Chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Để đi lễ, du khách sẽ phải mua vé và ngồi đò khoảng một tiếng trên dòng suối Yến dẫn vào chùa. Giá vé tham quan là 50.000 đồng, giá vé đò là 35.000 đồng (tuyến Hương Tích).
Sau khi mua vé, khách sẽ được hướng dẫn xuống thuyền đậu ở bến Đụn và bắt đầu hành trình đi lễ chùa Hương. Mỗi ngày ở đây đón tiếp hàng nghìn lượt khách đến đi lễ, ngày cao điểm có thể lên đến 70.000 người.
Là thủy lộ duy nhất để du khách vào lễ bái ở chùa Hương, dòng suối Yến trông giống như đuôi của một con chim yến đang xòe rộng. Từ ngày khai hội đến hết tháng 3, khung cảnh nơi đây lúc nào cũng tấp nập với những con đò chở khách vào ra nườm nượp.
Trước khi lễ bái ở chùa Trong, tức chùa trong động Hương Tích, du khách sẽ ghé chùa Thiên Trù, tức chùa Ngoài. Nằm giữa núi rừng linh thiêng, chùa mang vẻ đẹp uy nghi, cổ kính cùng không gian thanh tịnh.
Năm nay, ban tổ chức kiên quyết đảm bảo an ninh, trật tự trong mùa lễ hội bằng cách xử lý nghiêm các hành vi như đổi tiền lẻ, chèo kéo khách, đặt tiền giọt dầu, xem bói, mê tín dị đoan...
Từ chùa Thiên Trù, theo đường núi quanh co đi khoảng 2 km thì đến chùa Trong. Trên đường đi, du khách sẽ bắt gặp hai bên đường vô số hàng quán bày bán cành vàng, cành bạc, lộc, quan tiền... để cầu may.
Có hai cách để đến chùa Trong là leo bộ hoặc đi cáp treo. Giá cáp treo một lượt là 90.000 đồng (người lớn) và 60.000 đồng (trẻ em). Lối dẫn xuống chùa trong lòng động dài hơn 100 bậc đá. Từ trên cao, du khách đã có thể cảm nhận bầu không khí mát lành thổi ra từ trong lòng động.
Ngoài tượng thờ Bà Chúa Ba, một hóa thân của Bồ tát Quan Âm, trong động còn có nhiều đụn nhũ được biết đến với tên gọi: Đụn Gạo, Cây Vàng, Cây Bạc, Máng Lợn, Nong Kén, Đầu Cậu, Đầu Cô…
Nhiều du khách cố hứng giọt nước chảy ra từ nhũ đá với quan niệm đó là lộc trời và mong muốn có được sức khỏe trong năm.
Đi hội chùa Hương vào tháng 3, du khách còn có dịp ngắm nhìn hoa gạo nở đỏ rực, tạo nên khung cảnh thơ mộng cho dòng suối Yến.
Theo VnExpress