1. “Thành phố Bình minh” Auroville, Ấn Độ
Được thành lập bởi Mirra Alfassa vào năm 1968 tại Ấn Độ, ngày nay thành phố này là nhà của hơn 2.000 người tới từ khắp nơi trên thế giới. Tại đây, không ai sở hữu tài sản gì, cũng không có giao dịch tiền tệ nào được diễn ra, không có chính quyền cũng như bất cứ luật lệ nào. Theo trang web của họ, Auroville muốn là một thành phố quốc tế nơi nam giới và phụ nữ từ mọi quốc gia có thể sống trong bình yên và hòa hợp. Biểu tượng của Auroville là một ngôi đền lớn có tên Matrimandir với mái vòm được phủ đầy các đĩa vàng. Tuy nhiên, đền Matrimandir không dành cho một đạo giáo nào mà là nơi sinh hoạt cộng đồng. Auroville luôn mở rộng cánh cửa chào đón các du khách từ khắp nơi trên thế giới.
2. “Nghĩa địa cổ đại” Najaf, Iraq
Với những người không tin vào thế giới tâm linh thì việc sống cạnh nghĩa trang khá lý tưởng, yên tĩnh. Nhưng với những người sợ ma thì sống tại Najaf, Iraq đúng là một cơn ác mộng. Thành phố này có Wadi Al-Salam, nghĩa trang lớn nhất thế giới, nơi an nghỉ của hơn 5 triệu người. Việc chôn cất diễn ra hàng ngày trong suốt 1.400 năm qua. Để có một suất đất trong nghĩa trang, người ta phải chi tới 10.000 USD.
3. “Thành phố dàn khoan” Neft Daslari, Azerbaijan, Nga
Khi dầu được phát hiện ở biển Caspi vào cuối thập niên 40 của thế kỷ 20, Nga đã cho xây dựng dàn khoan dầu ngoài khơi đầu tiên của thế giới. Theo thời gian, khu tổ hợp ngày càng mở rộng với nhiều dàn khoan, đường xá, cầu, bến cảng, nhà ở và thậm chí cả rạp chiếu phim. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều phần của khu tổ hợp rất khó tiếp cận, cầu nối các khu với nhau đã gãy nát, nhiều khu nhà đã sụp xuống biển. Tuy vậy, nơi này có một vẻ bí ẩn hấp dẫn nhiều người. Nếu bạn dùng bản đồ Google Map để quan sát từ trên cao thì sẽ không thể phóng to khu vực này. Năm 1999, nơi này đã xuất hiện trong bộ phim về James Bond nổi tiếng “The World Is Not Enough.”
4. “Thị trấn toàn phụ nữ” Noiva Do Cordeiro, Brazil
Nhiều người nói thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu phụ nữ nắm quyền. Ở miền Đông Nam Brazil có một nơi giúp ta biết điều đó có phải là sự thật hay không. Noiva Do Cordeiro được thành lập năm 1891 bởi một người phụ nữ tên Senhorinha de Lima sau khi cô bị đuổi khỏi nơi sinh sống vì tội ngoại tình. Cộng đồng 600 người này gần như đều là phụ nữ. Chỉ vài người có chồng và phần lớn những người chồng đó đang làm việc ở Belo Horizonte cách đó gần 100km, chỉ về nhà vào dịp cuối tuần. Nơi này nằm ở Amazons, bao quanh bởi rừng rậm và các cánh đồng. Tại đây, phụ nữ quản lý mọi hoạt động của thị trấn, từ chính trị, tôn giáo tới tổ chức sự kiện. Tuy nhiên, nhiều người cũng muốn có tình yêu.
5. “Thành phố Cờ vua” Elista, Kalmykia, Nga
Rải khắp thành phố là những tác phẩm điêu khắc lấy cảm hứng từ cờ vua. Nổi bật nhất là cung điện Cờ vua với mái vòm bằng kính khổng lồ được xây dựng theo ý tưởng của vị chủ tịch thành phố mê cờ vua, Kirsan Ilyumzhinov. Ilyumzhinov khẳng đinh mình có liên hệ với người ngoài hành tinh và vận mệnh của ông được nhà tiên tri mù Vanga dự đoán. Thành phố Kalmykia khá nghèo và không ai rõ Ilyumzhinov lấy đâu ra số tiền 30-50 triệu đôla để xây dựng các công trình kì quặc đó. Nhưng theo Ilyumzhinov, người dân chẳng có gì phải lo cả, vì một ngày người ngoài hành tinh sẽ quay lại và “đưa tất cả lên tàu vũ trụ và đi khỏi nơi này”.
6. Rennes-le-Chateau, Pháp
Đây là một ngôi làng nhỏ theo đạo Công giáo ở Pháp. Năm 1885, nhà truyền giáo Francois Berenger Sauniere đã tới đây và cải tạo lại nhà thờ địa phương. Một trong những đồ trang trí kỳ lạ nhất mà ông cho đặt tại đây là tượng quỷ. Ở cửa nhà thờ, ông cho khắc dòng chữ huyền thoại “Terribilis Est Locus Iste” (“Nơi này thật khủng khiếp”). Ngay cạnh nhà thờ, Sauniere xây một biệt thự xa hoa cho riêng mình. Nguồn gốc sự giàu có của ông gây ra nhiều tranh cãi. Thuyết âm mưu xoay quanh Sauniere sau này trở thành cảm hứng cho tác giả Dan Brown viết cuốn tiểu thuyết ăn khách “Mật mã Da Vinci”. Cuốn sách khiến hàng đoàn du khách đổ về đây, với những tay săn kho báu đào tung các nấm mộ.
7. “Thành phố khép kín” Zarechny, Nga
Hình thành từ thời thế chiến II, thành phố có hơn 60.000 dân này nằm ở phía Tây nước Nga. Theo trang web của thành phố, Zerechny là “khu tự trị khép kín”, trụ sở của tập đoàn Rosatom chuyên về các công nghệ hạt nhân. Thành phố này cấm người ngoài vào, trừ vài ngoại lệ đặc biệt, với tường và hàng rào thép gai bao quanh. Tuy nhiên, sống tại một thành phố khép kín có khá nhiều lợi ích, trong đó bao gồm cả lương hưu cao.
8. “Nơi nghỉ đông của gánh xiếc”, Gibsonton, Florida
Các đoàn xiếc thường chỉ hoạt động vào những thời gian nhất định trong năm. Vào mùa đông, họ thường đi về phía Nam. Một trong những nơi trú ẩn ưa thích của họ là thành phố Gibsonton, bang Florida, thường được gọi là Gibtown. Gibtown đã thay đổi luật để đón các cư dân này, như cho phép họ giữ các động vật của gánh xiếc trong khu nhà, hạ thấp quầy gửi thư cho các chú lùn...
9. “Nước Anh bỏ hoang” ở Thames Town, Trung Quốc
Nghịch lý là Trung Quốc rất đông dân nhưng nhiều thành phố quy mô lớn lại bị bỏ hoang, điển hình là thành phố Thames Town. Nằm cách Thượng Hải khoảng 32km, thành phố này được xây dựng phỏng theo thành phố giao thương nhộn nhịp của Anh, với những căn nhà liền kề, phố lát sỏi, quán rượu và nhà hàng kiểu Anh. Hoàn thiện vào năm 2006, Thames Town gần như bị bỏ hoang từ đó tới giờ. Hiện tại, nơi này chỉ có các cặp đôi tới chụp ảnh cưới.
10. “Thành phố rác” Manshiyat Naser, Ai Cập
Người dân thành phố này sống nhờ xử lý rác thải của hơn 10 triệu cư dân Cairo. Cuộc sống của người dân vô cùng khổ cực: không nước máy, không có đường nước thải, không điện, rác rưởi chất khắp nơi. Sống trong nghèo đói, mỗi gia đình ở “Thành phố rác” thường chuyên xử lý một loại rác thải, có nhà tái chế chai lọ, kim loại, có nhà chỉ biết đốt những gì họ tìm được để sưởi ấm.
Theo Zing