Về nguồn gốc, từ thế kỉ XVI, thời Chúa Nguyễn, đất Quảng Nam đã ổn định, thành phố Hội An đã trở thành một thương cảng quốc tế phồn thịnh. Trong điều kiện như vậy, việc phát triển các các hiệu phục vụ ăn uống là điều tất nhiên...
Món này được người Hoa mang đến, du nhập vào đất Quảng. Dần dà, nó được biến tấu cho phù hợp với những sản vật sẵn có tại địa phương và khẩu vị của cộng đồng cư dân nơi đây. Vì thế, món ngon này có thành phần khá đa dạng.
Nguyên liệu làm nên một tô mỳ Quảng cũng khá dân dã và phổ biến, gồm bột mỳ nhồi với nước rồi cán mỏng, luộc chín của mỳ Tàu được thay thế bằng bột gạo xay nhuyễn, hấp trên nước sôi sau khi đã tráng mỏng bột trên lớp vải và xắt sợi to.
Nước dùng thay vì dùng thịt heo như mỳ Tàu, người Quảng chuyển thành một loại nước "nhưn" rất linh hoạt của mỳ Quảng. Nguyên liệu nấu nước "nhưn" có thể là tôm thịt, gà, cá lóc, thậm chí là ếch đồng.
Để có những tô mỳ Quảng đạt chuẩn, người đầu bếp cần hết sức kiên nhẫn, tỉ mỉ. Một thứ không bao giờ thiếu trong một tô mỳ Quảng là rau sống với nhiều loại rau thơm ngon đặc trưng của làng rau Trà Quế, một làng chuyên canh rau nổi tiếng ở Hội An. Ngoài ra còn kèm thêm các phụ gia như bánh tráng, chanh, ớt xanh, đậu phộng rang giã dập...
Không gian truyền thống để thưởng thức món mỳ Quảng cũng khá đặc biệt. Một chiếc bàn dài, hai bên đặt hai chiếc ghế dài mà người Quảng gọi là ghế ngựa hay ghế thẻ. Thực khách có thể ngồi bên cạnh hoặc đối diện, để vừa ăn, vừa trò chuyện hoặc bình phẩm mọi chuyện trên trời dưới đất, đúng với phong cách đậm chất người dân nơi này.
Một đặc điểm nữa trong “không gian hiện hữu” của mỳ Quảng là tại các đám giỗ, chạp, hay lễ tiệc truyền thống ở Quảng Nam. Trong những trường hợp cần thiết, món mỳ Quảng chay là lựa chọn tuyệt vời để phục vụ những người kiêng ăn thịt cá, nhất là trong những ngày rằm, mồng một.
Người ta không ăn mỳ Quảng một cách nhỏ nhẹ mà phải “lua ào ào” mới ngon. Nếu ăn trong khung cảnh đơn sơ của thôn quê thì càng hay. Vì nếu xét theo sự hiện diện và tính chất của nó thì ta có thể kết luận chắc chắn rằng mỳ Quảng phát nguyên trước hết ở nông thôn mà người thưởng thức là những người làm lụng cực nhọc trên đồng ruộng.
Cách ăn mỳ Quảng của người dân bản địa chắc chắn không giống người nơi khác. Minh chứng là tô mỳ Quảng cũng giống tính cách con người Quảng: chân chất, không màu mè, kiểu cách, có vẻ hơi thô nhưng không dễ dãi mà rất vững vàng trong nguyên tắc nhưng cũng như lại rất biết cách uyển chuyển trong ứng xử. Rõ ràng mỳ như thế nào thì người Quảng cũng như thế ấy.
Ngoài ra mỳ Quảng cũng là nơi thể hiện tấm lòng của người dân xứ này. Vào những dịp cúng cơm mới hay giỗ chạp, ma chay đãi khách quý người Quảng Nam vẫn thường giữ tục làm mỳ. Thấy con cháu ở xa mới về tới đầu ngõ, các bà mẹ quê đã hối hả ngâm gạo tráng mỳ. Gặp lúc túng bấn không được bữa mỳ đãi khách là day dứt không yên. Nhà có khách bất ngờ không nấu nướng kịp thì cũng phải ra quán mỳ mua một vài tô đặc biệt về thiết đãi.
Nhìn chung, mỳ Quảng chính là gốc gác và cái hồn của người dân Quảng. Bao nhiêu tính cách đều thể hiện qua một tô mỳ, đặc biệt trong tô mỳ luôn chứa đựng cả cuộc sống người dân Quảng để khi ăn xong ai cũng phải nhớ, ai cũng phải gật đầu khen ngon.
Theo Kienthuc