Đất Tổ thiêng liêng
Mỗi năm có hàng chục ngàn người kéo về đền Hùng để dâng hương tỏ lòng thành kính. Ảnh: Internet |
Đền Hùng là Di tích Quốc gia đặc biệt, nằm trong địa phận kinh đô Phong Châu của quốc gia Văn Lang cổ xưa, nay là Phú Thọ. Khu di tích lịch sử đền Hùng là quần thể đền chùa thờ phụng các đời vua Hùng. Đền nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, (xã Huy Cương, thành phố Việt Trì, Phú Thọ), được coi như điểm hội tụ văn hóa tâm linh của Việt Nam.
Tọa lạc ở địa thế đẹp, từ khu di tích đền Hùng, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên đa dạng với núi rừng, đồi gò, đồng ruộng, sông ngòi, ao hồ phong phú… Đền Hùng nằm ẩn dưới một gốc đa cổ thụ, hướng về phía núi Giác, bên trái là giếng Loan, bên phải có giếng Phượng, phía trước có núi Giác hùng vĩ, sau lưng là sông Hồng uốn lượng như được rồng thiêng bao bọc.
Từ xa nhìn lại, núi Nghĩa Lĩnh (núi Hùng) giống như chiếc đầu rồng hướng về phía Nam, mình uốn lượn thành khúc là các núi Vặn, núi Trọc, núi Pheo… như đang chầu về đất Tổ. Theo truyền thuyết, 3 đỉnh núi: Hùng, Vặn, Trọc tạo thành “Tam sơn cấm địa” được dân gian thờ từ rất lâu đời. Đền Hùng nằm ở nơi sơn thủy hội tụ, được coi là chốn linh thiêng của người Việt.
Có thể nói, di tích đền Hùng chứa đựng nhiều ý nghĩa về cội nguồn dân tộc Việt. Đó là đất nước thời sơ khai gắn với truyền thuyết “Trăm trứng nở trăm con”, 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi; 49 người theo cha Lạc Long Quân xuống biển và 1 người ở lại lập ra nhà nước Văn Lang 4000 năm trước đây. Đứng đầu nhà nước Văn Lang là 18 triều vua Hùng.
Lăng vua Hùng trong đền Thượng. Ảnh: mytour |
Cổng vào đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ. Ảnh: mytour |
Từ xa xưa, đền Hùng đã vừa là nơi thờ tự để tưởng nhớ, tôn vinh công lao các đời Vua Hùng, vừa là biểu tượng linh thiêng của khối đại đoàn kết dân tộc. Từ thời các vua Hùng, đã có đền Thượng (tên chữ là Kính Thiên lĩnh điện, thuộc khu di tích lịch sử đền Hùng), là nơi vua thường tiến hành nghi lễ tế trời đất. Đến thế kỷ 15, đền Hùng được xây dựng hoàn chỉnh với hệ thống lăng tẩm, đền đài như bây giờ.
Mỗi năm khi gần đến ngày hội đền Hùng (Ngày giỗ Tổ Hùng Vương) vào ngày 10/3 âm lịch, người dân khắp nơi đều nô nức kéo về nơi đất Tổ để tỏ lòng thành kính, biết ơn của mình. Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Biểu tượng của cội nguồn dân tộc
Hội đền Hùng. Ảnh: thoidai |
Là người dân Việt Nam, không ai không biết câu ca dao :“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”. Đặc biệt, với truyền thống thờ cúng tổ tiên có từ lâu đời, ngày hội đền Hùng càng mang ý nghĩa quan trọng, to lớn trong đời sống tâm linh của mỗi người Việt. Bởi đó là ngày giỗ trọng của cả dân tộc Việt Nam.
Về với đền Hùng là về thăm đất Tổ, để tưởng nhớ cội nguồn dân tộc – nơi khai sinh ra nước Việt từ những ngày đầu tiên. Bởi thế, viếng thăm đền Hùng đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam từ hàng ngàn năm nay cho đến bây giờ.
Lễ hội đền Hùng không chỉ có vai trò giáo dục truyền thống yêu nước “Uống nước nhớ nguồn" mà còn là dịp để nhân dân bày tỏ lòng biết ơn, thành kính với các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã kiên cường bảo vệ Tổ quốc khỏi quân xâm lược.
Du lịch đền Hùng, du khách vừa được chiêm ngưỡng những thắng cảnh đẹp, vừa hiểu thêm về lịch sử được tái hiện trong những nghi thức, phong tục truyền thống, trò chơi dân gian và các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Thông qua lễ hội này, lòng yêu nước trong mỗi người vừa được khơi dậy, lan tỏa, hình ảnh du lịch của vùng đất giàu lịch sử, truyền thống lại vừa được quảng bá tới du khách, bạn bè quốc tế.
Lễ hội đền Hùng vừa là ngày hội lớn, vừa là biểu tượng vĩnh cửu cho khối đoàn kết toàn dân, một lòng hướng về nguồn cội, về những giá trị tâm linh, tinh thần đã tồn tại hàng nghìn năm, trở thành đạo lý truyền thống của dân tộc.
Thu Thủy