Cổng Văn Thánh miếu Vĩnh Long. Ảnh: Internet |
Văn Thánh miếu thuộc phường 4, thị xã Vĩnh Long, cạnh sông Tiền Giang. Đây là một trong 3 Văn Thánh miếu của Nam Bộ có từ thế kỷ 19. Hai Văn Thánh miếu khác nằm ở Biên Hòa - Đồng Nai và Gia Định xưa. Không những là biểu tượng văn hóa, Văn Thánh miếu còn là niềm tự hào của người dân Vĩnh Long. Di tích này được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia vào ngày 25/3/1991.
Được xây dựng dưới thời Nguyễn từ năm 1864 đến năm 1866, Văn Thánh miếu Vĩnh Long là công trình văn hóa mang danh nghĩa đề cao, tôn vinh Nho giáo, biểu tượng học vấn Nam Kỳ. Công trình kiến trúc tiêu biểu này còn được mệnh danh là “Quốc Tử Giám của phương Nam”. Trải qua bao bể dâu lịch sử cùng 6 lần trùng tu, tôn tạo nhưng Văn Thánh miếu này vẫn giữ được những nét kiến trúc nguyên bản, cổ kính như thuở ban đầu. Ngày nay, di tích ấy trở thành một trong những Văn Thánh miếu tiêu biểu của Vĩnh Long – xứ ở địa linh nhân kiệt và quan trọng của Nam Bộ.
Người chủ xướng xây dựng công trình kiến trúc này là Kinh lược sứ Nam Kỳ Phan Thanh Giản và Đốc học Nguyễn Thông. Ban đầu khi xây dựng, Văn Thánh miếu Vĩnh Long dùng làm nơi thờ cúng Khổng Tử cũng như địa điểm để các sĩ tử tập trung ôn luyện khoa cử. Nhưng thực chất, mục đích chính là tạo điểm hoạt động văn hóa đề cao các bậc tiền hiền và giáo dục lòng yêu nước. Thời bấy giờ, có nhiều sĩ phu ở Biên Hòa, Gia Định, Định Tường không chịu làm tay sai cho Pháp nên đã tìm cách về Vĩnh Long và tham gia vào các hoạt động đó.
Trong quá trình xây dựng, Phan Thanh Giản muốn xây thêm một lầu thơ nhưng vì giặc Pháp kéo đến chiếm Văn Thanh miếu, Phan Thanh Giản tuẫn tiết còn Nguyễn Thông tỵ nạn ra Bình Thuận. Pháp muốn phá bỏ Văn Thánh miếu nên đã lấy lý do thiếu gỗ xây dựng dinh tỉnh trưởng.
Dấu vết thời gian đã phủ màu cổ kính lên những đường nét kiến trúc của Văn Thánh miếu. Ảnh: Kienthuc |
Người dân đã cử bá hộ Trương Ngọc Lang đứng ra ngăn cản, Pháp mới không phá bỏ công trình này. Đến năm 1869, bá hộ Trương Ngọc Lang đã quyên tiền để xây lầu thơ, thực hiện ước muốn lúc sinh thời của cụ Phan Thanh Giản. Nhờ thế, công trình xây dựng đặc sắc này mới tồn tại còn khá nguyên vẹn đến ngày nay. Người dân coi di tích này như di sản văn hóa ở Vĩnh Long.
Về kiến trúc Văn Thánh miếu, cổng tam quan xây theo lối cổ lâu có ba tầng mái, đơn giản nhưng mỹ thuật. Cổng chính lớn hơn 2 cổng phụ, được xây theo hình vòm. Hai bên cột cổng là 2 hàng câu đối bằng chữ Hán nói về đức sáng của Khổng Tử cũng như ca ngợi Văn Thánh Miếu.
Hai hàng sao cao vút. Ảnh: Internet |
Qua cổng là thần đạo hướng thẳng vào điện Đại Thành với 2 hàng sao cổ thụ cao vút có từ thời xây dựng Văn Thánh miếu. Trước chính điện, giữa thần đạo có 3 tấm bia đá. Đây đều là những bia đá ghi lại quá trình xây dựng và phát triển quần thể di tích Văn Thánh miếu Vĩnh Long.
Đặc sắc nhất là tấm bia do Phan Thanh Giản chắp bút trước khi tuẫn tiết. Tấm bia thứ 2 đựng lên để kỷ niệm Tống Hữu Định và giới trí thức về việc trùng tu miếu vào năm 1903. Tấm bia cuối cùng dựng năm 1931, ca ngợi công ơn của bà Trương Ngọc Loan (con gái bá hộ Trương Ngọc Lang) đã hiến đất cho miếu để làm hoa lợi hương hỏa.
Điện Đại Thành, công trình trung tâm của Văn Thánh miếu. Ảnh: Kienthuc |
Điện thờ Khổng Tử. Ảnh: Kienthuc |
Công trình trung tâm của Văn Thánh miếu là điện Đại Thành, nằm ở cuối đường thần đạo, được xây dựng trên nền đá xanh cao khoảng 90cm. Chính điện Đại Thành là nơi thờ Khổng Tử. Hai bên trái, phải thờ Tứ phối, Thập triết.
Tụy Văn Lâu. Ảnh: Kienthuc |
Bên phải lối thần đạo là Tụy Văn Lâu nghĩa là lầu nhóm họp giới văn nhân tài tử (sau đổi tên thành Văn Xương Các). Đây là một công trình nhỏ nhưng đẹp. Trong Xương Văn Các vẫn còn lưu giữ Sắc phong thần của nhà Nguyễn cho Phan Thanh Giản (1933).
Trên gác là nơi cất sách và thờ 3 vị Văn Xương Đế Quân - vị tinh quân về văn học chủ quản việc học hành thi cử. Tầng dưới là nơi giới trí thức, văn nhân ngồi đàm đạo và đặt khánh thờ những trí thức có tầm ảnh hưởng đối với sĩ phu Nam kỳ như Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản, Đốc học Vĩnh Long Nguyễn Thông...
Phía ngoài trước sân hai bên Văn Xương Các là 2 khẩu súng thần công đại bác hiện nay đã gỉ sét. Tương truyền, đây là 2 khẩu súng đã dùng để bảo vệ thành Vĩnh Long từ năm 1860.
Điện Đại Thành và Tụy Văn Lâu là 2 công trình còn lưu giữ được những nét kiến trúc đặc trưng, tiêu biểu của vùng đất Nam Bộ là thềm điệp ốc. Ngoài ra, trong khuôn viên Văn Thánh miếu Vĩnh Long còn có 2 ao nhỏ, gọi là hồ Nhật Tinh và hồ Nguyệt Anh.
Mỗi năm, du khách đều kéo về Văn Thánh miếu để tỏ lòng tôn kính và yêu mến những hiền tài của đất nước, đặc biệt trong các ngày lễ lớn. Như lễ tế Khổng Tử vào ngày Xuân Thu, Đinh Thu; lễ giỗ cụ Phan Thanh Giản vào ngày 4-5/7 âm lịch; lễ truy điệu chung các quan đại thần và giỗ âm binh vào ngày 12-13/10 âm lịch.
Chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử mang ý nghĩa quan trọng, Văn Thánh miếu Vĩnh Long là điểm đến du khách không nên bỏ qua. Cũng như khi ghé thăm Thủ đô Hà Nội, chẳng ai bỏ qua cơ hội tới Văn Miếu – Quốc Tử Giám (trường đại học đầu tiên của Việt Nam) để tham quan, tìm hiểu về truyền thống hiếu học của người Việt cũng như công lao của các bậc tiền nhân.
Thanh Thúy