Chợ “hoàng hôn” ở Darwin có những nét tương đồng chợ đêm châu Á. Mỗi tuần, chợ họp hai phiên vào các tối thứ Năm và tối Chủ nhật. Từ lúc nhá nhem tối, người dân địa phương và du khách bắt đầu đổ về chợ, dạo bước mua sắm và thưởng thức các món ăn châu Á đến từ Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia…
Ngay từ cổng chợ, tiếng kèn didgeridoo đặc trưng của thổ dân địa phương với làn điệu thăng trầm, tuy đơn giản mộc mạc nhưng âm hưởng nhịp khúc đã dẫn dắt chúng tôi vào một thế giới bảng lảng đồi núi, mênh mông biển hồ của “xứ sở chuột túi”. Kèn didgeridoo được làm từ thân cây Ecalytus, dài từ 1m đến 3m. Vì cây rất cứng nên phải bỏ công sức đi tìm thân cây nào có tổ mối sống, để mối ăn mòn ruột cây tạo độ rỗng bên trong làm thành kèn.
Tại phiên chợ “hoàng hôn”, hương vị thức ăn châu Á thơm lừng lan tỏa khắp nơi. Các quầy thực phẩm ở đây bày bán hơn 30 hương vị truyền thống của hàng chục quốc gia châu Á- Thái Bình Dương, từ “fish&chip” (cá và khoai tây chiên) kiểu Australia, cho tới thịt nướng sốt đậu của người Indonesia, cary gà xanh, lẩu Thái, bún Malaysia…
Người Việt Nam cũng góp mặt tại phiên chợ “hoàng hôn” với quầy bán thức ăn kiểu Việt, nổi bật là món cơm rang, bánh mỳ kẹp thịt và nem cuốn.
Hấp dẫn nhất với chúng tôi có lẽ là được thưởng thức các đặc sản ở vùng lãnh thổ Bắc Australia, trong đó có thịt cá sấu, thịt bò, thịt lạc đà, thịt trâu khô.
Các loại hoa quả nhiệt đới, nhất là xoài, được bán khá “chạy” trong phiên chợ. Ở Darwin có khoảng 400 nông gia người Australia và 30 nông gia người Việt trồng xoài. Song tới nay các hộ người Việt cung cấp tới 50% sản lượng xoài cho toàn bộ khu vực Darwin. Người Việt biết cách xử lý cho xoài ra trái sớm hơn chính vụ nên có thể bán được 50-70 AUD/thùng xoài (5-7 kg).
Phiên chợ “hoàng hôn” là nơi có thể dễ dàng tìm thấy các mặt hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo địa phương, từ kèn didgeridoo, các loại đá quý hiếm cho tới vòng đeo tay từ da cá sấu, giá đựng nến, đồ gốm…
Sau khi ăn uống, mua sắm thỏa thích, nhiều người tập trung xem biểu diễn nhạc rock đương đại, múa lửa sôi động của người thổ dân. Tạm biệt phiên chợ “hoàng hôn”, bức tranh về một nền văn hóa đa sắc tộc tại Australia hiện ra ngày càng rõ.
Theo Tintuc