Cao lầu, món đặc sản của Hội An |
Tờ Huffington Post của Mỹ vừa đăng tải một bài viết giới thiệu những món đặc sản vùng miền đáng để du khách khám phá trong các chuyến du lịch của mình, trong đó có món cao lầu của Hội An.
Tác giả viết: “Trên thế giới có biết bao món ăn nổi tiếng, chỉ cần nhắc đến món ăn đó là người ta biết là của quốc gia nào, chẳng hạn như Sushi của Nhật Bản hay mì Ý...Tuy nhiên, có những món ăn vùng miền vô cùng hấp dẫn mà có thể bạn chưa từng được biết tới. Chúng không nổi tiếng trên toàn thế giới nhưng khi đã thưởng thức rồi thì bạn sẽ khó quên hương vị của chúng.”
Trong danh sách những món ăn vùng miền ấy có món cao lầu của phố cố Hội An cùng với nhiều món ăn khác như món cơm trộn Ochazuke của Nhật Bản; món Gà 65 của Ấn Độ; món hầm Pozole của Mexico; món Ful medames (đậu fava nấu các loại gia vị và dầu ôliu) của Ai Cập và Sudan.
Các món ăn khác được nhắc đến là Khao Soi của Lào và Thái Lan (là sự pha trộn của mì trứng chiên giòn hay mềm, thịt gà, nước cốt dừa, nghệ, chanh, rau mùi và hẹ tây); món súp thịt được nấu trong một hốc đá dưới đất Pachamanca của Peru và món thịt khô Biltong của Nam Phi.
Mới nhìn cao lầu trông giống. như mì, nhưng không phải mì. Tinh túy của món cao lầu là sợi mì, thường được chế biến rất công phu. Đầu tiên, gạo thơm đem ngâm vào nước tro, mà phải là tro nấu củi lấy ở tận Cù lao Chàm, đảo cách Hội An 16 km, khi ngâm mới tạo ra được sợi mì có độ giòn, dẻo, và khô.
Sau đó lọc kỹ, xay thành bột; nước xay gạo phải là nước ở giếng Bá Lễ do người Chăm làm cách đây cả ngàn năm, mới được nước ngọt, không bị phèn và mát lạnh. Tiếp tục dùng vải bòng nhiều lần cho bột dẻo, khô, cán thành miếng vừa cô, xắt thành từng sợi, đem hấp nhiều lần rồi phơi khô để làm sợi mì. Qua nhiều lần xử lý như vậy nên dù cao lầu có để qua đêm cũng không sợ ôi thiu.
Người ta thường ăn cao lầu với giá nhúng trong nước sôi nhưng không được quá mềm. Thêm ít rau sống, được lấy ở làng rau truyền thống Trà Quế nổi tiếng ở Hội An. Giá trụng đổ ra tô, xếp mì lên trên, thêm vài lát thịt xíu rồi đổ tép mỡ (da heo chiên giòn) và một muỗng mỡ heo rán để sẵn bên lò nước. Với thịt xíu, chỉ dùng thịt heo cỏ, thịt săn chắc, thơm, vừa mỏng da vừa nhiều nạc và nước của nó mới có vị ngọt. Khi ăn, cao lầu cho cảm giác sựt sựt của sợi mì, đủ mùi vị chua, cay, đắng, chát, ngọt của rau sống, hương vị của mắm, bột thơm, nước tương... và tép mỡ vỡ tan trong miệng.
Nhiều người cũng có tham vọng làm cao lầu ở nơi khác, nhưng tất cả đều thất bại. Có người nói rằng chính nước giếng Bá Lễ và tro của cù lao Chàm và rau sống Trà Quế mới làm nên món ẩm thực đặc trưng này.
Phố cổ Hội An |
Ngày nay cao lầu được bán ở nhiều nơi trong nước, thậm chí ở cả nước ngoài và người đã thưởng thức cao lầu Hội An sẽ thấy hẫng hụt vì thấy vị của nó có cái gì đó thiếu đậm đà như vị ở phố Hội.
Đến nay, vẫn còn một số tranh cãi về nguồn gốc của món cao lầu: nhiều người cho rằng món này của người Hoa, còn người Nhật thì cho rằng nó giống mỳ udon của họ nhưng khác về hương vị và cách chế biến.
Theo tác giả của bài viết trên Huffington Post, có thể ở đâu đó vẫn còn một số lời tranh luận về nguồn nguồn gốc của món cao lầu, nhưng chất lượng của nó hoàn toàn là điều không phải bàn cãi.
Cao lầu không nổi tiếng như nhiều món ăn khác ở Việt Nam nhưng nó thật đáng để thưởng thức khi đến Hội An vì đó là món ăn đặc trưng góp phần làm nên cái hồn ẩm thực nơi đây. Người ta vẫn thường bảo nhau: Nếu chưa ăn Cao Lầu thì coi như chưa tới Hội An.
Theo DanTri