22:50 22/12/2024

Điểm lễ chùa đầu năm cho dân công sở tại Hà Nội

17:19 19/02/2016

Ngay giữa Thủ đô Hà Nội tập trung rất nhiều những ngôi chùa lớn, nhỏ nằm xen kẽ trong các khu phố tấp nập, thuận tiện cho nhân viên công sở đến vãn cảnh, lễ chùa cầu an.

1. Chùa Trấn Quốc – Quận Tây Hồ

Điểm lễ chùa đầu năm cho dân công sở tại Hà Nội - 1
Chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng. Ảnh: Internet

Chùa Trấn Quốc có lịch sử 1500 năm, được coi là ngôi chùa lâu đời nhất ở Thăng Long - Hà Nội, nằm trên một hòn đảo phía đông Hồ Tây, quận Tây Hồ, cạnh con đường Thanh Niên xanh mát. Ngôi chùa là sự kết hợp hài hòa giữa vẻ uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã được bao quanh là hồ nước mênh mang.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, ngôi chùa vẫn lưu giữ được những giá trị văn hóa, kiến trúc độc đáo. Ngoài kết cấu có sự sắp xếp trình tự và theo nguyên tắc khắt khe của Phật giáo, khuôn viên chùa còn có Bảo tháp lục độ đài sen được xây dựng năm 1998. Bảo tháp lớn gồm 11 tầng, cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh tháp có đài sen chín tầng (được gọi là Cửu phẩm liên hoa) cũng bằng đá quý. Chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều Phật tử và khách du lịch. Năm 1989, chùa được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.

2. Chùa Quán Sứ - Quận Hoàn Kiếm

Điểm lễ chùa đầu năm cho dân công sở tại Hà Nội - 2
Chùa thờ Phật và vị quốc sư triều Lý là Nguyễn Minh Không. Ảnh: Internet

Chùa Quán Sứ nằm ở số 73 phố Quán Sứ , phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. Chùa thờ Phật và vị quốc sư triều Lý là Nguyễn Minh Không. Chùa có khuôn viên rộng, quy mô kiến trúc lớn, tam quan kiểu 3 tầng mái, chính giữa là lầu chuông. 

Sau khi bước vào cửa chùa, qua tam quan đến một sân rộng lát gạch. Giữa sân xây tòa chính điện cao, hình vuông, có hành lang bao quanh. Hai bên và đằng sau là dãy nhà được dùng làm thư viện, giảng đường, nhà khách và tăng phòng. Chùa Quán Sứ có lẽ là một trong rất ít ngôi chùa ở Việt Nam mà tên chùa cũng như nhiều câu đối đều được viết bằng chữ quốc ngữ. Hiện nay, chùa Quán Sứ là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

3. Chùa Ngũ Xã – Quận Ba Đình

Điểm lễ chùa đầu năm cho dân công sở tại Hà Nội - 3
Chùa Ngũ Xã không chỉ thờ Phật còn thờ nhà sư Nguyễn Minh Không, tục truyền là tổ nghề đúc đồng. Ảnh: Internet

Được xây dựng từ thế kỷ XVIII thời hậu Lê (1428-1788), chùa Ngũ Xã còn có tên là Thần Quang Tự. Chùa Ngũ Xã không chỉ thờ Phật còn thờ nhà sư Nguyễn Minh Không, tục truyền là tổ nghề đúc đồng. Tại chùa có một pho tượng di đà rất lớn, mới được đúc năm 1952, tượng cao gần 4m, có chu vi tượng tới 11,6m. Trọng lượng toàn pho tượng là 10 tấn đồng. Chùa còn có tòa sen gồm 76 cánh. Tượng di đà của chùa Ngũ Xã là một kiệt tác của nghề đúc đồng thủ công ở Hà Nội.

Tuy mới được xây dựng lại trong thập kỷ 40 và 50 nhưng chùa vẫn giữ những lối kiến trúc chùa cổ điển Việt Nam. Năm 1993, chùa được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa.

4. Chùa Cầu Đông – Quận Hoàn Kiếm

Điểm lễ chùa đầu năm cho dân công sở tại Hà Nội - 4
Ảnh: Internet

Tên gọi khác của chùa Cầu Đông là "Đông Hoa Môn tự", chùa ngự tại số 38B phố Hàng Đường, phường Hàng Đào, trong khu vực phố cổ Hà Nội. Chùa cầu Đông được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XVII), nay vẫn giữ được kiểu dáng kiến trúc cổ. Điểm đặc biệt là chùa có 60 pho tượng cổ, tiêu biểu nhất là các tượng Tuyết Sơn, Di Lạc và bộ Tam Thế là cổ vật rất quí. Chùa còn bốn tấm bia có các niên đại 1624, 1639, 1711, 1816. Bia 1624 có tên là Đông Môn tự ký (bài ký về chùa Đông Môn) do nhà sư Nguyễn Văn Hiệp dựng, kể lại việc chính ông mua thêm đất mở rộng khuôn viên và xây dựng mở mang chùa. Vào năm 1989, chùa được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa.

5. Chùa Láng (Chiêu Thiền Tự) – Quận Đống Đa

Điểm lễ chùa đầu năm cho dân công sở tại Hà Nội - 5
Chùa được coi là nơi đệ nhất tùng lâm của kinh đô Thăng Long. Ảnh: Internet

Tọa lạc ở quận Đống Đa, chùa Láng được xây dựng từ thời vua Lý Thần Tông (1128-1138) để thờ Từ Đạo Hạnh là một nhà tu hành đắc đạo, nổi tiếng thời Lý.

Chùa có nhiều đồ thờ cổ, tượng phật, tượng Lý Thần Tông và đặc biệt là tượng Từ Đạo Hạnh không tạc bằng gỗ đá, mà đan bằng mây và quét sơn bên ngoài. Với khuôn viên rộng, nhiều cây xanh, ngay từ xa xưa nơi đây vẫn được coi là nơi đệ nhất tùng lâm của kinh đô Thăng Long. Tuy đã trải qua nhiều lần tu sửa, nhưng chùa vẫn lưu giữ được nét đẹp cổ kính.

6. Chùa Liên Phái – Quận Hai Bà Trưng

Ngôi chùa Liên Phái nằm trong ngõ nhỏ mang tên Chùa Liên Phái, phố Bạch Mai. Ngay từ khi bước đặt chân tới đây, du khách có thể thấy được nét uy nghi, cổ kính với hai bên cổng là hai hồ rộng vô cùng thoáng mát. Cổng chùa có tháp Diệu Quang cao 10 tầng hình lục lăng, tiếp đến là nhà bia có tấm bia kể lại sự tích chùa.

Chùa có một khoảng sân trồng hoa ngăn cách hậu cung với nhà tổ. Điều khiến cho ngôi chùa trở nên nổi tiếng và được coi như một di tích lịch sử giá trị chính là khu vườn tháp phía sau chùa. Nơi đó, trên gò đất cao có 9 ngôi tháp xây thành 3 hàng: hàng thứ nhất có hai ngôi, hàng giữa có năm ngôi và hàng sau hai ngôi. Phần cao nhất của hàng giữa có tháp Cứu Sinh bằng đá là nơi táng hài cốt vị sư tổ thứ nhất, đồng thời là người sáng lập ra chùa Liên Phái - Phò mã Trịnh Thập. Chùa được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa ngày 28/4/1962.

Trang Đàm

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt