22:06 22/12/2024

Truyền tích về ngôi đền cổ

15:53 22/08/2015

Toạ lạc bên bờ sông Hồng hiền hoà thuộc địa phận thôn Cầu Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên (Yên Bái), từ lâu đền Đông Cuông đã trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách thập phương tới chiêm bái.

Truyền tích về ngôi đền cổ - 1

Đền Đông Cuông được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 2009, là nơi lưu giữ  được những giá trị văn hoá truyền thống trong đời sống tâm linh của đồng bào Tày Khao. Ngôi đền xưa kia được nhà bác học Lê Quý Đôn đặt tên là đền Tâm linh.Đền đã được bốn đời vua sắc phong về công lao bảo vệ đất nước, che chở nhân dân, gồm: Vua Đồng Khánh (năm thứ 2), Tự Đức (năm thứ 33), Duy Tân (năm thứ 3), Khải Định (năm thứ 9).

Theo thần tích họ Hà -  dòng họ nhiều đời giữ trách nhiệm coi sóc đền và nhiều tài liệu lịch sử ghi chép lại, đền Đông Cuông sơ khởi là miếu thờ Đông Quang công chúa do các dòng họ Hà, Hoàng (người Tày Khao) sáng lập.

Đông Quang công chúa tên thật là Lê Thị Kiểm, vợ ông Hà Văn Thiên, người Tày, được triều đình giao cai quản vùng Đông Cuông và ngoại vi. Ông là hậu duệ của Hà Bổng, Hà Đặc, Hà Chương (Trại chủ Quy Hóa). Ông Thiên đã lãnh đạo nhân dân địa phương đánh thắng giặc Nguyên Mông. Khi ông mất, dân lập miếu thờ ở Ghềnh Ngai (hữu ngạn sông Hồng). Bà Kiểm và con trai ở lại Đông Cuông và mất tại đây nên được thờ ở đền Đông Cuông (tả ngạn sông Hồng). Để ghi nhớ công lao của tổ phụ họ Hà, nhân dân đã giao đền cho người họ Hà trông nom, quán xuyến.

Từ khi được họ Hà tiếp nhận đến nay, đền Đông Cuông là nơi diễn ra nhiều hoạt động tâm linh của nhân dân trong vùng. Một trong những sinh hoạt văn hóa và lễ hôi tôn giáo lớn nhất chính là lễ Tế Mẫu – nghi lễ được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của năm mới và mang nhiều nét khác biệt so với các lễ hội khác trong vùng.

Truyền tích về ngôi đền cổ - 2
Ông Hà Văn Giấy là thủ từ đời thứ 5 của đền Đông Cuông

Ông Hà Văn Giấy - thủ từ đời thứ 5 của đền Đông Cuông cho biết: “Dòng họ Hà hơn chục đời trước đã được hưởng lộc làm mo tại đền Đông Cuông nhưng chỉ 5 thế hệ gần đây mới chính thưc tiếp quản ngôi đền. Có được vinh dự đó là do những đóng góp quan trọng của người họ Hà trong các cuộc đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước từ xa xưa. Đến nay, vị trí thủ từ vẫn được những người trong họ truyền nối qua nhiều thế hệ”.

Theo ông Giấy, năm 1979, đền bị phá hủy bởi chiến tranh biên giới phía Bắc. Trước khi di tản, ông Hà Văn Cương (thủ từ đời thứ 4) cùng những người trong họ chỉ kịp mang theo một số cổ vật và sắc phong của các đời vua ban cho. Sau khi ông Cương mất, ông đã mang 4 sắc phong xuống Viện khảo cổ học xác nhận và xin cấp phép xây dựng lại đền. Năm 1995, được sự đồng ý của Cục Di sản văn hóa quốc gia, UBND tỉnh Yên Bái đã ra quyết định cho phép nhân dân xã Đông Cuông dựng lại đền trên nền đất cũ. Ông cũng chính thức trở thành thủ từ đời thứ trông nom và đảm nhiệm việc khói nhang cho ngôi đền.

Truyền tích về ngôi đền cổ - 3
Những cổ vật của ngôi đền đang được dòng họ Hà bảo quản

Dòng họ Hà nói chung và ông Giấy nói riêng còn có công rất lớn trong việc kế tục và bảo tồn những bản sắc văn hóa dân tộc. Trong mỗi dịp lễ hội, ông là người trực tiếp đảm nhiệm công việc tế tự tại đền Đông Cuông. Theo ông, các lễ nghi truyền thống đã được lưu giữ từ nhiều thế kỉ nay nhưng chỉ thầy mo họ Hà mới thuộc các bài khấn cổ và có hèm (bí quyết riêng) để điều hành buổi lễ này. Không chỉ am hiểu về việc điều hành lễ hội, nhiều đồ vật quý giá của đền như lư hương, lô nhang, hạc, đèn đồng… cũng được dòng họ bảo quản cẩn thận. 

Vũ Hiệp

Tin liên quan
  • 9 món đặc sản phải thử khi đến Yên Bái
  • Lên Yên Bái mùa đông tắm suối nước nóng
  • Vẻ đẹp bình dị nơi bản cao Yên Bái

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt