00:25 22/12/2024

Vespa - Hành trình kết nối đam mê

11:02 27/04/2018

Một trong tứ đại đỉnh đèo là Mã Pì Lèng đã được những "chú ong" chinh phục thành công.

Ngược dốc “lên trời”

Theo lộ trình của đoàn thì Mã Pì Lèng sẽ được chinh phục vào ngày hôm trước, nhưng do thời tiết sương mù cộng đêm tối làm chúng tôi quyết định chờ đến tận sáng hôm nay mới “dám bước chân vào”. Từ độ cao hơn 1000m tại Đồng Văng lên độ cao gần 2000m tại đỉnh đèo Mã Pì Lèng chỉ trong khoảng 10km đường quả thật là một thử thách nặng nề đối với dòng xe “sờ cút tơ” hai kỳ cổ lỗ sĩ này.

Vespa - Hành trình kết nối đam mê - 1
Dốc Pải Lủng

Côn được cắt nhả liên tục, số phải đảo liên hồi bởi rất nhiều khúc cua tay áo rất ngặt, chênh lệch về độ cao giữa 2 góc cua rất lớn. Ai trong chúng tôi cũng căng mình ghì chặt tay lái để có thể điều khiển được chúng. Đã có không dưới một lần, chiếc Super của tôi lên đến nửa dốc, gặp ổ gà thế là “tụt hơi” luôn, phải dừng lại một lúc rồi mới tiếp tục hành trình.
Đối với những kẻ chạy xe 2 kỳ hoặc 4 kỳ dùng côn tay thì việc điều khiển nhịp nhàng côn và số là yếu tố quyết định thành công khi chinh phục những cung đường ngược dốc như thế này. Việc làm ngược lại có thể làm tổn hại nặng nề đến chiếc xe, đầu tiên là xe sẽ không đủ khỏe để lên dốc, thứ 2 là côn có thể bị cháy nếu độ tăng ga không đi cùng với độ nhả của côn, thứ 3 nữa là hộp số có thể bị hỏng do việc cắt côn sang số không chuẩn. Tuy nhiên, nếu bạn có đủ kinh nghiệm đi xe côn tay thì quả thực chúng là những “chú ngựa hoang” đã được thuần phục.

Tôi yêu những hình ảnh như thế này

Chúng tôi chậm rãi nhích từng mét một để lên dốc, con dốc lớn nhất theo chiều từ Đồng Văn qua có lẽ là dốc Pải Lủng, dốc khá dài, uốn mình gấp khúc theo triền núi, xen qua cả những bản làng với đào mận nở rực. Bên cạnh là hồ treo nước dùng cho toàn xã. Ở xứ cao nguyên đá này, nước ăn uống và sinh hoạt luôn khan hiếm, bình thường bà con phải đi xuống tận các dòng sông, suối gùi nước lên. Nhưng sau này, nhà nước mình tiến hành xây các hồ treo trên núi thì việc tích trữ nước và cấp nước cho bà con được dễ dàng hơn rất nhiều. Từ trên cao nhìn xuống bạn sẽ thấy hồ treo trong xanh như những viên ngọc bích giữa lòng núi đá.

Năm kẻ chúng tôi trên điểm dừng chân Mã Pì Lèng

Chúng tôi dừng chân tại điểm nghỉ giữa lưng chừng đèo, nơi có thể nhìn bao quát xuống dòng sông Nho Quế và hẻm vực Tu Sản. Con đường đèo chạy dọc lưng chừng núi, khi nhìn chúng bạn có thể thấy chúng như là những sợi chỉ vắt ngang lưng trời vậy, bé nhỏ và vắt vẻo. Bên phải là những vách đá dựng đứng tạo nên cảm giác hùng vĩ. Phía dưới là sông Nho Quế như một dải lụa xanh uốn lượn qua từng kẽ núi tạo nên một bức tranh tuyệt sắc. Tô điểm thêm cho bức tranh thủy mặc tuyệt đỉnh đấy là những ngôi nhà nằm lưng chừng núi tạo thành điểm nhấn vô cùng ấn tượng, vẫn còn thiếu, những người phụ nữ đang “treo mình” làm nương rẫy giữa triền núi cheo leo.

Dòng Nho Quế trong xanh

Từ nơi đó bạn có thể nhìn thấy cả con đường Xín Cái để xuống tận dòng sông. Bạn có thể thấy hẻm vực Tu Sản, là hẻm vực cao nhất và thẳng đứng nhất ở Việt Nam. Với chiều dài chừng hơn 1,7km và chiều cao khoảng 800m, chúng tạo nên vẻ hùng vĩ hiếm có cho vùng đất nơi đây. Có chăng vì thế mà khi xưa, bà con của hơn 16 dân tộc đã mất đến hơn 11 tháng treo mình nơi vách núi cheo leo để mở được con đường qua đèo Mã Pì Lèng này. Và như lời một người bạn là dân chuyên chụp ảnh trong đoàn nói rằng khi nhìn những bức ảnh tôi cho xem trước chuyến đi đã thấy hùng vĩ lắm rồi, vậy mà khi đến đây cảm nhận được bằng chính đôi mắt mình. Bạn nói rằng, vẻ đẹp ngoài đời thực của chúng còn gấp chục lần trong ảnh, máy ảnh không thể nào lột tả nổi nét đẹp của miền dốc ngược này.

Chậm rãi Lũng Phìn

Ngẩn ngơ bởi vẻ đẹp của cung đèo Mã Pì Lèng đã chiếm của chúng tôi mất hẳn cả buổi sáng, chỉ đi được có hơn 20km. Còn cả chặng đường rất dài phía trước khi dự tính đêm nay sẽ nghỉ lại ở Hà Giang để ngày mai sang Bắc Hà (Lào Cai). Ngoái lại nhìn thêm nhiều lần nữa với những lời trầm trồ và tự nhủ sẽ đi lại nhiều nhiều lần nữa để khám phá hết những con đường nơi đây. 

Chúng thôi nhích nhẹ ga cho xe trôi chậm về Mèo Vạc. Trên chặng đường đó, luôn thấy những em bé còn rất nhỏ ngồi chơi bên vệ đường vẫy tay chào “bai bai” mỗi lần chúng tôi đi qua. Hoặc những đứa trẻ chỉ 7,8 tuổi gùi trên lưng cả bó ngô to đùng. Dừng lại, chia cho chúng một ít kẹo, dăm ba cái bánh, cái khăn. Tôi đã thử nhấc bó ngô của một em gái học lớp 3 đang gùi, quả thực nó khá nặng, nếu là tôi mang trên lưng thì chắc cũng chỉ được chừng 100m là mỏi gục. Vậy mà em phải đi theo sườn nương ngô để chặt, sau đó buộc chúng lại, men theo những con đường mòn ngược dốc lên đèo chính rồi lại leo dốc ngược trở về nhà. Khi tôi hỏi nhà em đâu, em chỉ nhà em là cái nhà trắng trắng ở trên đỉnh phía bên kia ngọn núi. Cả đám chúng tôi nhìn theo tay em chỉ mãi mới thấy có một ngôi nhà như thế. Thấy xong ai cũng bảo rằng làm sao để lên được đó khi chả nhìn thấy đường đâu cả, và làm sao mà làm được ngôi nhà như thế chứ. Vậy là tý nữa thôi, sau khi chúng tôi đi, em lại mang trên mình cả bó ngô leo lên đó để kịp có chất đốt cho buổi chiều. Chỉ kịp dúi thêm cho em một nhúm kẹo nữa, chúng tôi lại lên đường.

Đường về nhà

Qua thị trấn Mèo Vạc với đào nở thắm hai bên lối đi. Đổ đầy xăng, căn đúng tỷ lệ nhớt cho con dốc qua Lũng Phìn để về Yên Minh. Chúng tôi chậm rãi tiến về nơi đó. Qua Sủng Trà vẫn với rất nhiều những đào mận nở rực, chúng tôi tiến về Lũng Phìn nơi có món rượu ngô đặc sắc. Đã đi qua nơi đây bao lần, là chừng ấy lần tôi ghé vào một quán nhỏ nơi đầu chợ để ngồi giữa những nồi rượu đang tỏa mùi thơm ngào ngạt. Rượu là thức uống quen thuộc nơi miền núi đá lạnh giá này. Có lẽ, trong khuôn khổ bài viết này tôi không thể nói hết được về phong tục uống rượu của đồng bào Mông nơi đây. Tôi chỉ nói một chút về rượu Lũng Phìn mà thôi.

Món quà nhỏ

Khi bắt đầu bước vào địa phận xã Lũng Phìn là bạn đã có thể ngửi thấy thoảng trong gió mùi rượu ngào ngạt. Rượu ở đây được nấu từ loại ngô trồng trên núi đá và ủ với men lá bí truyền mà chỉ ở đây họ mới có. Hai thứ đó kết hợp với tài nấu rượu của bà con nơi đây đã cho ra thứ rượu ngô Lũng Phìn đã trở thành nổi tiếng khắp vùng. Tôi không phải là kẻ ham uống rượu và tuyệt đối không bao giờ uống rượu khi đang chuẩn bị điều khiển xe máy. Nhưng đi qua đây hơi rượu làm cho tôi chấng lấng đến lạ kỳ. Không làm cho tôi say mà lại say. Bóp nhẹ côn, trả về số thấp, tôi chậm rãi nhâm nhi cái hương thơm ngào ngạt đó. Hương của rượu quyện với hương của núi rừng làm cho ai trong chúng tôi cũng “chếnh choáng”.

Chú ong nhỏ của tôi

Dừng lại nơi dốc chữ M quen thuộc, ngắm nhìn cả con đường quanh co chạy men theo sườn núi. Con đường tạo thành hĩnh chữ M rất đẹp, chọn cho mình một mỏm đá khá bằng phẳng, tôi ngồi lên đó nhìn xuống cả thung lũng. Dăm ba ngôi nhà đang nhả khói lên trời, chắc họ đang nấu ăn cho bữa tối. Đằng kia là sặc sỡ váy áo của bà con người Mông đang cuốc nốt khu đất để kịp trồng ngô cho vụ sắp tới. Những đứa trẻ vẫn nô đùa bên đường và trước hiên nhà, trò chơi nhảy dây, chơi cù, cả những trò mà chúng tôi chẳng biết gọi tên là gì nữa…

Đặc sản vùng biên viễn

Tất thảy những điều đó, làm chúng tôi chậm rãi hơn, một chút nghĩ suy về cuộc đời, về niềm hạnh phúc và sự yên bình. Mong cho ngô luôn tốt tươi và nhiều hạt, mong cho món rượu luôn đượm nồng, mong cho những đứa trẻ nơi đây được đến trường với đầy đủ quần áo ấm, mong cho…

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt