Lũng Cú nằm trên đỉnh cao nguyên Đồng Văn, có độ cao từ 1600m đến 1800m so với mực nước biển. Lũng Cú có 9 thôn bản là nơi sinh sống của người Mông, Lô Lô, Tày, Pu Péo…
Lũng Cú cách thị xã Hà Giang khoảng hơn 200km |
Có nhiều cách đi đến Lũng Cú. Từ thị xã Hà Giang, theo Quốc Lộ 4C ngược lên phía Đông Bắc khoảng 16km tới xã Đồng Văn, huyện Đồng Văn. Từ đây, tiếp tục xuôi theo con đường trải nhựa nối liền hai xã Lũng Cú-Đồng Văn khoảng 40km là đến Lũng Cú. Có thể đi theo tour và cũng có thể đi xe máy, dù đường núi đèo dốc nhưng thuận lợi. Cũng có thể đi vòng ngược lại từ Mèo Vạc về Đồng Văn.
Sương sớm Hà Giang |
Trên đường từ Hà Giang đến Lũng Cú ngang qua các điểm có thể dừng lại chụp hình, ngắm cảnh như dốc Bắc Sum (xã Ninh Tân, huyện Vị Xuyên), núi đôi Quản Bạ (xã Tam Sơn, huyện Quản Bạ), bức tường thành tại xã Cán Tỷ huyện Quản Bạ, sa mạc đá (Lũng Hòa A, xã Phố Là)…
Núi đôi Quản Bạ |
Bức tường thành |
Sa mạc đá |
Các dân tộc ở Lũng Cú chủ yếu là làm nương rẫy và làm ruộng bậc thang. Riêng dân tộc Mông và Lô Lô vẫn bảo tồn nghề dệt truyền thống với các công đoạn làm sợi lanh, dệt vải. Nhìn chung, cuộc sống bà con thôn bản nơi đây vẫn còn nghèo.
Điểm tham quan chính ở Lũng Cú là cột cờ Lũng Cú, cột cờ quốc gia nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn). Nếu trước đây, muốn lên đến cột cờ phải đi bộ khoảng hơn 800 bậc cấp thì giờ đây đã có đường xe chạy thẳng lên gần đến đỉnh, chỉ đi bộ khoảng chưa đến trăm bậc cấp. Tuy nhiên, đây là đường vòng qua núi rất hiểm trở với những khúc quanh cua rất gấp khúc, tài xế phải rất vững tay lái.
Đường lên đỉnh Lũng Cú với những khúc cua hiểm trở |
Cầu thang lên cột cờ |
Có đến Lũng Cú một lần mới hiểu được không chỉ là cảm giác chinh phục độ cao, đi qua một đoạn đường dài núi non gập ghềnh, khúc khuỷu hiểm trở… mà còn là cảm giác chạm đến một nơi rất linh thiêng. Lá cờ tổ quốc tung bay trong gió mà ai cũng ao ước chạm tay vào, hay cảm giác được ôm thân cột cờ cũng là một cảm xúc khó quên.
Đứng từ trên đỉnh cột cờ nhìn xuống là không gian bao la và mênh mông của ruộng bậc thang, rừng, núi trùng điệp, đặc trưng của vùng Tây Bắc của địa đầu Việt Nam. Đặc biệt còn có hai ao nước hai bên núi quanh năm không bao giờ cạn nước được gọi là mắt rồng, là nguồn nước cho người dân tộc hai bản sử dụng. Cảnh quang đẹp đến mê hồn. Ngắm nhìn thiên nhiên vừa gần gũi, vừa hùng vĩ vừa thân thương.
Hai ao nước được gọi là mắt rồng |
Theo các tài liệu, cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt, ban đầu chỉ làm bằng cây sa mộc. Sau đó, cột cờ tiếp tục được trùng tu hoặc xây dựng lại nhiều lần với kích thước, quy mô lớn dần theo thời gian. Hiện nay, cột cờ có hình bát giác, cao trên 30m, chân, bệ cột cờ có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh mô phỏng hoa văn mặt của trống đồng Đông Sơn và những họa tiết minh họa các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước, cũng như con người, tập quán của các dân tộc ở Hà Giang, thân cột cờ có cầu thang bộ đi lên đỉnh.
Trên đỉnh cột là cán cờ cao 9m cắm Quốc kỳ Việt Nam có chiều dài 9m, chiều rộng 6m và tổng diện tích rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam.
Từ trên cột cờ nhìn xống là khung cảnh đẹp như tranh vẽ |
Hiện nay tại đồn biên phòng Lũng Cú có một trạm chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ lá cờ. Do sức gió trên đỉnh Lũng Cú rất mạnh làm lá cờ dễ bị hỏng nên cứ khoảng tuần phải thay cờ mới. Trong trạm bảo vệ luôn có hàng chục lá cờ lớn để dự phòng.
Theo PNO