1. Eiger, Thụy Sĩ
Đỉnh núi khổng lồ này cao 3.970 m so với mực nước biển và được chinh phục lần đầu tiên vào năm 1858. Tuy nhiên, chưa một ai từng chinh phục được ngọn núi này ở mặt phía bắc, nơi được coi là dốc và nguy hiểm nhất tại đây cho tới tận năm 1938. Mặt phía bắc này còn được mệnh danh là “Bức tường chết người" (Murder Wall) và đã chôn vùi 64 nhà leo núi thám hiểm khi cố gắng chinh phục nó.
2. Annapurna, Nepal
Trong tiếng Phạn, Annapurna có nghĩa là “Nữ thần thu hoạch”. Đây là đỉnh núi cao thứ 10 trên thế giới với độ cao tới 8.091 m. Kể từ năm 1950, có 157 nhà leo núi tìm cách chinh phục đỉnh núi nhưng 60 người đã phải thiệt mạng khi thực hiện lý tưởng đó. Mặt núi phía Nam là địa điểm khó leo nhất ở Annapurna, và phải đến năm 1970, nó mới được chinh phục lần đầu tiên.
3. K2, biên giới Pakistan - Trung Quốc
Với độ cao 8.611 m nằm ở dãy Karakoram, Pakistan, K2 được coi là đỉnh núi cao thứ hai trên thế giới. Không một nhà leo núi nào dám mạo hiểm leo lên ngọn núi này vào mùa đông bởi địa thế hiểm trở với các sườn đá dốc đứng, trơn trượt và thời tiết bất thường nơi đây. Trung bình cứ 4 người leo lên K2, lại có 1 người bị thiệt mạng. Đỉnh núi này còn nổi tiếng bởi những cơn bão khắc nghiệt kéo dài tới vài ngày, nên nó còn được gọi là “Đỉnh núi hoang dã” (Savage Mountain).
4. Mont Blanc, biên giới Pháp – Ý
Mặc dù chỉ cao 4.810 m, nhưng Mont Blanc đã lấy mạng của gần 8.000 người muốn chinh phục nó. Lý do là bởi hàng năm trung bình có tới 20.000 khách du lịch tới đây. Ngọn núi này đã từng là nguyên nhân gây ra tranh chấp quyền sở hữu giữa Pháp và Ý trong nhiều thế kỷ qua và quyết định cuối cùng là cả hai cùng nắm chủ quyền, dù phần lớn diện tích là thuộc nước Pháp. Năm 1808, Marie Paradis, nhà leo núi nữ đầu tiên đã đặt chân lên tới đỉnh của ngọn núi này.
5. Nanga Parbat, Pakistan
Nanga Parbat là ngọn núi cao thứ 9 trên thế giới với độ cao 8.125 m và cũng chưa ai từng dám khám phá nó vào mùa đông. Theo tiếng Urdu, Nanga Parbat có nghĩa là núi trọc, nhưng với việc chứng kiến rất nhiều tai nạn chôn vùi trong tuyết của các nhà leo núi khiến nó được gọi là “Kẻ ăn thịt người” hay “Núi quỷ”.
6. Kangchenjunga, Hymalaya
Ngọn núi cao thứ 3 thế giới này nằm trên lãnh thổ của tỉnh Taplejung, trải dài trong vùng biên giới giữa Nepal và Ấn Độ. Kangchenjunga có nghĩa là “Năm kho báu tuyết” vì nó bao gồm 5 đỉnh, có độ cao đều trên 8.000m và phủ đầy tuyết. Năm 1955, một đoàn thám hiểm người Anh đã trở thành nhóm đầu tiên tiến hành chinh phục ngọn núi, nhưng cuối cùng vẫn không thể đặt chân được lên đến đỉnh núi và phải bỏ cuộc.
7. Fitz Roy, Patagonia:
Fitz Roy là một trong những ngọn núi hiểm trở nhất thế giới dù chỉ độ cao của nó chỉ là 3.405m. Trong khi Everest đón hơn 100 du khách mỗi ngày trong suốt mùa hè, thì ở Fitz Roy lại chỉ có 1 – 2 người tới đây mỗi năm. Bởi ngọn núi này không chỉ là một trong những nơi xa xôi, hẻo lánh mà nó còn gây ra nhiều vấn đề khó khăn cho các nhà leo núi cả về tinh thần lẫn kỹ thuật.
8. Vinsion Massif, Nam Cực
Ngọn núi cao nhất Nam cực này có độ cao 4.892m và phải tới năm 1958 mới được phát hiện bởi một máy bay của Hải quân Mỹ. Năm 1966, các nhà leo núi đã chinh phục được nó và từ đó tới nay có tới 1.400 người đã lên tới đỉnh nhưng cũng không ít người đã phải bỏ mạng nơi đây.
9. Matterhoen, biên giới Thụy Sĩ – Pháp
Matternhoen là một trong những ngọn núi nguy hiểm nhất của dãy Alps. Cuộc thám hiểm đầu tiên vào năm 1865 đã kết thúc trong bi kịch khi bốn nhà leo núi trong đoàn đã thiệt mạng trên đường đi xuống.
10. Everest, Himalaya
Nằm ở biên giới giữa Nepal và Tây Tạng, Everest được mệnh danh là “nóc nhà của thế giới” với độ cao 8.848m. Trong tiếng Nepal, nó được gọi là Sagarmatha và ở Tây Tạng, nó lại có tên là Chomolungma. Mỗi năm có tới hàng trăm khách du lịch tới đây để được chinh phục điểm đến tuyệt vời nhất hành tinh này, dù không ít người thiệt mạng, hàng trăm người phải bỏ cuộc và không thể tới được đỉnh.
Theo Zing