Đặt chân đến Côn Đảo vào dịp lễ sắp tới, bạn sẽ được dịp ngược dòng lịch sử, tìm hiểu về những gian khổ trong công cuộc giành lại độc lập, tự do của đất nước.
Thời gian bay từ TP HCM đến Côn Đảo khoảng 45 phút. Con đường đèo dẫn vào thị trấn quanh co bên sườn núi với những cây hoa rừng nhiều màu sắc tạo nên khung cảnh thơ mộng.
Những cây bàng cổ thụ cao lớn, tán lá xum xuê, che rợp cả một vùng làm cho không gian trở nên trầm mặc. Đây còn là các minh chứng sống động của lịch sử Côn Đảo.
Ngoài nghĩa trang Hàng Dương, bạn có thể tham quan nhiều di tích lịch sử khác ở Côn Đảo. Một trong số đó là dinh Chúa Đảo, nơi ở và làm việc của các chúa đảo và tay sai từ năm 1862 đến trước năm 1975. Dinh có thiết kế theo lối kiến trúc xưa: nhà tường mái ngói, những ô gạch đỏ lát sàn cũ kỹ, các bậc thềm chạy dọc hành lang bên ngoài. Ngày nay, tượng Bác Hồ được đặt giữa gian phòng chính, hai bên gồm những bức tranh minh họa quá trình hình thành vùng đất này, cũng như ghi rõ thời gian cai trị của các chúa đảo.
Hệ thống nhà tù Côn Đảo được mệnh danh là “địa ngục trần gian”. Trung tâm cải huấn Phú Hải - trại giam lớn và cổ nhất ở Côn Đảo có hai dãy hành lang dài cùng khoảng sân rộng lớn dẫn đến các khám, nơi giam giữ những chiến sĩ cách mạng yêu nước như Nguyễn Duy Trinh, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế…
Bước qua cánh cửa sắt đen, hiện ra trước mắt là những bức tượng tái hiện cả trăm tù nhân làm bằng thạch cao bị cùm chân tập thể, nằm ngồi la liệt trên các bệ xi măng. Đến phòng xay lúa của thực dân Pháp, có các bức tượng mô phỏng cảnh này, thực chất đây là cách tra tấn tù nhân.
Khu đập đá Côn Lôn trong trại cải huấn Phú Hải là nơi tù nhân bị thực dân Pháp bắt lao động khổ sai. Chính vì thế, cụ Phan Chu Trinh đã sáng tác bài thơ “Đập đá Côn Lôn” nổi tiếng, tạo nên khí phách hiên ngang của người chiến sĩ cách mạng trong lao tù.
Từ thị trấn đi về hướng tây tới một con đường nhỏ, qua con dốc là cầu Ma Thiên Lãnh. Nơi đây thực dân Pháp đã bắt các tù nhân khuân đá xây dựng từ phía bên này sang đến bên kia núi. Thời tiết bấy giờ khắc nghiệt, các tù nhân ăn đói mà phải lao động khổ sai suốt đêm lạnh ngày nóng, dưới trời mưa gió rả rích. Chính vì vậy tại cây cầu Ma Thiên Lãnh 356 tù nhân đã ngã xuống mà chỉ xây được hai trụ cầu.
Trại Phú Tường nổi tiếng khắc nghiệt với tên gọi Chuồng Cọp Pháp. Đây là nơi giam cầm và đày ải bao thế hệ chiến sĩ cách mạng, những nhà yêu nước Việt Nam từ thời kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ. Nơi này được thực dân Pháp xây dựng bí mật từ năm 1940 với hai lớp cửa cổng. Tù nhân khi được đưa đến đây bị bịt kín mắt và dẫn qua những lối hành lang ngoằn ngoèo để không xác định được phương hướng mà trốn thoát.
Cách Chuồng Cọp Pháp 5 phút đi xe là trại Phú Bình hay còn gọi là Chuồng Cọp Mỹ. Vào tham quan nơi tối tăm nhất của nhà tù, bạn sẽ thấy những phòng giam chật hẹp và được rào bởi hai lớp kẽm gai.
Miếu bà Phi Yến hay An Sơn Miếu được xếp hạng di tích của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Lịch sử ghi lại rằng muốn đánh bại nghĩa quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh tính chuyện cầu viện quân Pháp và định gửi hoàng tử Cải sang làm con tin. Thứ phi Hoàng Phi Yến đã khuyên ngăn chúa. Vì lời khuyên này, nhà chúa cho rằng thứ phi thông đồng với quân Tây Sơn nên tức giận hạ lệnh tống giam bà trong một hang đá trên hòn Côn Lôn nhỏ (nay gọi là Hòn Bà).
Bà ra đi trên đất đảo trong một dịp lễ đàn chay và để giữ tiết hạnh với chúa Nguyễn Ánh. Có thể nói An Sơn Miếu là một trong rất ít di sản văn hóa dân gian còn tồn tại đến ngày nay ở Côn Đảo. Bà Phi Yến cùng với liệt sĩ Võ Thị Sáu là hai người được dân địa phương tôn sùng như bậc thánh nữ linh thiêng.
Theo VnExpress