trở lại đây, ở Hà Nội, các nhà hàng cà phê phong cách retro, vintage hay trẻ trung, hiện đại… mọc lên như nấm, nhưng không nhấn chìm được những quán truyền thống lâu năm như Năng, Nhĩ, Dĩ, Giảng. Có lẽ vì cốc cà phê đá xay ngọt ngậy trong phòng kính, ghế nệm không thể làm người ta quên đi vị đắng thơm nồng của ly cà phê đen hòa trong nắng gió và chút bụi đường. Thế nên những thương hiệu mới nổi như Cộng, The coffee In, Urban Station… dù mất tiền của, công sức décor không gian độc đáo, mới lạ vẫn phải đầu tư thêm chồng ghế nhựa, ghế gập để xếp ngoài vỉa hè, phục vụ nhu cầu thưởng cà phê ven đường của khách.

Văn hóa ẩm thực khổ sở mà người Hà Nội không chán - 1

Các quán cà phê vỉa hè truyền thống không dễ bị nhấn chìm.

Văn hóa ẩm thực khổ sở mà người Hà Nội không chán - 2

Những thương hiệu cà phê đá xay trẻ trung cũng vẫn phải lăng xê văn hóa vỉa hè.

Còn phải kể tới sức nóng của các tụ điểm trà chanh chém gió đã gây bão suốt thời gian qua. Bây giờ, các tuyến phố Đào Duy Từ, Chợ Gạo, Nhà Thờ... vẫn tràn ngập không khí trà chanh. Đa phần là các nhóm bạn trẻ, chỉ vài ly trà kèm đĩa hướng dương đã đủ năng lượng để “chém gió” cả chiều.

Nói tới văn hóa vỉa hè, không thể không nhắc tới khu văn phòng, công sở. Đã từ lâu, dưới các tòa nhà cao tầng là nơi ẩn mình của những quán cóc trà đá. Cà phê văn phòng chỉ là nơi tiếp khách, còn đến giờ nghỉ trưa, quán trà đá nhỏ mới là nơi anh chị em lựa chọn giải lao, tráng miệng. Cốc trà xanh, chén trà mạn chính là chất xúc tác giúp câu chuyện thêm phần rôm rả.

Văn hóa ẩm thực khổ sở mà người Hà Nội không chán - 3

Trà chanh chém gió vỉa hè đã làm mưa làm gió ở Hà Nội những năm vừa qua.

Không chỉ mặt hàng giải khát, những quán ăn bình dân vỉa hè tại Hà Nội cũng chiếm ưu thế. Ban ngày, nhiều tuyến đường bị cấm kinh doanh vỉa hè. Chỉ sau 17h, nơi này lại tưng bừng, rôm rả. Các tiệm ăn vỉa hè rất phong phú, đa dạng, từ các món truyền thống như bún, phở, cháo tới các loại quà vặt kiểu nem rán, đến những đồ tốn kém hơn hải sản, lẩu nướng và thậm chí, những thực đơn sang chảnh tưởng chỉ có trong nhà hàng Âu như pizza, mỳ Ý, desert cũng được phơi ra vỉa hè.

Điều đó chứng tỏ, văn hóa vỉa hè bình dân vẫn giữ vững ngôi vương. Có thể thiếu tiện nghi, có thể ồn ã, có thể phải hít bụi đường nhưng đó mới là thứ tạo nên văn hóa ẩm thực của đất Hà thành.

Văn hóa ẩm thực khổ sở mà người Hà Nội không chán - 4

Những món dessert tưởng chỉ có trong các nhà hàng Âu cũng được bày bán vỉa hè.

Văn hóa ẩm thực khổ sở mà người Hà Nội không chán - 5

Các quán phong cách trẻ càng hướng đến văn hóa vỉa hè hơn.

Văn hóa xếp hàng, xếp số

Phở Bát Đàn xếp hàng, mì Nguyễn Biểu xếp số hay ngõ bún đậu Hàng Khay tranh nhau chỗ ngồi... đều là những quán ăn có tiếng ở Hà Nội. Nhắc đến các tiệm này, ngoài việc nghĩ tới món ngon, người ta thường hình dung ra cảnh tượng “chờ đợi mòn mỏi” của thực khách. Món ăn ở đây hương vị đậm đà, dễ thưởng thức là điều không thể phủ nhận, nhưng để đạt tới đẳng cấp tinh hoa, điêu luyện thì không hẳn. Song không hiểu sao, khách như bị mê hoặc, vẫn nườm nượp tìm đến mỗi ngày. Và kỳ lạ là quán càng đông, càng phải chờ, khách lại càng như bị kích thích, nhất định phải thưởng thức cho kỳ được bát phở, tô mì hay suất bún.

Văn hóa ẩm thực khổ sở mà người Hà Nội không chán - 6

Phở xếp hàng ở Bát Đàn rất nổi tiếng.

Văn hóa ẩm thực khổ sở mà người Hà Nội không chán - 7

Mì vằn thắn xếp số ở Nguyễn Biểu.

Nhiều du khách phương xa trông cảnh xếp hàng như thời mậu dịch luôn thắc mắc, tự hỏi: “Mất tiền mà sao người ta tình nguyện chịu khổ thế?”. Tất nhiên, văn hóa đi ăn "phát chẩn" không dành cho người nóng tính, sốt ruột. Còn với những người quyết tâm xếp hàng, sự chờ đợi dường như đã nằm trong kế hoạch, với quan điểm: "Phần thưởng dành cho người biết kiên nhẫn!". Tóm lại, khó để giải thích cặn kẽ hơn, chỉ biết đó cũng là một nét văn hóa ẩm thực mà người Hà Nội không dễ từ bỏ.

Món ngon, ăn bưng cũng đáng!

Các quán gánh ven đường là hình ảnh rất quen thuộc với người Hà Nội. Cảnh trai xinh, gái đẹp sành điệu - thậm chí diện đầm duyên dáng - nhưng sẵn sàng ngồi bên vỉa hè bưng bát bún, tô phở xì xụp ngon lành chẳng phải ít.

Văn hóa ẩm thực khổ sở mà người Hà Nội không chán - 8

Người Hà Nội chấp nhận ăn bưng để được thưởng thức một tô phở ngon.

Nhiều bất cập, nhưng khách vẫn đổ xô đến ăn, chỉ vì "nước canh ở đây ngon tuyệt vời", "lươn quán này làm thơm giòn lắm", "mắm tôm quán ấy ngon vô cùng". Quả thật, với nhiều người đam mê ẩm thực, để thưởng thức món ngon, chuyện khom lưng bó gối, ăn bưng hay đắt rẻ chẳng thành vấn đề. Thế nên “phở bưng” Hàng Trống mới nổi tiếng, miến lươn vỉa hè Phủ Doãn mới đắt hàng, gánh bún đậu vỉa hè ở Hồ Tùng Mậu mới có thu nhập khủng. Đó là những chuyện chẳng hi hữu. Đặc điểm chung của các quán gánh là thiếu không gian và cơ sở vật chất. Bởi vậy, tác phong phục vụ ở đây khó có thể chu đáo. Tìm đến những quán gánh, bạn phải quên đi khái niệm “khách hàng là thượng đế”. Chuyện thiếu ghế ngồi, vắng ống đũa, hay thìa bát còn kém sạch là điều dễ hiểu. Đó là chưa kể, giá của các quán gánh tềnh toàng này đôi khi cũng chẳng thua cửa hàng là bao.

Văn hóa ẩm thực khổ sở mà người Hà Nội không chán - 9

Theo Zing

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt