1. Vườn quốc gia Plitvice Lakes, Croatia
Tuy là di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, nhưng có thể bạn chưa bao giờ nghe nhắc tới vườn quốc gia Plitvice Lakes. Plitvice Lakes thuộc dãy núi Dinaric Alps, được thành lập vào năm 1945 với diện tích lên tới 296,85km2.
Nơi đây được bao quanh bởi rừng cây giẽ gai, thông và loài tùng bách, có hệ động thực vật đa dạng. Công viên Plitvice có 16 hồ nước chảy từ trên cao xuống tạo thành những dòng thác và vũng hồ khác ở bên dưới. Đến với Plitvice Lakes du khách chắc hẳn sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên.
Những hồ nước ở đây được biết đến bởi màu sắc riêng biệt của nó khi thay “màu áo” do tác động của ánh sáng mặt trời, khoáng chất và các sinh vật trong nước, có thể là màu lam ngọc, xanh lá, xanh da trời hoặc xám. Tuy đẹp như vậy nhưng du khách không được phép bơi lội ở những hồ nước còn nguyên vẻ nguyên sơ này.
Du khách có rất nhiều lựa chọn để trải nghiệm thiên nhiên ở Plitvice Lakes: từ đi bộ đường dài, đi xe điện, đạp xe, trượt tuyết, chèo thuyền hay đi trên những cây cầu.
2. Vịnh băng Ilulissat, đảo Greenland, Đan Mạch
Nằm sát thành phố Ilulissat trên đảo Greenland, vịnh băng Ilulissat dài 40km, rộng 7km, chỗ sâu nhất là 1.200m. Vịnh băng Ilulissat là một quần thể những khối băng trôi tách ra từ dòng sông băng Sermeq Kujalleq, được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới năm 2004.
Các núi băng lớn có đường kính rộng tới hàng trăm mét và cao tới 1.000m, nằm chắn ngang cửa vịnh hẹp, nơi chiều sâu chỉ có vài trăm mét. Tại đây, núi băng vỡ ra từng mảng nhỏ, số băng còn lại do sức ép quá lớn từ bên trong thoát ra biển và theo dòng chảy về phía Tây Bắc ra eo biển Davis.
Để tới đây, du khách có nhiều lựa chọn như đi bằng phà, bằng máy bay hay bằng trực thăng. Trong đó, những chiếc máy bay nhỏ bay chầm chậm qua những núi băng sẽ cho bạn tầm nhìn rõ ràng nhất, thậm chí bạn còn có thể cảm nhận thấy những tảng băng đang tách nhau ra dưới chân mình, báo hiệu một hành trình thú vị ở phía trước.
3. Vùng núi Shirakami – Sanchi, Nhật Bản
Vùng núi Shirakami - Sanchi thuộc hòn đảo Honshu, Nhật Bản, là một trong những di sản thế giới được UNESCO công nhận nhưng có thể bạn chưa từng nghe đến tên nó. Vùng này còn được gọi là Kosai, là vùng núi có cánh rừng nguyên sinh lớn nhất Đông Á. Diện tích toàn bộ khu rừng là 1.300 km², trong đó một vùng rộng 169,7 km². Sồi là loại cây chính bao phủ phần lớn khu rừng.
Hơn 50% diện tích bao gồm thung lũng sâu với các sườn dốc. Hơn 500 loài thực vật, 87 loài chim, trong đó có đại bàng vàng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, gấu đen, sơn dương... cũng như 2.212 loài động vật đã được tìm thấy trong vùng núi Shirakami – Sanchi.
4. Hồ Ounianga, Chad
Ounianga là nơi giao hòa của 18 hồ tạo thành một hồ nước rộng lớn, mang vẻ đẹp tự nhiên, màu sắc tuyệt đẹp. Có người ví Ounianga là “biển hồ” của châu Phi – quốc gia không giáp biển và không có biển.
Bao quanh hồ Ounianga là những hàng cây thốt nốt, đụn cát và các cấu trúc đá sa thạch. Một số mặt hồ được những cây sậy nổi bao phủ, tạo sự tương phản mãnh liệt với làn nước trong xanh mang đến cho du khách những “trải nghiệm” thị giác đáng kinh ngạc.
Năm 2012, hồ Ounianga được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
5. Vườn quốc gia và khu bảo tồn Wrangell–St. Elias, Canada - Mỹ
Vườn quốc gia và khu bảo tồn Wrangell–St. Elias có rất nhiều tên gọi: công viên quốc gia Kluane, vịnh đá băng, Tatshenshini-Alsek. Khu vực rộng lớn này bao quanh 4 công viên quốc gia ở Canada và Alaska (Mỹ), là ranh giới tự nhiên giữa 2 quốc gia này. Nơi đây đã trở thành Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1979.
Một trong những “thử thách” khiến những ai đam mê phượt và cắm trại muốn chinh phục là ngọn núi Logan – ngọn núi cao nhất ở công viên quốc gia Kluane, với độ cao lên đến 5.959 m.
6. Quần đảo Socotra, Yemen
Nằm ở phía Tây Bắc Ấn Độ Dương, quần đảo Socotra nằm dài 250 km, bao gồm 4 hòn đảo chính và 2 đảo đá. Quần đảo được đưa vào danh sách Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2008.
Nơi đây có loài cây độc đáo mà không nơi nào có trên thế giới, cây huyết rồng (blood dragon tree). Nó cũng là loài cây duy nhất có mặt ở Socotra.
Tên đặc biệt của loài cây này được đặt theo đặc tính của nó. Bởi khi cứa vào thân cây, một dung dịch dạng sáp màu đỏ chảy ra. Hoặc nó cũng có thể gọi là cây chai “bottle tree” vì nó có hình giống chân voi khổng lồ với những bông hoa màu hồng mọc trên ngọn cây.
Socotra có những đụn cát trắng nguyên sơ cạnh bờ biển, liên tục được định hình bởi những cơn gió mùa.
7. Đảo Reunion, Pháp
Đảo Reunion nằm ở Ấn Độ Dương, nổi tiếng bởi 2 ngọn núi lửa: Piton de Neiges và Piton de la Fournaise.
Trong đó, đỉnh núi cao nhất là Piton de la Neige (nghĩa là Đỉnh núi tuyết) với độ cao 3.070 m. Ngày nay núi lửa Piton de la Neige không còn hoạt động. Còn ngọn núi Piton de la Fournaise cao 2.632 m vẫn hoạt động mạnh.
Đi máy bay trực thăng là cách tốt nhất để du khách nhìn thấy toàn cảnh Di sản thiên nhiên hùng vĩ này, để có thể ngắm nhìn những “bức tường” to lớn và 3 vách đá cheo leo giữa một khoảng không bao la, mênh mông.
8. Thung lũng Jiuzhaigou, Trung Quốc
“Jiuzhaigou” có nghĩa là “Thung lũng của 9 ngôi làng”. Nơi đây khiến bất kỳ du khách nào tới cũng phải ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên.
Công viên có mặt hồ xanh tím xếp thành tầng bậc và những thác nước được bao quanh bởi các dãy núi tuyết, cùng những dãy núi đá vôi trầm tích. Thung lũng Jiuzhaigou được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1992.
Tại đây có loài gấu trúc khổng lồ, báo đốm nhanh nhẹn cũng như những loài vật đặc trưng như chim cú Tengmalm cùng các loài động vật hoang dã quý hiếm khác trong rừng.
9. Công viên quốc gia Te Wahipounamu, Bắc Island, New Zealand
Công viên quốc gia Te Wahipounamu gồm 4 vườn quốc gia nhỏ gần nhau: Mount Cook và Mount Aspiring, Fiordland và Westland.
Trong đó, Mount Cook là ngọn núi cao nhất của New Zealand, đạt độ cao 3.755m. Công viên Te Wahipounamu có những cánh rừng cao nhất, tảng đá băng lớn nhất, bở biển gồ ghề nhất, vịnh-hồ sâu nhất. Chính địa hình tự nhiên phong phú, hệ động thực vật độc đáo đã khiến UNESCO công nhận công viên quốc gia Te Wahipounamu là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1990.
10. Bờ biển Ningaloo, Úc
Bở biển Ningaloo là “thiên đường” của thợ lặn, cho những ai đam mê khám phá cuộc sống dưới tầng nước. Du khách có thể tìm thấy 3 loài rùa ở bờ biển Ningaloo. Có khoảng 10.000 “chú” rùa biển làm tổ được tìm thấy ở bờ biển mỗi năm. Người ta còn tìm thấy cá mập voi ở mé biển phía tây Úc trong suốt mùa hợp bầy hàng năm của 300-500 loài sinh vật biển. Nhiều loài khác ở Ningaloo có thể tìm thấy được từ bãi biển.
Hơn nữa, Ningaloo còn có rặng san hô dài 260 km ở gần bờ và là rặng san hô dài nhất thế giới. Ngoài ra, nơi đây còn nổi tiếng bởi các mạch nước ngầm, hệ thống hang động và các núi đá vôi. Năm 2011, UNESCO đã đưa Ningaloo cùng rặng san hô vào danh sách Di sản thiên nhiên thế giới.
11. Cụm hang động Skocjan, Slovenia
Cụm hang động Skocjan là một trong những hệ thống hang ngầm lớn nhất dưới lòng đất. Nơi đây có dòng sông sâu trong hẻm núi được gọi tên là sông Reka. Bên trong cụm hang động đá vôi này là 4 hang khác đẹp như tranh, chúng có thể sâu đến 150m và rộng 120m.
Cụm hang động Skocjan còn là một nơi thu hút các nhà khoa học nghiên cứu về hiện tượng phong hóa đá vôi. Từ năm 1986, Skocjan đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
12. Đảo san hô Aldabra Atoll, cộng hòa Seychelles
Là một nơi gần như không có người ở, đảo Aldabra Atoll gồm 4 cù lao xung quanh một đầm phá rộng không sâu lắm, bị bao vây bởi những rạng san hô. Nằm ở một vùng nước rộng lớn nên Aldabra Atoll gần như bị “cô lập”, du khách cũng khó tiếp cận được vùng đất này. Vì ít chịu tác động từ con người, nên những rạn san hô trên đảo dần phát triển và trở thành đảo san hô lớn nhất thế giới.
Minh Minh/CNN