03:54 20/09/2024

Ý nghĩa phong tục của một số dân tộc thiểu số Việt Nam

08:00 21/02/2016

Bát canh rêu đá, tích rượu cần... không chỉ là tên gọi món ăn mà còn chứa đựng những truyền thuyết làm nên phong tục hay của một vài dân tộc Việt mà Timeoutvietnam muốn gửi tới độc giả qua bài viết dưới đây.

1. Bát canh rêu đá – món ăn nặng tình (Dân tộc Thái)

Ý nghĩa phong tục của một số dân tộc thiểu số Việt Nam - 1
Bát canh rêu đá không chỉ là đặc sản của người dân tộc Thái mà trong đó còn chứa đựng một chuyện tình đau thương và cảm động. Ảnh: Internet

Bát canh rêu đá không chỉ là đặc sản của người dân tộc Thái mà trong đó còn chứa đựng một chuyện tình đau thương và cảm động. Truyền thuyết kể rằng, từ những ngày đầu người dân tộc Thái tới khai phá vùng đất rộng lớn Mường Lò, có một đôi trai gái yêu nhau tha thiết. Chàng trai thì cao lớn khỏe mạnh, có tài săn bắn và thổi khèn rất hay. Cô gái thì nổi tiếng xinh đẹp nhất vùng lại hát hay múa giỏi, dệt vải vô cùng tinh xảo. Hai người đem lòng thương nhau nhưng lại bị tên Chúa đất lúc bấy giờ đã ra sức ngăn cản. Sau đó, đôi trai gái đã cùng nhau chạy trốn và khi đã kiệt sức, họ chỉ còn biết dựa vào nhau khóc. Cô gái khóc thảm thiết, đến nỗi nước mắt ướt bảy cánh rừng rộng, chín đỉnh núi cao, biến thành dòng nước to đổ xuống chân núi tạo thành dòng suối lớn. Cuối cùng, họ quyết định trầm mình xuống chính dòng suối ấy để mãi mãi được bên nhau.

Ý nghĩa phong tục của một số dân tộc thiểu số Việt Nam - 2
Bát canh rêu đá đậm đà tình thương. Ảnh: Internet

Khi thân thể chàng trai vừa chạm vào dòng nước lập tức hóa thành trăm ngàn mảnh đá nằm sâu trong lòng nước. Còn cô gái có mái tóc dài bung ra thành một thứ rêu óng ả, mỗi sợi gắn vào một hòn đá. Từ đó người ta gọi tên dòng suối chảy qua vùng Thung lũng Mường Lò là Nậm Xia với ý nghĩa nước mắt đôi bạn tình (lâu dần đọc chệch là Nậm Thia) và thứ rêu mọc trên đá trở thành một loại rau xanh đặc sản của vùng Tây Bắc rêu đá, loại rau mang hương vị ngọt ngào của tình yêu say đắm. Từ đó trở đi, ăn canh rêu đá trở thành món ăn đậm đà tình thương nỗi nhớ, trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc Thái

2. Sự tích rượu cần (Dân tộc Mường)

Ý nghĩa phong tục của một số dân tộc thiểu số Việt Nam - 3
Rượu cần là thứ rượu mà hầu như các dân tộc thiểu số nào cũng có. Ảnh: Internet

Rượu cần từ lâu đã không còn xa lạ đối với du khách mọi miền tổ quốc, nó trở thành một thứ rượu đặc biệt mà hầu như các dân tộc thiểu số nào cũng có. Mỗi dân tộc lại có truyền thuyết khác nhau về rượu cần, nhưng dân tộc Mường lại có cách giải thích bằng một câu chuyện có nội dung về việc thử thách hai người con dâu xem ai là người thông minh, đức hạnh.

Chuyện kể rằng, người bố chồng gọi hai nàng dâu đến và bảo: “Bố đi ăn uống đã nhiều, nhưng chưa được ăn con vật gì mà thịt lại nằm trong xương, cũng chưa được uống loại nước gì chảy ngược cho ngọt ngào, ý vị. Các con cố tìm cho bố. Được ăn uống những thứ đó, bố mới khoẻ ra được”. Cả hai nàng dâu đều nghĩ mãi không ra. Riêng nàng dâu thứ hai buồn bã ra suối ngồi nghĩ thì vô tình thấy con ốc ruột trong mềm, vỏ ngoài cứng, nghĩa là “thịt nằm trong xương”, rồi nàng lại thấy bên bờ suối có ai đã cắm một cái vòi chuyền cho nước chảy ngược lên máng. Muốn nước chảy ngược cũng phải làm như vậy nên nàng liền bắt ốc nấu canh, múc một bầu nước, vót cái cần cắm vào bầu và bỏ vài nắm lá thuốc trong rừng cho có thêm mùi vị và giấu kín các thứ đã chuẩn bị để chờ ông bố về. Về phần nàng dâu cả chưa nghĩ ra cách, thấy người em dâu có thứ giấu thì đem lòng bực, nàng liền lén bỏ vào bầu một nắm bã trấu và tấm vụn. Nhưng không ngờ rằng với sự hòa quyện của lá, trấu, tấm quện lại, lên men, hoá thành một thứ rượu ngọt. Ông bố ăn canh ốc rồi cầm cần hút. Đúng là nước thân nước thương chảy ngược và canh thịt nằm trong xương. Ông cụ khen nức nở và quyết định giao cả cơ nghiệp cho nàng dâu thứ hai. Và đó chính là nguồn gốc xa xôi của bình rượu cần.

3 . Chiếc khăn piêu (Phụ nữ Thái)

Ý nghĩa phong tục của một số dân tộc thiểu số Việt Nam - 4
Hoa văn trên chiếc khăn Piêu của dân tộc Thái. Ảnh: Internet

Phụ nữ Thái có chiếc khăn đội đầu gọi là khăn piêu, mang nét đặc trưng văn hóa riêng biệt và gắn với một truyền thuyết lâu đời. Nhìn vào khăn đội đầu có thể phân biệt được người đó thuộc dân tộc nào, thậm chí có thể phân biệt được các ngành khác nhau trong cùng một dân tộc. Khi đã tìm hiểu nhau và đi đến đính ước thì khăn piêu trở thành vật tin. Piêu là quà biếu khi về nhà chồng, là sợi dây tình. Và cũng có thể là vật dâng cúng trong ngày lễ.

Chuyện kể rằng, xưa kia có một mường toàn đàn bà sinh sống với nhau và bất kỳ người đàn ông nào đi qua đều bị giết chết. Một lần, có người đàn bà nọ đi vào rừng và gặp một người đàn ông ở mường khác lạc sang. Họ qua lại với nhau sinh được một người con trai. Khi người con đó lớn lên, thấy rằng cách sống vô lý của "mường mẹ" nên đã sang "mường bố" huy động lực lượng để đánh. Mường đàn bà thất bại, xin mường đàn ông tha chết và hứa sẽ ở chung với mường đàn ông. Để đánh dấu sự thất bại của họ, mường đàn ông bắt họ đội khăn có in những dấu ngón tay đã điểm chỉ vào đó, gọi là những chiếc "cút". Từ đó tạo nên những chiếc khăn piêu cho những người phụ nữ dân tộc Thái.

Ý nghĩa phong tục của một số dân tộc thiểu số Việt Nam - 5
Những cô gái Thái xinh đẹp với chiếc khăn piêu. Ảnh: Internet

Để làm ra chiếc khăn piêu đòi hỏi người con gái phải khéo léo, tỉ mỉ nên từ khi 6,7 tuổi họ đã phải học tập cách thêu các hoa văn. Trong chuyện yêu đương, chiếc khăn piêu còn là nơi “nói hộ nỗi lòng”. Lúc xa nhau, các cô gái thường tặng chàng trai mình yêu mến chiếc khăn piêu đẹp nhất. Đối với chàng trai, khăn piêu ghi dấu tài hoa và hơi ấm bàn tay cô gái mình yêu. Khăn piêu từ giây phút đó trở thành cầu nối tình yêu của họ. Khăn đẹp cả về hình thức và còn đẹp cả trong cách thể hiện tinh hoa trong văn hoá cần được nâng niu và giữ gìn.

Trang Đàm

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt